Việc Roger Federer bị đá văng khỏi vị trí hạng 2 thế giới (lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2003) chỉ là một ví dụ về hệ quả xáo trộn bất ngờ do Wimbledon 2010 mang lại. Những ví dụ khác có thể kể đến là sự hiện diện của Robin Soderling (“gã cướp biển Viking” người Thụy Điển) ở trong tốp 5 và sự góp mặt lần đầu tiên của tay vợt người CH Séc Tomas Berdych ở trong tốp 8. Soderling và Berdych giống như hai làn gió mát tươi mới thổi vào cái tốp 10 ATP “sơ cứng” vốn không có nhiều thay đổi trong vài năm trở lại đây…
Soderling lần đầu tiên lọt vào tốp 5
Robin Soderling đã có những bước tiến bộ xuất thần ở mùa giải 2009 - khi anh bất ngờ hạ Rafael Nadal ở vòng 4 Roland Garros (và truất luôn ngôi vua của anh này trên mặt sân đất nện tại Paris) trước khi làm được cuộc phiêu lưu đến tận trận chung kết và chỉ chịu dừng bước trước Roger Federer. Nhờ ngôi á quân Roland Garros 2009, Soderling đã leo từ vị trí hạng 25 thế giới lên vị trí hạng 12 trên bảng điểm ATP. Đây quả là bước “đại nhảy vọt” với tay vợt người Thụy Điển này, nếu chúng ta biết rằng anh… từng nằm ngoài tốp 50 thế giới (hạng 53 ATP) hồi đầu năm 2008. Soderling chính là niềm tự hào thật sự của làng quần vợt Thụy Điển trong vài năm trở lại đây, khiến người ta quên đi Thomas Johansson hay Jonas Bjorkman (người từng tham dự giải Việt Nam mở rộng năm 2005).
Tuy nhiên, mùa giải 2010 mới đánh dấu sự trưởng thành tột bực của tay vợt người Thụy Điển. Sau khi thắng ngôi vô địch ABN Amro, Soderling liên tục lọt đến bán kết 2 giải Masters 1.000 ở Indian Wells và Key Biscayne và lọt đến trận chung kết giải Open Sabadell Atlantico. Một tháng sau, Soderling tiếp tục gây đình đám ở Roland Garros khi lần đầu tiên đánh bại Federer sau 13 lần giáp mặt. Anh loại luôn Tomas Berdych ở bán kết trước khi tái ngộ với Nadal ở chung kết và chỉ chịu thất thủ ở đây. Những thành tích này lần lượt giúp anh vươn lên ngôi hạng 8, ngôi hạng 7 rồi ngôi hạng 6. Ở Wimbledon, Soderling tiếp tục chơi thành công, anh loại Robby Ginepri, Marcel Granollers, Thomaz Bellucci và David Ferrer trước khi dừng bước trước chính Nadal. Soderling đã leo lên hạng 5.
Đánh giá về Soderling trong thời gian vừa qua, những huyền thoại quần vợt một thời của Thụy Điển như Mats Wilander, Bjorn Borg đều thừa nhận anh là một tài năng vượt trội so với vài thế hệ gần đây, và đang cải thiện khả năng của mình mỗi lúc một nhiều. Soderling giờ đây đã trở thành một tay vợt hoàn thiện hơn, mạnh mẽ hơn và đẳng cấp hơn. Tuy nhiên, Soderling vẫn thiếu tố chất của một tay vợt lớn: bình tĩnh và lạnh lùng ở những thời khắc quyết định, những trận đấu quan trọng. Vì vậy, chuyện anh liên tục thất thủ trước Nadal trong 2 kỳ Grand Slam vừa qua (đều diễn ra một cách khá dễ dàng) - giống như trước đây anh liên tục thất thủ trước Federer - là “chuyện thường ngày ở huyện”. Để có thể vươn lên cao hơn nữa, Soderling cần khắc phục các điểm yếu trước mắt này của mình…
Berdych lần đầu tiên lọt vào tốp 8
Tomas Berdych từng được xem là “thần đồng quần vợt” của CH Séc - giống như người Pháp từng một thời đặt hết niềm tin vào “cậu bé cocaine” Richard Gasquet. Tuy nhiên, có vẻ như việc được đưa vào “khai thác” quá sớm đã khiến Berdych cạn kiện “nhiên liệu”. Trong một thời gian dài, từ dạng một tay vợt tiềm năng, Berdych đã trở thành một tay vợt thuộc loại… khá ở ATP - khá nghĩa là thua các tay vợt giỏi, và càng thua xa các tay vợt lớn (đó là chưa kể đến những người chắc chắn sẽ trở thành huyền thoại như Federer, Nadal…). Trước mùa giải 2010, thứ hạng cao nhất mà tay vợt đẹp trai người CH Séc này từng đạt được là hạng 9 ATP hồi tháng 9-2007 - đó vốn là một thứ hạng rất cao nhưng sau một thời gian dài “chìm nổi” (có lúc tụt xuống hạng 27 thế giới), ai cũng nghĩ Berdych không thể phát triển hơn.
Hồi đó, nhờ thành tích lọt đến vòng 4 US Open và lọt tới bán kết 2 giải đấu liền kề sau đó đã khiến Berdych bước vào giai đoạn thăng hoa trong sự nghiệp. Nhưng giai đoạn đó, như đã biết là rất ngắn ngủi. Cho đến đầu mùa giải năm nay, nói đến Berdych, người ta chỉ nhớ đến một tay vợt chơi rất hay trước… các tay vợt kém danh và chơi rất tệ trước các tay vợt danh tiếng. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng. Ở Roland Garros, Berdych đã trở thành người CH Séc đầu tiên từ sau huyền thoại Ivan Lendl lọt đến bán kết 1 kỳ Grand Slam đình đám. Anh đã loại cả Andy Murray, John Isner trên con đường phiêu lưu của mình. Berdych chỉ để thua ở bán kết khi đụng phải một Soderling quá sung sau 5 ván đấu. Sau Roland Garros, Berdych leo từ vị trí 17 thế giới lên vị trí hạng 13 của ATP.
Wimbledon 2010 tiếp tục thổi thêm làn gió mát vào sự nghiệp của tay vợt 24 tuổi người CH Séc. Anh chơi rất hay, rất hứng khởi, lần lượt hạ Andrey Golubev ở vòng 1, hạ Benjamin Becker ở vòng 2, hạ Denis Istomin ở vòng 3, hạ Daniels Brands ở vòng 4. Sau đó, sức nặng của những nạn nhân của Berdych dần tăng lên: ĐKVĐ Wimbledon Federer và tay vợt hạng 3 thế giới Novak Djokovic. Lần đầu tiên hạ 2 tay vợt thuộc tốp 3 ở cùng 1 giải đấu, với Berdych chắc chắn là 1 trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Và anh đã trở thành tay vợt người CH Séc đầu tiên sau Lendl lọt đến trận chung kết của 1 kỳ Grand Slam. Dù ở đó, anh đã thua dễ dàng trước Nadal, khi “cái bệnh chung” của anh và Soderling lại bộc phát, nhưng Berdych có quyền tự hào, ngẩng cao đầu và sẵn sàng tìm kiếm những tiến bộ ở tương lai…
Roddick lần đầu tiên rơi xuống hạng 9 kể từ đầu năm 2003
Cũng như Federer, Andy Roddick (tay vợt số 1 nước Mỹ) là một tên tuổi khác phải muối mặt tuột hạng. Dù anh vẫn giữ được một vị trí thuộc tốp 10, nhưng ngôi hạng 9 sau màn trình diễn cực kỳ thất vọng ở Wimbledon 2010 là một thứ hạng… không thể thấp hơn với Roddick. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1-2003, Roddick đứng mấp mé cái ranh giới… văng khỏi tốp 10 thế giới và gần như chắc chắn, anh sẽ văng khỏi tốp 10 trong một ngày không xa. Roddick ngày nay đã quá cằn cỗi và mờ nhạt dù những nỗ lực làm mới không ngừng của HLV lão làng Larry Stefanki. Biết sao được, thời của anh đã qua quá xa và giờ đây, dấu ấn, gánh nặng tuổi tác đang choàng hết lên vai của niềm hy vọng số 1 nước Mỹ. Nên nhớ, Roddick đã gần 28 tuổi - nhỏ hơn Federer 1 tuổi - nhưng anh cũng còn chơi kém hơn Federer rất nhiều…
Roddick đã có một mùa giải Wimbledon 2010 cực kỳ kém cỏi. Dù bước vào giải đấu với vị thế đương kim á quân và được… một số tờ báo Mỹ “tâng bốc” là ứng viên hàng đầu của ngôi vô địch (đương nhiên) - thậm chí có tờ còn liệt kê hẳn 5, 10 lý do tiên đoán năm nay là “năm của Roddick” ở Wimbledon - anh vẫn để thua muối mặt trước một tay vợt kém tiếng đến từ châu Á là Lu Yen-Hsun (người Đài Loan, thật ra… anh này khá nổi tiếng ở Việt Nam mấy năm trước vì từng tham dự giải Heineken Challenger ở TPHCM) sau 5 ván đấu kịch tính ngay ở vòng 4. Cũng may, nước Mỹ còn có Serena Williams gỡ gạc danh dự ở giải đơn nữ, chứ nếu không, dư luận Mỹ có thể được mệnh danh là kiểu… “chuyên gia Pele trong môn quần vợt”. Với đà này, biết đâu, Roddick sẽ bị văng ra khỏi tốp 10 vào cuối năm nay (?).
ĐỖ HOÀNG