Khích nhau đá thật!

Ngày mai (9-9), thầy trò ông Phan Thanh Hùng sẽ lên đường sang Kuala Lumpur để chuẩn bị cho trận giao hữu gặp tuyển Malaysia - bước thử nghiệm đầu tiên trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2012. Vài ngày tập trung chưa đủ để ông Hùng vẽ ra cho ĐTQG một bài nào đó gọi là “bài tủ”, nên chẳng sợ bị “lộ bài” trước người quen Malaysia...
Khích nhau đá thật!

Ngày mai (9-9), thầy trò ông Phan Thanh Hùng sẽ lên đường sang Kuala Lumpur để chuẩn bị cho trận giao hữu gặp tuyển Malaysia - bước thử nghiệm đầu tiên trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2012. Vài ngày tập trung chưa đủ để ông Hùng vẽ ra cho ĐTQG một bài nào đó gọi là “bài tủ”, nên chẳng sợ bị “lộ bài” trước người quen Malaysia...

Khích nhau đá thật! ảnh 1

Có thể trận đấu giao hữu với Malaysia lần này, HLV Phan Thanh Hùng sẽ “giấu” những quân bài quan trọng. Ảnh: Quang Minh

Có chăng, chuỗi trận đá giao hữu lòng vòng giữa các đội bóng Đông Nam Á đang chuẩn bị cho vòng chung kết AFF Cup 2012 tới đây chỉ là màn “khích nhau” trưng dụng lực lượng để thăm dò những gương mặt mới, lạ mà thôi.

Cứ nói rằng “lộ bài” cho oai, chứ thực tình, các đội bóng trong khu vực đã quá hiểu nhau, cách chơi cũng bao nhiêu đó, thì có gì mà lo sẽ lộ. Hơn nữa, Malaysia, Indonesia hay Singapore cũng chỉ mới chạy đà sau khi tập trung đủ quân số và vẫn đang thử nghiệm đội hình là chính.

Thành ra, chuyến xuất ngoại sang Malaysia lần này của ông Phan Thanh Hùng và các học trò không khác một chuyến du lịch, hoặc cùng lắm là đá để thăm dò thực lực đối thủ, đồng thời thử nghiệm nhiều vị trí mà theo ông là đủ khả năng trụ lại trong danh sách cuối cùng đến Thái Lan vào tháng 11.

Điều mà người Malaysia quan tâm, tức là con người của tuyển Việt Nam lúc này có khác biệt gì nhiều so với cách đây 2 năm hay không, bộ khung cũ vẫn được giữ nguyên hay được làm mới hoàn toàn bằng những gương mặt mới toanh. Nên, những Quốc Anh, Nguyên Sa, Ngọc Duy, Sỹ Cường, Gia Từ mới là các cầu thủ mà tuyển Malaysia muốn “xem giò” nhiều hơn cả, một khi họ được ông Hùng sử dụng trong trận giao hữu.

Lộ diện lối chơi hay không là do HLV, và do cả nguồn nhân lực phục vụ cho lối chơi ấy. Trước đây, “phù thủy” Calisto thường trưng dụng những gì tốt nhất cho các giải đấu tiền AFF Cup, nên không khó để Malaysia, Indonesia và thậm chí là đối thủ dưới cơ như Philippines nhận ra đâu là giải pháp tối ưu mà ông thầy người Bồ Đào Nha sẽ dùng cho VCK khu vực.

Giờ đây, có thể mọi chuyện sẽ khác, nhất là khi sau thời gian dài làm phó tướng cho các ông thầy ngoại, HLV Phan Thanh Hùng thừa hiểu rằng đã đối mặt với người Malaysia “láu cá”, thì cần phải tung “hữu chiêu” hay chỉ là “hư chiêu” ở những thời điểm thích hợp.

Chuyến xuất ngoại này, nếu ông Hùng có chủ ý “giấu bài”, cất những vị trí tiềm năng trên băng ghế dự bị, hoặc xua quân vào trận với tinh thần “đá để học hỏi” giống như cách mà Malaysia hay thể hiện, thì chẳng lo lối chơi của tuyển Việt Nam bị đối thủ nắm trong lòng bàn tay.

o0o

Không phải vô cớ mà Malaysia bất ngờ đưa ra lời mời đối với tuyển Việt Nam, sau khi Indonesia và Singapore đã ngỏ ý được đá giao hữu với thầy trò ông Hùng. Như đã nói ở trên, HLV K.Rajagobal muốn điều nghiên lực lượng trong tay ông Phan Thanh Hùng, đồng thời đánh giá luôn năng lực cầm quân của vị “phó tướng” cho Calisto trước đây.

Trận giao hữu “lượt đi” này gần như đá cho vui, vì khả năng cả ông Rajagobal lẫn ông Hùng đều giữ ý là rất lớn, người ta chỉ có thể trông đợi trận “lượt về” giữa 2 đội vào đầu tháng 11, vì khi đó, từ danh sách cho đến lối chơi cụ thể của hai đội bóng đã được chốt lại một cách đàng hoàng. Cái hay của người Malaysia là biết lựa chọn thời điểm để đá thêm trận giao hữu nữa với tuyển Việt Nam - đối thủ có khả năng họ sẽ đụng độ ở bán kết hoặc chung kết, một khi cuộc hành trình ở vòng bảng đưa cả hai đội đến kết cục như thế.

Bóng đá Malaysia vẫn đang ngự trị trên đỉnh Đông Nam Á, trội hơn hẳn Việt Nam, Thái Lan và Indonesia - 3 đội bóng từng có thời coi Malaysia là “kẻ lót đường” không hơn không kém.  Để phá được cái thế  độc tôn của người Malaysia lúc này thật chẳng dễ dàng gì, nhất là khi Thái Lan, Việt Nam và Singapore nắm tay nhau đi tụt lại phía sau, trong lúc Indonesia cùng Philippines rối bời với chiến lược “trọng ngoại, bài nội”…

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục