Được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chấp bút, cuốn hồi ký “Bóng bàn – Một đời tôi đam mê” của cây đại thụ Nguyễn Trọng Trúc trong làng bóng bàn Việt Nam và bóng bàn TPHCM đã hoàn thành và lên kệ sách kể từ tháng 7-2019. Những bạn bè của ông Trúc thuở thiếu thời, các đồng môn và học trò bóng bàn từng sát cánh cùng ông ở đội tuyển quốc gia Việt Nam, ở đội tuyển TPHCM, ở Liên đoàn bóng bàn TPHCM như Bùi Hưng Kỳ, Nguyễn Hồng Phước, Trương Thời Nhiệm, Trần Tấn Thạnh, Từ Nhân Luân… đã đến và được sống trong hồi ức về một trong những huyền thoại của làng bóng bàn qua những trang sách do chính ông ghi chép tỉ mỉ qua hơn 30 năm, được người con trai thứ là Nguyễn Hoàng Anh ghi và đánh máy lại, trước khi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chấp bút.
Giống như một cuốn tiểu thuyết viết về chính mình, từ thời niên thiếu đến khi về với cõi vĩnh hằng vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê với môn bóng bàn, cuốn hồi ký của ông Nguyễn Trọng Trúc đã đồng thời phác họa nên những giai đoạn phát triển, cả thịnh vượng lẫn gian khó của bóng bàn TPHCM nói riêng và bóng bàn Việt Nam nói chung.
Nhiều thế hệ VĐV tài năng của bóng bàn miền Bắc và miền Nam được ông Trúc huấn luyện, dẫn dắt và tạo cơ hội phát triển đã gây được tiếng vang trên đấu trường quốc tế, chẳng hạn như Nguyễn Ngọc Phan, Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Đình Phiên, Nguyễn Thị Mai, Đỗ Thuý Nga, Hà Tuyết Lan, Đỗ Thị Thuý… ở thập niên 1970 của thế kỷ trước. Ông Trúc cũng chính là chứng nhân lịch sử của nhiều dấu mốc đặc biệt trong lịch sử phát triển của bóng bàn Việt Nam, chẳng hạn là giải vô địch quốc gia đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất diễn ra giữa các tay vợt miền Bắc như Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Đức Long… với “đại cao thủ” miền Nam là Vương Chính Học…
“Tôi thì vẫn luôn cho rằng anh Nguyễn Trọng Trúc là người duy nhất có hơn nửa thế kỷ gắn bó với bóng bàn, tâm huyết từ thiếu thời cho đến trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn trăn trở với bóng bàn, vẫn muốn môn thể thao này được khuếch trương ra thế giới. Đã là đam mê thì đam mê nào cũng đáng khâm phục, dù đó là đam mê nghiên cứu vũ trụ rộng lớn hay đam mê về quả bóng bằng nhựa có đường kính chỉ 40mm và nặng 2,5gr, nhẹ nhất trong tất cả các loại bóng trên trái đất này…”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
“Ông luôn trăn trở với bóng bàn, ngày qua ngày. Nói chuyện về bóng bàn, ông sẽ nói được cả ngày vì ông là người sống lạc quan. Ông sống chân thành, luôn giúp đỡ người khác và sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự phát triển của bóng bàn. Tôi đã chứng kiết, đã sát cánh và gồng mình cùng ông để chăm chút cho nhiều giải Cây vợt vàng nên mới thấm được tình yêu mà ông dành cho môn chơi này lớn đến đâu, đẹp đến đâu. Chúng tôi, mẹ Thuý Hoa (NSUT Thuý Hoa, từng công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam và HTV - PV), tôi và em trai Hoàng Anh vẫn luôn là những người bạn đồng hành cùng ông cả những lúc khó khăn hay khi thành công nhất. Ông chính là tấm gương cho cả nhà về ý chí và nghị lực vươn lên trong công việc và cuộc sống”, MC Nguyệt Ánh bày tỏ.
Trong lịch sử thể thao nước nhà, có một giải đấu rất đặc sắc, thật sự làm nên niềm tự hào cho "thương hiệu Việt" - đó là giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng, ra đời từ giữa thập niên 1980. Không chỉ là giải đấu quốc tế hàng năm đầu tiên của Việt Nam kể từ ngày thống nhất đất nước, đây còn là giải đấu đầu tiên được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của liên đoàn thể thao cấp thế giới. Nhưng, điều đáng nói nhất về Cây Vợt Vàng có lẽ là tình cảm mà bạn bè quốc tế dành cho giải đấu uy tín này. Giới chức bóng bàn trong khu vực Đông Nam Á đã nhìn về Cây Vợt Vàng với sự ngưỡng mộ, xem đấy là niềm tự hào chung của làng bóng bàn khu vực. Ông Nguyễn Trọng Trúc chính là một trong những người đồng sáng lập giải đấu này. Một nhà quản lý thể thao đã gắn bó cả đời với môn bóng bàn thì hẳn nhiên là đã trải qua rất nhiều cương vị khác nhau. Nhưng, hễ nói về ông là giới bóng bàn - từ người hâm mộ thuần túy cho đến đồng nghiệp quốc tế, trước tiên sẽ nhớ đến vai trò Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TPHCM, chức danh đã gắn bó với ông suốt hàng chục năm. |