Tín hiệu vui cho làng quần vợt Việt Nam trong những năm gần đây khi 2 doanh nghiệp Becamex Bình Dương, Tanimex TPHCM dưới sự hỗ trợ của liên đoàn quần vợt tỉnh, thành phố sở tại đã đưa được giải quần vợt đẳng cấp Men’s Futures nằm trong hệ thống thi đấu nhà nghề thế giới, có tính điểm xếp hạng ATP về tổ chức tại Việt Nam. Thế nhưng, Bình Dương đã ngưng tổ chức giải này vào năm ngoái, trong khi giải Tanimex cũng quyết định bỏ giải vào tháng 4 năm nay. Như vậy, chỉ sau 2 năm khôi phục, giải Men’s Futures một lần nữa bị khai tử ở Việt Nam.
Tay vợt Lê Quốc Khánh trong một giải Men’s Futures do Tanimex tổ chức. Ảnh: Quang Trực
Được xem là tượng đài của quần vợt Việt Nam, tay vợt 10 lần vô địch quốc gia Đỗ Minh Quân cho biết: “Tuy Men’s Futures là giải có đẳng cấp thấp nhất của quần vợt nhà nghề thế giới, nhưng lại rất quan trọng đối với các tay vợt Việt Nam. Nó là bước đệm cho tôi và các tay vợt trẻ từng bước bước vào làng quần vợt nhà nghề thế giới. Một năm, chúng ta cần tổ chức nhiều giải Men’s Futures để cho các tay vợt trong nước cọ xát, nâng cao trình độ bởi nó cũng phù hợp với trình độ của các tay vợt chúng ta. Chỉ có như thế, quần vợt Việt Nam mới có thể tiến bộ”.
Không những thế, việc tổ chức Men’s Futures sẽ có nhiều lợi ích nữa. Ngoài việc giới thiệu hình ảnh quần vợt Việt Nam với bạn bè thế giới cũng như phục vụ khán giả nhà, các tay vợt còn được các suất đặc cách dự giải. Bởi hiện tại, Việt Nam chỉ có duy nhất Lý Hoàng Nam có tên trong bảng xếp hạng thế giới, nhưng cũng thứ hạng rất thấp. Nếu các tay vợt Việt Nam dự giải, thì thường dự ở vòng loại hoặc vòng chờ, chứ ít được vào vòng chính. Vào tháng 6 rồi, Hoàng Nam tham dự 2 giải ở Thái Lan cũng từ vòng loại. Mới đây nhất vào tuần trước, Hoàng Thiên dự 2 giải của Đài Loan cũng phải từ vòng loại.
Còn nếu bỏ ra 30.000 USD tiền thưởng và một số chi phí khác tổ chức 3 giải Men’s Futures liên tiếp trong vòng 1 tháng, mỗi giải chúng ta sẽ có 4 suất đặc cách vòng chính, 6 suất vòng loại. Nếu 3 giải, tổng cộng là 12 suất vòng chính, 18 suất vòng loại. Một cơ hội quá tốt để cho các tay vợt trong nước cọ xát, học hỏi kinh nghiệm với các tay vợt quốc tế đẳng cấp, thậm chí ở tốp 300 - 400 thế giới. Bên cạnh đó, 30 suất đặc cách đó nếu các tay vợt Việt Nam đi đánh nước ngoài, chi phí tiền máy bay di chuyển, khách sạn nhiều khi còn tốn hơn nhiều so với việc tổ chức ở Việt Nam.
Theo ông Lê Việt Cường - người phụ trách quần vợt của đơn vị Becamex Bình Dương - giải Men’s Futures rất có ích cho sự phát triển của quần vợt Việt Nam nên phía Bình Dương mới đem giải về. Ngay cả phía Tanimex TPHCM cũng nhìn nhận như thế. Thế nhưng, đơn vị định hướng cho sự phát triển quần vợt Việt Nam là liên đoàn quần vợt chưa cho ra đời một giải Men’s Futures nào.
Đáng lẽ ra, LĐQV Việt Nam phải thấy được giá trị của Men’s Futures, họ phải chịu trách nhiệm tổ chức, chứ không phải Becamex hay Tanimex phải làm chuyện đó. Bởi họ chỉ là doanh nghiệp thích quần vợt chứ không có nhiệm vụ phát triển quần vợt. Thế nên, chuyện các doanh nghiệp tổ chức rồi ngưng tổ chức Men’s Futures là bình thường. Bên cạnh chúng ta đây, Thái Lan cũng tổ chức được 11 giải trong năm nay. Ngay cả Campuchia, họ cũng duy trì được giải này trong nhiều năm và tổ chức 3 giải trong năm nay, trong khi chúng ta lại mất trắng.
Hy vọng trong thời gian tới, LĐQV Việt Nam sẽ cho ra đời một giải Men’s Futures cho riêng mình và duy trì hàng năm để giúp các tay vợt Việt Nam phát triển. Chứ cái kiểu gầy dựng rồi khai tử thường xuyên xảy ra, bạn bè thế giới nhìn vào làm ảnh hưởng đến bộ mặt của quần vợt Việt Nam.
Quang Trực