Giải thưởng Laureus Sports Awards 2012: Novak Djokovic đăng quang

Vượt qua hàng loạt VĐV nổi tiếng khác như Usain Bolt (Jamaica, điền kinh), Lionel Messi (Argentina, bóng đá), Cadel Evans (Australia, đua xe đạp), Dirk Nowitzki (Đức, bóng rổ), Sebastian Vettel (Đức, đua xe thể thức I), đương kim số 1 ATP Novak Djokovic đã xuất sắc giành danh hiệu: “Nam VĐV của năm” trong hệ thống giải thưởng Laureus Sports Awards 2012.
Giải thưởng Laureus Sports Awards 2012: Novak Djokovic đăng quang

Vượt qua hàng loạt VĐV nổi tiếng khác như Usain Bolt (Jamaica, điền kinh), Lionel Messi (Argentina, bóng đá), Cadel Evans (Australia, đua xe đạp), Dirk Nowitzki (Đức, bóng rổ), Sebastian Vettel (Đức, đua xe thể thức I), đương kim số 1 ATP Novak Djokovic đã xuất sắc giành danh hiệu: “Nam VĐV của năm” trong hệ thống giải thưởng Laureus Sports Awards 2012.

Màn trình diễn tuyệt vời của Djokovic - thắng 3 danh hiệu Grand Slam cùng 7 danh hiệu khác nữa và cán mức cột mốc 70 trận thắng trong năm 2011 - đã thuyết phục được hội đồng chấm điểm gồm nhiều chuyên gia thể thao nổi tiếng thế giới và đánh bại những màn trình diễn không kém hoành tráng khác như “cú ăn 5” của Messi, ngôi vô địch NBA của Nowitzki, danh hiệu giải Thể thức I của Vettel, chiếc cúp chiến thắng Tour de France của Evans hay tấm HCV điền kinh VĐTG của Bolt…

Novak Djokovic rạng rỡ trên bục nhận giải thưởng.

Novak Djokovic rạng rỡ trên bục nhận giải thưởng.

Hiện diện đầy lịch lãm bên cạnh cô bạn gái Jelena Ristic tại buổi lễ trao giải ở London hôm 6-2, Djokovic tỏ ra rất vui sướng và hạnh phúc với danh hiệu mới nhất vừa đạt được. Sau khi “kế tục” Rafael Nadal trên cương vị “Nhà vua” của ATP, Djokovic tiếp tục… “tiếp quản” danh hiệu “Nam VĐV của năm” từ tay của tay vợt số 1 Tây Ban Nha này. Chiến thắng của Djokovic một lần nữa cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ATP với tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Kể từ khi hệ thống giải thưởng Laureus Sports Awards ra đời hồi năm 1999 cho đến nay, trải qua 13 lần trao giải, những đại diện ưu tú, những tinh túy của ATP World Tour đã chiếm đến… 6 danh hiệu “Nam VĐV xuất sắc nhất trong năm”. Trước đó, ngoài việc Nadal thắng danh hiệu hồi năm 2011, Roger Federer cũng đã có đến 4 lần bước lên bục cao nhất, liên tục trong suốt 4 năm - từ năm 2004 cho đến 2007.

Trong buổi lễ trao giải, một lần nữa, Djokovic xác lập mục tiêu trong năm 2012 hòng hướng đến một mùa giải… ấn tượng hơn năm 2011. Khi được hỏi anh thích giành danh hiệu Roland Garros hay thắng tấm HCV đơn nam ở Olympic London (2 danh hiệu còn lại mà Djokovic vẫn chưa thể mang về cho bộ sưu tập), tay vợt số 1 thế giới người Serbia nói đùa: “Tại sao lại không thắng luôn cả 2 nhỉ?”. Thường xuyên đùa giỡn và nở nụ cười thật tươi trên môi, nhưng khi được hỏi về những vấn đề nghiêm túc, Djokovic cho biết với dáng vẻ rất nghiêm túc: “Tôi đã học được cách điều khiển lịch thi đấu của mình, kiểm soát bản thân ở trong và ngoài sân đấu, và chuẩn bị trước những giải đấu lớn. Đó sẽ là tình thế diễn ra trong mùa giải năm nay…”.

Djokovic cho biết thêm: “Đầu tiên, tôi sẽ cố điều chỉnh phong độ cho thật tốt ở Roland Garros vào tháng 6. Paris là nơi tôi muốn đi đến trận đấu cuối cùng, giành chiến thắng trong trận đấu chung kết và ngôi vô địch. Sau đó, tôi mới bắt đầu nghĩ đến Wimbledon và Olympic”.

Đánh bại Nadal ở 7 trận chung kết liên tiếp, giành ngôi số 1 thế giới từ tay Nadal và “tiếp quản” danh hiệu “Nam VĐV của năm” từ tay Nadal ở Laureus Sports Awards, Djokovic rất hăm hở muốn… giành lấy những thứ khác mà Nadal đang sở hữu. Đó là ngôi vô địch Roland Garros, tấm HCV Olympic nội dung đơn nam.

Đối với anh, điều gây khó khăn khả dĩ nhất có thể là… sự phục hồi của mặt sân cỏ ở All England Club, vì ngay sau Wimbledon, Olympic lại đến gần. Nhưng khi Nadal đã không còn là vấn đề, chuyện này làm sao có thể cản bước được Djokovic?

Các danh hiệu khác của Laureus Sports Awards 2012

- “Nữ VĐV của năm”: Vivian Cheruyot (Kenya, điền kinh, thắng cú đúp HCV trong 2 cự ly chạy 5.000 mét và 10.000 mét ở giải VĐTG Daegu 2011)

- “Đội thể thao của năm”: Barcelona (Tây Ban Nha)

- “Sự đột phá của năm”: Rory McIlroy (Bắc Ireland, golf)

- “Sự quay trở lại của năm”: Darren Clark (Bắc Ireland, golf)

- “VĐV khuyết tật của năm”: Oscar Pistorius (Nam Phi, điền kinh)

- “VĐV môn thể thao mạo hiểm của năm”: Kelly Slater (Mỹ, lướt sóng)

- “Thành tựu trọn đời”: Bobby Charlton (Anh, bóng đá)

- “Tinh thần thể thao”: Đội tuyển golf của châu Âu tham dự Ryder Cup

Tiểu Phi

Tin cùng chuyên mục