Karatedo Việt Nam - Tín hiệu khả quan

Nói thẳng vào vấn đề, đó là karatedo Việt Nam muốn thành công về kết quả ở các đấu trường quốc tế thì khả năng cao nhất vẫn là các nữ võ sĩ. Về đối kháng nói riêng (kumite), sau giai đoạn Vũ Thị Nguyệt Ánh rồi Lê Bích Phương thăng hoa với HCV Asian Games, karatedo nữ đối kháng của Việt Nam mất khoảng trống con người do giai đoạn chuyển giao thế hệ…

Không thiếu người tài

Điều này cũng giống các môn thể thao khác, con người không phải lứa VĐV nào cũng có nhân tố xuất sắc. Tính riêng năm 2016, qua các giải mà karatedo Việt Nam tham dự, gương mặt Nguyễn Thị Ngoan nổi lên là nhân tố có khả năng cao. Mới nhất, nữ võ sĩ trẻ của thể thao Quân đội đã giành HCV hạng 61kg tại giải vô địch karatedo trẻ châu Á 2016. HCV mà Ngoan đạt được khá ấn tượng vì tại chung kết, cô thắng tuyệt đối đối thủ Ayami (Nhật Bản) 5-0.

Nguyễn Thị Ngoan (hàng trên, thứ 2 từ phải qua) trên bục nhận huy chương. Ảnh: T.L

Thành tích trong năm 2016 của Ngoan còn có hạng 4 nội dung khi thi đấu giải vô địch karatedo thế giới ở Áo, HCV đồng đội kumite nữ tại giải vô địch Đông Nam Á 2016 (ở Malaysia)... Ngần đó thành tích đủ thấy, ở tuổi 18, Nguyễn Thị Ngoan rất triển vọng để vươn xa. Trưởng bộ môn karatedo (Tổng cục TDTT) từng đánh giá về Ngoan ngay sau khi dự giải vô địch thế giới trở về : “đây là VĐV có tiềm năng và chúng tôi sẽ có hướng đầu tư để cháu là một trong những niềm hy vọng của karatedo nữ Việt Nam ở các giải đại hội quan trọng”. Khả năng của VĐV thì HLV và nhà quản lý bộ môn nắm cụ thể. Vấn đề cốt lõi là làm sao phát huy con người tiềm năng như thế thành một tài năng đánh đâu thắng đó thì sẽ thành công.

Thật ra, người trong giới võ karatedo không lạ về Nguyễn Thị Ngoan. Nữ võ sĩ này từng được đào tạo tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô đã chuyển về khoác áo thể thao Quân đội. Khoảng thời gian thay đổi đơn vị đó, những tranh chấp VĐV khiến các nhà quản lý khá căng thẳng. Thực tế, Nguyễn Thị Ngoan là VĐV tốt, năng lực thật sự nên không đơn vị nào muốn mất nhân tố như vậy.

Tại giải karatedo trẻ châu Á 2016, ngoài Nguyễn Thị Ngoan, còn có một số nhân tố nữ của Việt Nam như Trần Thị Khánh Vy (50kg nữ, đạt HCĐ), Nguyễn Thị Việt Trinh (68kg nữ, đạt HCB), Nguyễn Ánh Nguyệt (54kg nữ, đạt HCB). Họ vẫn còn là VĐV trẻ tuổi đời. Tuy nhiên, chuẩn bị cho một quá trình dài hướng về các Đại hội SEA Games 2017, Aisan Games 2018 hay Olympic 2020 thì về nhân lực chúng ta không phải trông vào bài toán “so bó đũa chọn cột cờ”.

Đi tìm hướng đầu tư

Từ những Ngoan, Vy, Trinh, Nguyệt như thế rồi trưởng thành hơn và thi đấu đạt thành tích huy chương như thế nào là cả bài toán cần thời gian dài. “Nếu được đầu tư phù hợp và có chuyên gia huấn luyện kết hợp cọ xát nhiều, VĐV như Nguyễn Thị Ngoan không kém cạnh các đối thủ Nhật Bản bao nhiêu”, ông Hà chia sẻ thêm. Trong cả 4 VĐV nữ vừa giành huy chương tại giải trẻ châu Á 2016, tất cả họ đều được thi đấu trực tiếp với VĐV của Nhật Bản ngay trong nhánh đấu của mình. Người thắng có, người thua cũng có. Hai kết quả ấn tượng nhất là của Nguyễn Thị Ngoan (thắng đối thủ Nhật Bản Ayami 5-0 tại chung kết) và Nguyễn Thị Việt Trinh (thua Mizuki sít sao 1-2 tại chung kết).

Mọi vận động của karatedo Việt Nam vẫn để hướng vào 2 mục tiêu quan trọng là Asian Games 2018 và Olympic 2020. Thực tế, lãnh đạo Tổng cục TDTT vẫn bảo lưu quan điểm rằng để bước ra đấu trường thế giới, VĐV karatedo Việt Nam chưa đủ tầm, chỉ trong khu vực Đông Nam Á và châu Á thì phù hợp hơn. Chính vì thế, những HLV của đội karatedo Việt Nam rất tự ái nghề. Họ không lên tiếng mà âm thầm đưa ra “sản phẩm” là VĐV đạt thành tích tại giải quan trọng để phản biện. Trên thực tế, muốn tìm cơ hội ở Olympic 2020 thì karatedo Việt Nam bắt đầu phải vận động. Có được VĐV tốt, tới đây, Tổng cục TDTT sẽ tìm thuê chuyên gia về huấn luyện bổ trợ.

Karatedo trẻ Việt Nam xếp hạng 5 tại giải. Thành tích chung cuộc gồm 2 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục