Dưới góc nhìn của người ngoài giới, việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) chậm tiến độ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới chẳng khác chuyện tiếu lâm, mà ở đó chỉ tồn tại những lời hứa suông từ giới chức quản lý. Khi 2 vị trí quan trọng nhất của VFV nhiệm kỳ mới là Chủ tịch (ông Lê Văn Thành là ứng cử viên sáng giá nhất) và Tổng thư ký (ông Lê Trí Trường được đề cử), cũng như đầy đủ các ủy viên cũ và mới, thì chẳng thể viện dẫn bất kỳ lý do nào khác để trì hoãn Đại hội sau 1 nhiệm kỳ hoạt động khá luộm thuộm và gây bức xúc đối với ngay cả người trong cuộc.
Tổng thư ký Trần Đức Phấn. Ảnh: Q.Thắng
Đây là thời điểm thể thao Việt Nam đang rảnh rỗi, rất ít giải đấu diễn ra và khá thuận tiện cho các Liên đoàn thể thao tổ chức Đại hội. Thế nhưng, không chỉ chậm một vài tháng, mà bóng chuyền đã chậm trễ tới 2 năm (nhiệm kỳ trước kéo dài từ 2009-2013) vẫn không chịu tổ chức Đại hội. Những nhà điều hành VFV, trong đó có ông Tổng thư ký Trần Đức Phấn, dường như rất thích đùa giỡn với dư luận bằng những lời hứa hẹn sẽ tiến hành Đại hội. Song, đáng tiếc là mọi chuyện lại diễn ra trái ngược hoàn toàn.
Bóng chuyền chưa thể đại hội có lẽ vì ông TTK còn bận bịu bàn chuyện… bóng đá và theo cách hiểu của nhiều người, môn thể thao vua chắc chắn phải quan trọng hơn sự xuống dốc của cả nền bóng chuyền (!?). Thành thử, bàn đến lòng tin bây giờ, chắc cũng chẳng còn mấy người (kể cả những người từng rất tâm huyết với bóng chuyền) còn đặt trọn vẹn cho VFV, một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng hiếm khi chứng tỏ được vai trò và sự ảnh hưởng của mình đối với sự phát triển chung của môn thể thao này.
Trấn an dư luận bằng cách lâu lâu lại… hứa suông một lần (dễ cũng đã gần đủ cả tá lời hứa), hoặc viện dẫn lý do khách quan nào đó khiến Đại hội nhiệm kỳ mới chưa thể tổ chức, có lẽ ở Việt Nam, bóng chuyền mà xếp hạng nhì thì chẳng liên đoàn nào xếp nổi ở vị trí thứ nhất. Chẳng biết để nhằm mục đích gì, nhưng rõ ràng, những điều đó giúp giới quan sát hình dung ra năng lực điều hành và quản lý của nhà quản lý bóng chuyền yếu kém đến đâu.
VIỆT HÙNG