Nếu Serena Williams không… đăng quang ngôi vô địch đơn nữ Wimbledon 2010, mọi chuyện có lẽ đã bớt căng thẳng và rắc rối đi. Đằng này, vì Serena đã thắng được danh hiệu thứ 13 (danh hiệu Grand Slam thứ 4/7 tính từ mùa giải năm ngoái cho đến nay), đã có một số tranh cãi quanh việc Serena có phải là tay vợt nữ vĩ đại nhất mọi thời đại hay không? Với Rooger Federer, đã không còn gì phải tranh cãi. Nhưng với Serena, người có 2 luồng dư luận yêu - ghét tồn tại song song luôn kình chống nhau, mọi chuyện vẫn rất rắc rối.
- Serena Williams thắng Wimbledon rất thuyết phục
Serena Williams đã đăng quang ngôi vô địch Wimbledon 2010 (đây là danh hiệu Wimbledon thứ 4 của cô) một cách thuyết phục: trong chuyến hành trình từ trận đấu đầu tiên đến trận chung kết, Serena toàn thắng cả 7 trận và không hề đánh mất 1 ván đấu nào. Cụ thể, cô đã hạ Michelle Larcher De Brito ở vòng 1, thắng Anna Chakvetadze 6/0, 6/1 ở vòng 2, vượt qua Dominika Cibulkova 6/0, 7/5 ở vòng 3, đánh bại Maria Sharapova 7/6 (11-9), 6/4 ở vòng 4, “tiêu diệt” Li Na 7/5, 6/3 ở tứ kết, thắng Petra Kvitova 7/6 (7-5), 6/2 ở bán kết và khuất phục Vera Zvonareva một cách dễ dàng với điểm số 6/3, 6/2 ở trận chung kết.
Chiến thắng dễ dàng ở Wimbledon cho thấy tay vợt nữ số 1 thế giới người Mỹ này vẫn giữ một đẳng cấp cách biệt so với các tay vợt còn lại trong thế giới của WTA và cô vẫn đang sẵn sàng đảm nhận trọng trách là người gánh vác duy nhất cho nền quần vợt Mỹ vốn đang suy giảm nghiêm trọng trong vài năm gần đây. Nói đến Serena, người ta nói đến một phong độ cực kỳ sung mãn ở các giải đấu lớn như kiểu Grand Slam. Nói đến Serena, người ta nói đến người thích thắng thì… thắng, thích… nghỉ đấu thì viện lý do chấn thương. Cô là nguồn cơn của cả cái đẹp, sự cảm phục đến cả những rắc rối, tranh cãi và gây sự đình đám, gây sự chú ý…
Sự thật luôn là những con số biết nói hoàn chỉnh: trong thập niên 90 của thế kỷ 20, Serena mới nổi lên và chỉ thắng 1 Grand Slam duy nhất là US Open 1999; nhưng kể từ đầu thế kỷ 21, Serena luôn là nhân vật chính gây nhiều sự chú ý, cô đã thắng 12 danh hiệu Grand Slam trên tổng số 43 giải đấu đình đám. Trong mùa giải 2009 và trải qua giai đoạn nửa đầu mùa giải 2010, Serena đã thắng 4/7 Grand Slam (3 người khác “chia sẻ” cùng cô số danh hiệu còn lại là Svetlana Kuznetsova, Kim Clijsters và Francesca Schiavone). Vấn đề là chắc chắn Serena vẫn chưa dừng lại ở đó và cô vẫn muốn, vẫn có khả năng nâng cao thành tích của mình.
- Jon Wertheim: “Serena là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại”
Đương nhiên, Serena là tay vợt vĩ đại nhất trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Nhưng 10 năm đầu của thế kỷ 21 không thể phản ánh được cả một quá trình lịch sử “dày cộm” của quần vợt nữ. Thế nên, khi cây bút bình luận quần vợt Jon Wertheim của Sports Illustrated “dám” giật tít: “Serena Williams là tay vợt vĩ đại nhất” (hình ảnh của Serena còn được đưa ra trang bìa của tờ SI với dòng tít: “Yêu mến cô ấy, ghét bỏ cô ấy, cô ấy vẫn là tay vợt giỏi nhất từ trước đến nay”), những phản ứng trái chiều đã bắt đầu xuất hiện và phản pháo. Mạnh mẽ nhất có lẽ là Chris Chase của Yahoo Sports, người không đồng ý với bài của Wertheim.
Khi đặt bút viết bài: “Serena Williams là tay vợt vĩ đại nhất”, cây bút Wertheim hẳn ý thức được bài viết này sẽ gặp phải những luồng dư luận trái chiều. Tuy nhiên, cách dùng từ khá bạo tay của Wertheim khiến một số người bị sốc. Wertheim viết với ý như sau: “Cho dù Serena không sở hữu số danh hiệu Grand Slam nhiều như Margaret Court, Steffi Graf, Chris Evert và Martin Navratilova, nhưng nền tảng thể lực, cơ bắp và khả năng giao bóng của cô biến cô trở thành tay vợt giỏi nhất từ trước cho đến nay”.
Ở một đoạn khác trong bài, Wertheim viết: “Nói một cách thiếu tôn kính, nếu bạn sắp xếp những cuộc đối đầu trực tiếp giữa những tay vợt vĩ đại nhất trên một mặt sân trung lập (mặt sân cứng chẳng hạn), Serena không chỉ đánh bại những người còn lại, cô ấy sẽ nghiền nát họ. Graf tung ra các quả cắt xoáy ư? Serena sẽ trêu ngươi trò chơi đó của Graf. Cô ấy sẽ thổi bay Evert. Cô ấy sẽ không cho Navratilova một cơ hội nào để tấn công. Không ai có đẳng cấp cao hơn Serena”.
Nếu Wertheim đưa ra bài viết này khi Serena đã giải nghệ, rất có thể sẽ không còn ai dám tranh luận với ông, vì chỉ đơn thuần nhìn vào thành tích thôi cũng đủ hiểu. Serena hiện vẫn đang duy trì phong độ đỉnh cao ở tuổi 28. Cô còn thi đấu được ít nhất là 4 năm nữa (nhiều nhất thì có thể… 5, 7 năm, thậm chí hơn). Cô gặp rất ít thách thức từ lứa trẻ mới xuất hiện của WTA - những người chưa thể trưởng thành một cách nhanh chóng - trong khi những tay vợt cùng thời với cô như các tay vợt Nga, bộ đôi Serbia, bộ đôi người Bỉ… vẫn cho thấy phong độ trồi sụt rất thất thường. Trong 4 năm nữa hoặc hơn, biết đâu Serena sẽ đạp bằng mọi kỷ lục của những huyền thoại đi trước và được tung hô là “người giỏi nhất trong những người giỏi nhất”, nhưng lúc này thì chưa đâu. Nhiều người không đồng tình với Wertheim…
- Chris Chase: “Serena là tay vợt vĩ đại, nhưng không phải là vĩ đại nhất”
Cây bút bình luận quần vợt Chris Chase của Yahoo Sports là một trong những người đi tiên phong trong số dư luận chống lại Wertheim. Trong bài phản biện của mình, Chris Chase viết: “Serena có thể trở thành tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng đó dường như lại là thứ gì đó khiến cô không khát khao tranh đoạt tính cho đến thời điểm này trong sự nghiệp của cô.
Cô vắng mặt trong phần lớn mùa giải vì những lý do chấn thương cực kỳ khôi hài, mới nhất là cô bị… đứt chân và có thể sẽ vắng mặt ở US Open. Nhưng cô lại hiện diện thường xuyên ở các trung tâm mua sắm, ở các buổi dạ tiệc, hay luôn bận rộn với các hoạt động ngoài lề như kinh doanh, viết sách, làm người mẫu. Thêm một điểm nữa là cô thường thi đấu rất kém cỏi và hời hợt ở những giải đấu nhỏ vốn không phải là những kỳ giải Grand Slam đình đám nhất”.
Chase còn viết thêm: “Việc theo đuổi những thú vui khác dù vẫn còn là một tay vợt chuyên nghiệp và tận dụng rất nhiều thời gian để nghỉ xả hơi không thi đấu chính là một trong số những lý do giúp Serena chiếm ưu thế ở 4 kỳ giải Grans Slam trong 1 năm. Cô ấy biết là việc đăng quang ở giải Montreal Premier chẳng hạn, sẽ không có nhiều ý nghĩa như việc giương cao chiếc cúp vô địch ở Flushing Meadows tại New York vài tuần sau, thế nên, cô ấy sẽ sắp xếp làm sao để kỳ nghỉ hè của mình dài ra và cô ấy sẽ đạt trạng thái thể lực tốt nhất ở US Open.
Nếu không như vậy, Serena có lẽ sẽ là tay vợt vĩ đại nhất. Vĩ đại nhất phải là thế nào nếu không phải là kỷ lục thắng 74 trận đấu liên tiếp của Martina, hay là việc giành quyền lọt đến 34 trận bán kết Grand Slam đầu tiên của Chrissie, hay kỳ tích Steffi thắng cả 4 danh hiệu Grand Slam lẫn chiếc HCV Olympic trong mùa giải 1988? Vĩ đại luôn hơn việc chỉ chiếm ưu thế đơn thuần, nó còn là việc cố gắng phấn đấu để vươn lên theo cái cách như vậy”.
ĐỖ HOÀNG