Hồ sơ X - Bí mật thành công của Nadal

Vai  trò  “bộ ba” Cortorro, Forcades , Maymo
Hồ sơ X - Bí mật thành công của Nadal

Khi Rafael Nadal lần đầu tiên hiện diện trên ATP World Tour ngay trước… sinh nhật 16 tuổi của anh vài ngày, một số đối thủ đã phải vỗ về cái cảm xúc vừa sửng sốt, vừa sợ hãi một cậu bé có bộ dạng... dũng mãnh. Vài năm sau, những huyền thoại quần vợt như John McEnroe, Boris Becker… đã phải sử dụng những cụm từ kiểu như “quái vật”, “yêu quái” để miêu tả anh chàng lạ mặt đến từ Mallorca này.

Nói như thế không hề có ý xúc phạm mà là sự ngưỡng mộ, pha chút ghen tị, để ngợi ca một tài năng mới của quần vợt. Số phận của cậu bé cơ bắp hôm nào rõ ràng đã được định đoạt - trở thành một người ghi dấu ấn vĩ đại trong môn quần vợt ở cuối thập niên đầu tiên, đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21…

Vai  trò  “bộ ba” Cortorro, Forcades , Maymo

Đương nhiên, giờ đây thì “quý ngài” Rafael Nadal đã trở thành “Nhà vua” của “Vương triều ATP Tour” danh giá. Anh đang là tay vợt số 1 thế giới, là người đầu tiên chính thức giành vé dự giải ATP World Tour Finals 2010 - giải đấu cuối mùa của ATP dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất trong năm diễn ra ở Tổ hợp thi đấu O2 tại London vào tháng 11 năm nay.

Rafael Nadal có một nền tảng thể lực tuyệt vời sau quá trình tập luyện nghiêm túc.

Rafael Nadal có một nền tảng thể lực tuyệt vời sau quá trình tập luyện nghiêm túc.

Nhưng trước đó, Nadal đã gặp một số rắc rối về vấn đề thể lực, đặc biệt là ở trong vài năm trở lại đây, phần lớn là vì hai đầu gối bị chấn thương do quá tải. Hồi năm 2009, chứng viêm cơ ở cả hai đầu gối (khi đó, Nadal thường xuyên bước ra sân đấu với hai đầu gối được băng buộc kỹ lưỡng) đã khiến anh bị loại sớm ở Roland Garros (bởi Robin Soderling) và không thể bảo vệ ngôi vô địch tại Wimbledon.

Đó là lý do anh đánh mất ngôi số 1 vào tay Roger Federer. Mọi chuyện đã lại tái diễn ở Australian Open 2010 - diễn ra vào đầu năm nay, khi Nadal buộc phải bỏ cuộc sau hơn 2 ván đấu trong trận đấu với tay vợt người Anh là Andy Murray ở vòng đấu tứ kết.

Đó chính là một thách thức không nhỏ cho Nadal - khi anh phải đối diện với cái gọi là “giai đoạn đen tối nhất trong sự nghiệp”. Qua đó, có thể thấy quyết tâm to lớn của anh trong chuyến hành trình đầy phong ba để tìm lại phong độ và thể lực đỉnh cao sau khoảng 10 tháng “chìm trong tâm bão”. Đó cũng là minh chứng cho sự hiệu quả của ban bệ đảm nhận công tác huấn luyện thể lực, chăm sóc cho sức khỏe của Nadal.

Những cái tên như Angel Ruiz Cortorro, Joan Forcades và Rafael Maymo vốn không hề quen thuộc với giới mộ điệu quần vợt và với các CĐV của Nadal, nhưng bộ ba này lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng xuyên suốt sự nghiệp nhiều sắc màu của tay vợt Tây Ban Nha. Và cũng như các đội ngũ hỗ trợ các siêu sao thể thao khác, thông thường thì họ rất kín miệng, rất muốn giữ bí mật trong các công tác huấn luyện, chuẩn bị cho “thân chủ” của mình.

Tuy nhiên, đội ngũ huấn luyện cho Nadal đã quyết định bật mí một số yếu tố mà họ nhận thấy là nếu có tiết lộ cũng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều cho Nadal và không tạo nhiều thuận lợi cho các đối thủ của anh…

Sức mạnh bẩm sinh

Điều này thì ai cũng nhận thấy, nhưng để “những người hiểu chuyện” nói ra thì vẫn… thuyết phục hơn. Những người thân cận với “quý ngài” Nadal đều thừa nhận anh có dồi dào những tố chất thiên về sức mạnh. Xét về mặt di truyền học, điều này rất dễ hiểu.

Một trong những người chú nổi tiếng của anh chính là cựu hậu vệ Migel Angel Nadal, có biệt danh là “quái thú của Barcelona”. Trong suốt sự nghiệp khá lừng lẫy của mình ở thánh địa Nou Camp, ông Migel Nadal từng giành được 5 danh hiệu La Liga và Cúp châu Âu. Ông cũng từng 62 lần khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha. Migel Nadal là cầu thủ nổi tiếng với nền tảng thể lực rất sung mãn!

Cũng giống như người chú của mình, Rafael Nadal luôn đánh giá cao giá trị của sự tập luyện và thời gian chuẩn bị. Bác sĩ Cotorro (vị bác sĩ ở Barcelona từng chữa trị cho một số tay vợt nổi tiếng khác) từ lâu đã rất mến mộ và hứng thú với sự tự tin của những người trong gia đình Nadal, đặc biệt là… chính anh. Ông miêu tả Nadal như là một “VĐV rất đặc biệt”, người sở hữu một nguồn năng lượng dồi dào đến mức bất thường và… rất dễ bùng nổ.

Bác sĩ Cotorro cho biết: “Cậu ấy có thể pha trộn trong bản thân mình hai tố chất hoàn toàn khác nhau - có thể bắt tốc độ bùng nổ như một tay chạy nước rút 200 mét nhưng vẫn sở hữu sức đề kháng của một VĐV chạy đường trường marathon”.

Tập luyện trong phòng thể lực

Tương tự bác sĩ Cotorro, Forcades hiếm khi được nhìn thấy đang đi chung trong đội ngũ phục vụ cho Nadal ở các giải đấu. Sự thật, ông là thầy huấn luyện thể lực cho Nadal ở quê nhà Manacor. 12 năm trước, Toni Nadal - một người chú khác của Nadal, đã và đang là HLV chính thức của anh - đã đề nghị ông Forcades thiết kế chương trình huấn luyện thể lực cho Nadal, và ông gắn kết với anh kể từ đó…

Hiện Forcades vẫn đảm nhận công tác giám sát, cố vấn cho quá trình tập luyện ngắn hạn của Nadal cuối mỗi mùa giải (diễn ra ngay sau khi chung kết ATP World Tour Finals và chung kết Davis Cup kết thúc).

Quá trình tập luyện ngắn hạn này diễn ra ngay ở nhà riêng của Nadal tại Manacor - ở khu Torre del Palau, thuộc quảng trường Ruby Rector gần nhà thờ Virgen de los Dolores. Ở đây, ông Forcades giám sát việc tập luyện của Nadal trong một phòng tập thể lực với nhiều máy móc công nghệ cao vốn được thiết kế dành riêng cho anh này.

“Chúng tôi làm việc với nhiều loại máy vận động khác nhau, mỗi máy có sự thay đổi cả về tốc độ lẫn về phương hướng. Đó là nguyên do tại sao chúng tôi có thể cải thiện tốc độ vận động của Nadal, vì thế, anh ấy có thể thay đổi phương hướng của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chúng tôi cũng sử dụng một “bosu” (một loại bóng tập luyện thể lực chỉ được bơm một mặt - PV) để giúp Nadal tập luyện về khả năng phối hợp các động tác của cơ thể, bộ pháp, sự vận động và khả năng giữ thăng bằng”, ông Forcades tiết lộ.

Giai đoạn tập luyện thể lực của Nadal đạt cường độ cao nhất vào cuối tháng 11 và gần nguyên tháng 12. Không giống như Andy Murray, Nadal sẽ không tập trung nhiều vào việc liên tục tập các bài tập chạy nước rút, bán đường trường như kiểu 200 mét, 400 mét để hỗ trợ tim mạch. Hai đầu gối của Nadal đã trải qua quá nhiều lần chạy giống như thế này rồi.

Bơi lội cũng là một trong những bài tập của Nadal.

Bơi lội cũng là một trong những bài tập của Nadal.

Thay vào đó, Nadal quan tâm đến các bài tập aerobic và trong phòng tập thể lực của mình, Nadal cố tập nhiều bài tập để gia cố sức mạnh và khả năng chịu đựng của hai cánh tay và cái lưng. Và trong một bài tập gây ngạc nhiên khác, Nadal cũng dành nhiều thời gian để đi bơi - anh là “khách quen” của nhiều hồ bơi gần nhà và biển… Địa Trung Hải.

Tập luyện trên sân

Trong khi mùa giải đang diễn ra, nếu Nadal có cơ hội quay trở về nhà trong một hoặc hai tuần, anh sẽ chủ yếu tập luyện trên sân tập với các bài chạy ngắn hay xoay vợt nhiều lần trên tay. Ông Forcades nói: “Những lúc đó, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các bài tập ngắn mang tính thích nghi cao, cải thiện khả năng di chuyển, phối hợp và sức mạnh cơ thể. Mục tiêu rất là đơn giản, để Nadal liên tục tự làm mới mình trên sân đấu qua từng trận đấu”.

Maymo cũng là một phần trong ban bệ hỗ trợ cho Nadal và ông này thường xuyên hiện diện ở bên anh cũng giống như ông chú kiêm HLV Toni vậy. Ông là người đảm nhận khâu xoa bóp vật lý trị liệu cho Nadal ở trước mỗi trận đấu (để chuẩn bị cho cơ bắp săn chắc) và sau mỗi trận đấu (để nhả cơ, thư giãn hồi phục sức lực). Giai đoạn mà Maymo chăm sóc cho Nadal cũng rất quan trọng cho trước hay sau mỗi khi anh căng sức trên sân tập.

Chế độ dinh dưỡng

Cuối cùng, cũng không kém phần quan trọng trong… bí mật thành công của Nadal chính là thực đơn dinh dưỡng - chế độ ăn uống hàng ngày của anh. Trong những tuần lễ mà Nadal đang thi đấu, anh rất cần hấp thụ chất carbon-hydrat (có nhiều trong mì ống, đặc biệt là mì Ý) cùng với rau củ tươi (nhìn chung thì đây là dạng thực phẩm rất cần cho bất kỳ tay vợt thi đấu đỉnh cao nào).

Nadal cũng được biết đến như là một người sành ăn cá sông, cá biển, và món ăn khoái khẩu này giúp mang lại cho anh nhiều chất đạm. Nadal cũng được ăn chocolate, bánh bích quy mặn của Mallorca (có tên là bánh Quely) và những chiếc bánh ngọt đặc biệt do bà nội anh làm.

Nadal không bao giờ dùng những đồ uống khiến tim đập nhanh như trà hay cà phê và anh không được phép ăn bất kỳ loại thịt nào trước mỗi trận đấu...

TIỂU PHI

Tin cùng chuyên mục