Có trọng tâm, có chuyên biệt
"Nhiều năm qua, Tổng cục TDTT đều xem xét kỹ và tham khảo chuyên môn ở từng bộ môn để thành lập danh sách VĐV trọng tâm là những người được tập trung cao chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng. Năm 2022, dự kiến có 200 VĐV được xét vào danh sách, trong đó gồm khoảng 100 VĐV được sự đầu tư chuyên biệt", Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ.
Lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định, khoảng 100 gương mặt thuộc nhóm đầu tư chuyên biệt kia sẽ là những người được tập trung tối đa về chuyên môn để hướng tới giành HCV ở Olympic và Asian Games. "Chuyên biệt không chỉ là việc hưởng chế độ tăng thêm là 400 ngàn đồng/người/ngày về tiền ăn và 400.000 đồng/người/ngày về tiền công mà đây là những VĐV được sự đầu tư đảm bảo tốt nhất trong điều kiện đang có của thể thao Việt Nam từ dinh dưỡng, trang thiết bị tập luyện, việc tập huấn quốc tế... Đây là con số lựa chọn rất kỹ lưỡng đúng nghĩa chuyên biệt", ông Phấn phân tích.
Mục tiêu HCV Asian Games
Năm 2022, các VĐV của thể thao Việt Nam dự kiến dự nhiều đại hội quan trọng trong cùng năm gồm Đại hội thể thao và võ thuật châu Á trong nhà (AIMAG), Asian Games, Đại hội thể thao toàn quốc. Dự kiến, có thể SEA Games 31-2021 do Việt Nam làm chủ nhà được dời qua năm 2022 tổ chức và đây là đấu trường quan trọng nhất mà ngành thể thao hướng tới.
Qua tìm hiểu, nhà quản lý tính phương án phân chia nhóm trọng điểm theo 3 đối tượng 1, 2, 3 dành cho từng nhiệm vụ thành tích, đấu trường khác nhau. Từng nhóm VĐV trọng điểm dựa trên khả năng chuyên môn và chiến lược tập luyện được hướng chuẩn bị vào đại hội thể thao cụ thể. Đồng thời, việc tìm giải pháp xã hội hóa cùng chung tay với Tổng cục TDTT được tính tới.
Trong các ngày 15 và 16-9, đại diện Tổng cục TDTT sẽ làm việc trực tiếp cùng lãnh đạo Bộ VH-TT-DL về kế hoạch chuẩn bị cho Asian Games 2022 và định hướng Olympic Paris (Pháp) 2024. Chiến lược và mục tiêu cụ thể chắc chắn được đưa ra thảo luận. Thực tế, gần 2 năm qua, thể thao Việt Nam không có nhiều hoạt động thi đấu do ảnh hưởng của Covid-19 do vậy nhiều VĐV (có cả người ở danh sách trọng điểm) chỉ tập và ít cơ hội cọ xát trực tiếp. Thêm nữa, hình thái tập luyện thể thao do tác động của Covid-19 có nhiều thay đổi từ thực tế tới trực tuyến, nên thể thao Việt Nam chắc chắn sớm tiếp cận điều này.
11 môn thể thao của Việt Nam có VĐV dự Olympic Tokyo 2020 gồm bắn súng, điền kinh, TDDC, cử tạ, bơi, đua thuyền rowing, boxing, bắn cung, cầu lông, judo, taekwondo. Những môn này chắc chắn tiếp tục có VĐV trong danh sách trọng điểm của năm 2022. Thể thao Việt Nam vẫn đang chuẩn bị cho SEA Games 31-2021 nên con người trọng điểm sẽ rất đáng kể. |