Không khó để bắt gặp cụm từ “thích ứng với trạng thái bình thường mới” ở xã hội hiện nay. Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát với việc người dân được tiêm tối thiểu 2 mũi vaccine, hoặc điều trị thành công Covid-19 thì nhịp sống đã trở lại bình thường. Là một phần không thể tách rời cuộc sống, vì thế bóng đá Việt Nam cũng phải thích ứng với thời cuộc.
Ba tháng cuối năm 2021, khi độ “phủ sóng” của vaccine đã dày đặc ở những thành phố lớn, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) được các cơ quan chức năng “bật đèn xanh” cho tổ chức một số giải đấu thuộc hệ thống VĐQG, bóng đá trẻ và cả vòng loại World Cup 2022. Tất nhiên trong quá trình diễn ra, ban tổ chức khó tránh khỏi phát hiện những ca dương tính Covid-19 và khiến một số giải phải dời lại thời gian kết thúc. Nhưng cũng từ đó mà những người đứng đầu đúc kết kinh nghiệm để hướng đến sự an toàn ở mùa giải 2022, đặc biệt với hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia (V-League, hạng Nhất và Cúp Quốc).
Đây được xem là cách tân trong khâu tổ chức. Nhớ lại V-League 2021 từng tạm hoãn vì nhiều cầu thủ SLNA trở thành F1 sau khi tiếp xúc với F0, tương tự trận đấu giữa CAND - Huế cũng phải hoãn sau khi đội chủ nhà đi chung chuyến bay có F0. Sau đó, cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp bị “đóng băng” vì dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Thực tế, chuyện F1 ra sân thi đấu không có gì mới khi bóng đá thế giới đã áp dụng phương thức này từ lâu. Vì thế, quyết định của VPF cũng là một phần trong việc thích ứng với thời cuộc.
Để giảm tải vấn đề tài chính cho các CLB, đồng thời đảm bảo mùa giải 2022 diễn ra ổn định và thông suốt, VPF đứng ra chi trả việc xét nghiệm trước mỗi trận đấu. Đồng thời cho phép mỗi đội được đăng ký tối đa 35 cầu thủ tham dự giải đấu, thay vì 30 như các mùa giải trước để phòng trường hợp không có đủ người chơi.
“Ban tổ chức trận đấu phải xin phép chính quyền địa phương về việc có cho phép tổ chức trận đấu hay không? Nếu không được thì VPF sẽ tính tới phương án hoãn, hoặc yêu cầu di chuyển đến sân trung lập. Và cũng tùy vào điều kiện mỗi địa phương, ban tổ chức địa phương sẽ tính phương án có khán giả vào sân hay không? Nếu mở cửa, khán giả vào sân sẽ phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ y tế như quét mã, đo nhiệt độ...”, Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ vào hôm 7-1.
Đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần có bước chuyển để phù hợp với sự thay đổi của xã hội nói chung, và bóng đá thế giới nói riêng. Với những bài học ở mùa giải 2021, bên cạnh sự chuẩn bị căn cơ đến từ VPF và các CLB, chúng ta sẽ đợi chờ về mùa giải với nét tích cực trong việc phòng chống dịch Covid-19, và hấp dẫn ở khâu chuyên môn.