Hướng đến SEA Games 29 - Chỉ như bước đệm

Giờ đây, phản ứng của các quốc gia vùng Đông Nam Á không còn quyết liệt và “ăn thua đủ” khi nước đăng cai SEA Games cố tình tăng hay giảm số lượng môn thi đấu, ngoại trừ việc loại bỏ nhiều nội dung thi đấu của nhóm môn số 1 là điền kinh và bơi lội, như cách mà Malaysia từng gây phẫn nộ hồi giữa năm ngoái…

Giờ đây, phản ứng của các quốc gia vùng Đông Nam Á không còn quyết liệt và “ăn thua đủ” khi nước đăng cai SEA Games cố tình tăng hay giảm số lượng môn thi đấu, ngoại trừ việc loại bỏ nhiều nội dung thi đấu của nhóm môn số 1 là điền kinh và bơi lội, như cách mà Malaysia từng gây phẫn nộ hồi giữa năm ngoái…

Thật ra, phản ứng về việc nước chủ nhà Malaysia cắt giảm một số nội dung thi đấu của môn điền kinh tại SEA Games 29 lại đến từ ông Maurice Nicholas - Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh châu Á (AAA) - chứ không xuất phát từ các đồng liêu trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, nếu Malaysia sau đó không kịp sửa sai bằng việc đưa trở lại những nội dung bị loại để điền kinh vẫn đủ 46 nội dung tranh tài, nguy cơ môn này bị cấm tổ chức tại kỳ SEA Games lần thứ 29 là rất cao, đồng thời cũng đẩy đại hội khu vực vào thế “chỉ mành treo chuông”.

Cử tạ Việt Nam trên đường chinh phục huy chương thế giới.

Tranh cãi luôn là chuyện xảy ra như “cơm bữa” trước thềm mỗi kỳ SEA Games, bởi lẽ quốc gia nào đứng ra đăng cai cũng muốn thu vét huy chương thật nhiều, nội địa hóa chương trình thi đấu bằng những môn truyền thống của mình, và chưa kể dồn ép các quốc gia khác phải nhường huy chương một khi đưa những môn chính thống vào thi đấu, trọng tài bắt lợi thế cho VĐV nước chủ nhà... tạo nên những màn tranh chấp khá nhợt nhạt và thiếu điểm nhấn.

Thế cho nên, dần dà thì SEA Games không còn gây được thiện cảm và hào hứng đối với giới truyền thông cũng như người yêu mến thể thao trong khu vực, trừ vài môn có sức hút đặc biệt như bóng đá nam, futsal nam, bơi lội, cầu lông, bóng chuyền… Đến phiên thì tổ chức, nếu không gần như các quốc gia trong nhóm phát triển về thể thao như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và kể cả Việt Nam cũng đều muốn đẩy sang nơi khác đăng cai cho… “nhẹ nợ”.

Nhưng đúng là khi SEA Games không còn nhiều sức hút, thì sân chơi này lại rất phù hợp trong kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho các đấu trường lớn như Asian Games và Olympic. Thậm chí, việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận đạt chuẩn tham dự kỳ Olympic kế tiếp ở một số môn cũng góp phần duy trì sự kiện này, giúp nó tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ vì có quá nhiều tranh cãi phát sinh.

Tương tự như vậy, thể thao Việt Nam cũng đã tập làm quen rằng SEA Games suy cho cùng cũng chỉ như một bước đệm trong kế hoạch rèn quân cho các đấu trường cao cấp hơn, nhất là sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh gây tiếng vang lớn vì giành được 1 HCV và 1 HCB tại Olympic 2016, mở ra một vận hội mới đầy triển vọng cho thể thao nước nhà.

SEA Games 29, thể thao Việt Nam bị cắt khá nhiều nội dung thế mạnh ở các môn cử tạ, vật, canoeing, rowing, vovinam… được cho là sẽ mất khoảng 30 tấm HCV. Tuy nhiên, khi sân chơi khu vực không còn được tính là trọng tâm theo đuổi nữa thì nó trở nên thật bình thường, cũng giống như một đợt tập huấn và thi đấu giao hữu để kiểm tra, đánh giá trình độ VĐV của mình trước thềm Asian Games 2018.

SEA Games 29 diễn ra tại Malaysia từ ngày 19-8 đến ngày 31-8, có 38 môn (405 nội dung) thi đấu. Đây là lần thứ 6 trong lịch sử, Malaysia đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực. Ban đầu, Malaysia chỉ dự tính tổ chức 34 môn khi cắt giảm đi một số môn như bóng đá nữ, boxing, cử tạ, judo, đấu kiếm, canoeing, rowing… Tuy nhiên, sau khi Hội đồng thể thao Đông Nam Á họp lại và quyết định thì số lượng môn mới tăng thành 38.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục