Toàn giải, Nguyễn Thị Ánh Viên giành được 15 HCV trong các cự ly cá nhân và đây là kết quả huy chương đáng nể với bản thân cựu tuyển thủ quốc gia người Cần Thơ này. Mặc dù vậy, các thông số chuyên môn mà Ánh Viên đạt được ở cự ly cá nhân, dù giành HCV, chưa thật cao do đó cô không phá được kỷ lục quốc gia nào tại giải năm nay.
Trong khi đó, em trai Nguyễn Quang Thuấn của Ánh Viên giành được 5 tấm HCV trong các nội dung cá nhân góp mặt. Đáng kể nhất, Quang Thuấn đã phá KLQG nội dung 400m hỗn hợp cá nhân và thiết lập kỷ lục mới là 4’11”81. Kỷ lục cũ của cự ly thuộc về tuyển thủ Trần Hưng Nguyên lập năm 2019 là 4’15”11. Đây là một trong những kết quả ấn tượng nhất với giới chuyên môn tại giải vô địch hồ ngắn (25m) năm nay tại TT-Huế.
Ở một sự bứt phá khác, VĐV người Việt kiều Lê Nguyễn Paul góp công lớn giúp đội bơi An Giang giành được 11 tấm HCV qua đó đứng hạng nhì chung cuộc sau đội Quân đội. Trong 11 ngôi vô địch trên, Lê Nguyễn Paul có 9 chiếc HCV ở các cự ly cá nhân nhưng quan trọng hơn, nam tuyển thủ quốc gia đã phá 4 kỷ lục quốc gia ở các nội dung 50m ngửa, 200m hỗn hợp cá nhân, 100m hỗn hợp cá nhân và 50m bướm. Nếu không có gì thay đổi, nam tuyển thủ này sẽ được đội tuyển bơi đăng ký tham dự SEA Games 31 vào tháng 5 năm nay ở Việt Nam.
Giải bơi hồ ngắn (25m) vô địch quốc gia 2022 ghi nhận sự không thành công của các VĐV đội bơi TPHCM. Chung cuộc, bơi TPHCM chỉ có 3 tấm HCV. Ngày thi đấu cuối 6-3, cựu tuyển thủ quốc gia Trần Duy Khôi đã giành tấm HCV thứ 3 cho đội bơi thành phố sau khi về nhất cự ly 200m bơi ếch nam. Giải lần này, Nguyễn Diệp Phương Trâm thi đấu nhưng không giành được tấm HCV nào. Do vắng kình ngư chủ lực Hoàng Quý Phước nên đội bơi Đà Nẵng chỉ có 2 HCV và xếp hạng 4 chung cuộc. Các đội bơi Quảng Bình, Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Nai, Hải Dương, Cần Thơ... không có HCV.