LTS: Được xem là một trong những người có tâm lý thi đấu tốt trong làng quần vợt Việt Nam, Trần Đức Quỳnh còn đào tạo ra tay vợt bản lĩnh nhất hiện nay Lý Hoàng Nam khi làm HLV. Hôm nay, HLV Trần Đức Quỳnh đã có một chia sẻ với chuyên mục về vấn đề giảm căng thẳng trước một trận đấu.
Phần lớn sự căng thẳng trong quần vợt là do tự áp đặt mà có. Nó không phải là kết quả của những chuyện lố bịch do đối thủ gây ra. Áp lực có thể bắt nguồn từ nỗi lo sợ bị thua, bị bẽ mặt trước bạn bè, gia đình, xã hội. Thậm chí có một số người có khuynh hướng mắc chứng tự trừng phạt tiềm ẩn - họ thích thú với nỗi đau khổ họ phải chịu đựng. Do đó, nhận thức và tập giải quyết được tính chất các vấn đề tâm lý của bạn là quan trọng. Nó sẽ giúp bạn thôi lo nghĩ về đối thủ của mình. Điều này rất khó khi nghĩ theo nghĩa tranh đua mà hoàn toàn thư giãn trước một trận đấu quan trọng. Ngay khi biết rằng bạn có lợi thế hơn đối thủ, dự đoán về chiến thắng và những suy nghĩ về các điều bất ngờ có thể xảy ra làm cho bạn bồn chồn nóng nảy. Bản thân sự căng thẳng không phải xấu, nhưng khi bạn biết được rằng là căng thẳng bao nhiêu là đủ để bạn đánh một cách chính xác. Người ta cần một số căng thẳng đó để đánh ở trình độ cao, điểm mấu chốt là bạn làm thế nào để vượt qua sự căng thẳng này. Đây là 13 trường hợp để giải quyết những vấn đề căng thẳng của bạn. Hãy khám phá bản thân mình các bạn nhé:
HLV Trần Đức Quỳnh chúc mừng chiến thắng của Nguyễn Hoàng Thiên dù Thiên đánh bại học trò mình. Ảnh: QUANG TRỰC
1. Tập suy nghĩ như người thắng cuộc. Điều này khộng xảy ra nếu bạn đã chuẩn bị sẵn cho mình những lời biện hộ thua cuộc: "Thời tiết xấu, sân đấu không sạch, mặt sân trơn trợt, bạn ngủ không ngon đêm hôm trước, đầu gối bị đau, bạn quên mặc chiếc áo may mắn …’’. Thay vì nghĩ đến “cái tôi” , hãy suy nghĩ một cách tích cực và hình dung đến các ưu thế của bạn.
2. Giải quyết vấn đề một cách thực tế là một kỹ thuật làm giảm căng thẳng rất tuyệt vời. Nếu bạn có yếu điểm cụ thể 1 tuần trước đó và bạn ra sân và tập luyện cật lực để cải thiện nó, bạn sẽ bước vào trận đấu với nhiều tự tin hơn. Tuy nhiên, phần lớn các VĐV cố tránh né các điểm yếu khi tập. Vì vậy, họ luôn gặp cùng những vấn đề cũ và những sự chán nản cũ rích hết tuần này sang tuần khác.
3. Hãy ở tình trạng thể lực tốt nhất. Bạn sẽ giúp đối thủ lên tinh thần khi bạn có vẻ kiệt sức sau ván thứ nhất .
4. Biết chắc dụng cụ của bạn đang ở điều kiện tốt nhất. Đứt vợt có thể làm bạn phân tâm và nản lòng.
5. Đừng ngồi lâu ngoài nắng trước trận đấu. Nếu không bạn sẽ bị mệt trước khi bước vào sân.
6. Xuất hiện trước trận đấu từ 10 - 15 phút. Nếu vào sớm đi lòng vòng để quan sát các trận đấu khác sẽ làm bạn nóng nảy hơn.
7. Có kế hoạch thi đấu khách quan. Mục tiêu không thực tế và nghĩ đến cái tôi quá mức sẽ dẫn bạn đến tình trạng thất vọng cùng cực. Tự biết trình độ khả năng của mình và bạn tự nhủ trước khi ra sân rằng cái tốt nhất bạn có thể làm là nỗ lực lớn ở mọi phần và hãy vui khi bạn đạt được điều đó. Biết rõ điểm mạnh, điểm yếu sẽ giúp bạn tránh được tình trạng rối loạn tâm lý trong suốt quá trình làm nóng. Nếu bạn không thực sự vững vàng để bắt đầu, bạn có thể dễ dàng bị hoảng sợ vì một đấu thủ mặc bộ đồ đắt tiền, với những dụng cụ thi đấu mới nhất hay đối thủ báo cho bạn biết hôm nay anh ta sẽ tập trung vào cú lốp topspin và cú giao bóng kiểu American Twist . Điều này sẽ làm bạn nghĩ “Tại sao HLV nhà nghề của mình không dạy mình những điều đó? Làm thế nào mình có thể chiến thắng tên này với cây vợt second hand mua lại này... phải làm sao bây giờ ??? Dễ dàng nhận thấy giữa người thua cuộc và người chiến thắng. Người chiến thắng là người tập trung vào trận đấu, trong khi người thua cuộc thì quan sát người chiến thắng. Nếu người chiến thắng có một cái túi màu đen to, thì người thua cuộc nghĩ rằng “không biết trong túi đó có cái gì?” và ngắm nghía đôi giày của đối thủ: “Ôi cả đời tôi chưa bao giờ từng thấy một đôi giày như thế này - anh ta chắc chắn sẽ chạy nhanh lắm đây”. Rồi nếu lúc đó đối thủ nhảy nhảy lên để khoa trương giống Rafel Nadal làm trước mỗi trận đấu, người thua cuộc sẽ bước thẳng lên lưới và nói: “Nếu không có vấn đề gì, tôi không muốn thi đấu vào ngày hôm nay...”.
8. Hãy nói “Thôi đi” khi bị các thứ tiêu cực ám ảnh. Đó là cách các bác sĩ tâm thần có thể làm cho bệnh nhân chấm dứt sự ám ảnh tiêu cực sẽ phá hủy cách thi đấu của bạn.
9. Trên thực tế ngay cả những người bạn thân sẽ quên trận đấu này trong vòng 2 tuần.
10. Rất nhiều người sợ thi đấu những trận đặc biệt với những đối thủ quá tuyệt vời. “Quên điều đó đi”. Nếu họ tuyệt vời, họ chẳng thi đấu với bạn. Họ đã bận rộn với những giải ATP Master hay Grand Slam rồi . Nếu bạn có sự tự nghi ngờ như vậy, thì đối thủ cũng có cùng một nỗi sợ hãi giống như bạn.
11. “Nhắm tới quá trình đánh bóng hơn là nhắm tới kết quả”. Khi bạn nghĩ về quá trình mà bạn sẽ thực hiện để đánh quả bóng chính xác hơn, kết quả sẽ tự động đến. Trong khi, bạn lo lắng về kết quả, quá trình thực hiện đánh quả bóng sẽ bị lu mờ.
12. Đừng sợ thua. Những VĐV tài giỏi là những người không sợ thua khi họ đã đánh được những cú đánh tốt nhất. Đó là lý do họ có thể thua hết tuần này sang tuần khác trong một giải đấu có 64 VĐV để cuối cùng chỉ có một VĐV duy nhất chiến thắng. Nhưng họ rất ghét bị thua nếu họ không luyện tập hoặc thi đấu thiếu thông minh.
13. Hãy chịu trách nhiệm về những chiến thắng và thất bại của bạn. HLV, cha mẹ và bạn bè của bạn không làm cho bạn thắng, bạn tự làm tất cả một mình trên sân. Và bạn sẽ đánh thật hay vì bạn muốn đánh hay. Đừng quên bạn là người duy nhất biết điều gì đang xảy ra trong đầu của bạn. Nếu bạn chiến thắng vẻ vang, đừng ngần ngại nói với chính mình là mình rất thành công. Những người khác sẽ quên không đề cập đến nó.
Trần Đức Quỳnh