Đó là điều khác biệt nhất mà Tam sư thể hiện từ đầu giải so với Tây Ban Nha qua các trận gặp Serbia (1-0), Đan Mạch (1-1), Slovenia (0-0), và cả hai trận đấu ở vòng knock-out gặp Slovakia và Thụy Sĩ luôn làm cho người yêu mến họ phải hồi hộp cho đến những phút cuối.
Phải đến trận đấu với Hà Lan ở vòng bán kết, Tam sư mới có được màn trình diễn được xem là mãn nhãn nhất, và trận này lại có tranh cãi qua quả đá phạt 11m. Có những thời điểm tuyển Anh cho thấy họ như không có “bài” để ứng phó, điều chỉnh trước những tình huống khó trên sân. Có ý kiến nhận định Anh chỉ đá hay trong quãng thời gian cuối trận, hay thời điểm họ bị dẫn bàn trước.
Nhìn chung, hàng công của Anh không được mãn nhãn và có tính hiệu quả cao như Tây Ban Nha khi đến nay họ chỉ ghi bằng 1/2 tổng số bàn thắng của Tây Ban Nha. Nhưng tính hiệu quả ở hàng phòng ngự của Anh là rất đáng gờm qua kinh nghiệm trận mạc dày dạn. Chi tiết đáng chú ý khi 3 trận đấu ở vòng knock-out, Anh đều bị dẫn bàn trước và ngược dòng giành chiến thắng. Điều đó nếu gọi… may thì cũng chỉ 1 phần, cái chính là tâm lý thi đấu cùng tính hiệu quả của những tay săn bàn trong những thời khắc quan trọng.
Hẳn nhiên là lối chơi bóng bẩy của Tây Ban Nha đang đặt Bò Tót vào kèo trên ở cuộc so tài này, nhưng đến với trận cuối cùng này theo tôi thì đôi bên đều “nanh vuốt”. Từ đầu giải, tôi đã thích trận chung kết là cuộc so tài giữa bộ đôi này. Tây Ban Nha nếu vô địch thì quá xứng đáng, còn Anh nếu đổi màu huy chương so với Euro cách đây 3 năm thì cũng là điều hợp lý. Đó sẽ là cuộc đọ sức đỉnh cao giữa các nghệ sĩ bóng đá, những ngôi sao lớn trên bầu trời bóng đá châu Âu hiện nay.