Giải quần vợt đồng đội thế giới Davis Cup - nhóm 2 khu vực châu Á 2014: Nỗ lực bất thành!

Tay vợt Đỗ Minh Quân

Sau khi bị dẫn 1-2 trong 2 ngày đầu tiên, trong ngày thi đấu cuối cùng vào hôm qua tại Đà Lạt, mặc dù cả hai tay vợt Hoàng Thiên và Minh Quân chơi hết mình trong 2 trận đơn, nhưng vẫn không thể giúp đội Việt Nam vượt qua khung cửa hẹp trụ hạng thành công.

So với trận thua trước, Hoàng Thiên có sự tiến bộ rõ rệt trong cách chơi, đặc biệt là tâm lý thi đấu trong trận gặp Dissanayake. Hoàng Thiên tận dụng khá tốt khả năng giao bóng khi để mất điểm duy nhất 1 game, còn đối thủ là 5. Bên cạnh đó, anh khai thác điểm yếu của Dissanayake chơi bóng cao trái tay không tốt cũng như khả năng di chuyển còn thiếu kinh nghiệm. Bởi Dissanayake là tay vợt trẻ 18 tuổi lần thứ 2 mới đánh cho đội tuyển Sri Lanka, bản lĩnh chưa được tốt, nhất là hay bị tâm lý trong những pha bóng xử lý tình huống quyết định.

Chính pha bóng cuối cùng, Dissanayake phạm lỗi giao bóng kép góp phần giúp Hoàng Thiên tạo nên chiến thắng. Thế nhưng, Hoàng Thiên đáng nhận một lời khen cho sự nỗ lực và khả năng quyết chiến. Sau khi thắng dễ trước 2 ván (6/2, 6/3), anh làm khán giả nhà trên khán đài phải thót tim khi bước vào ván 3 Hoàng Thiên có dấu hiệu chấn thương. Tuy 3 lần mời bác sĩ vào chăm sóc, Hoàng Thiên nén cơn đau giữ vẫn được thế trận và thắng luôn với điểm số 6/4, ấn định chiến thắng 3-0.

Dù chơi khá hay nhưng Minh Quân vẫn chưa thể giúp đội Việt Nam giành chiến thắng chung cuộc và đành rơi lại nhóm 3 mùa sau. Ảnh: G.Mẫn

Dù chơi khá hay nhưng Minh Quân vẫn chưa thể giúp đội Việt Nam giành chiến thắng chung cuộc và đành rơi lại nhóm 3 mùa sau. Ảnh: G.Mẫn

Chiến thắng của Hoàng Thiên giúp Việt Nam cân bằng tỷ số 2-2, khiến trận đơn cuối giữa Minh Quân và Godamanna mang tính quyết định. Không có gì bàn cãi, tay vợt kỳ cựu Godamanna chính là nhân tố cho thấy Sri Lanka nhỉnh hơn. Tay vợt này quá đẳng cấp với những đường bóng nặng từ cả hai bên và thật chuẩn xác trong các pha dứt điểm quyết định. Đặc biệt các quả giao bóng cực mạnh có tốc độ không thua gì các tay vợt hàng đầu thế giới.

Cho dù Minh Quân chơi khá hay, đánh đều ở cuối sân, nhưng anh vẫn phải bó tay trước các pha dứt điểm lạnh lùng của đối phương, nhất là có gần 20 lần bị Dissanayake giao bóng ăn điểm trực tiếp. Và không có gì bất ngờ, Godamanna vượt qua Minh Quân với tỷ số 3-0 (6/3, 7/5, 6/0), ấn định chiến thắng chung cuộc 3-2 giúp Sri Lanka trụ hạng thành công.

Thất bại trên khiến đội Việt Nam phải quay lại nhóm 3 mùa giải năm sau. Mặc dù không thể hoàn thành mục tiêu trụ hạng, nhưng với những gì các tuyển thủ thể hiện, họ đã cho thấy sự cố gắng và nỗ lực tuyệt vời.

Quang Trực

Tay vợt Đỗ Minh Quân: “Việt Nam ở nhóm 3 là chính xác!”

Chấp nhận gián đoạn việc học HLV tại Mỹ trở về cùng đội tuyển quyết chiến với Sri Lanka, tuy không giúp Việt Nam trụ hạng, nhưng Đỗ Minh Quân vẫn được đánh giá là tay vợt hay nhất đội tuyển. Anh đóng góp 1 trong 2 trận thắng cho Việt Nam. Tay vợt này đã dành cho SGGP Thể thao cuộc trao đổi ngắn.

° Anh có tiếc không khi quần vợt Việt Nam vừa thăng đã phải rớt hạng?

- Với trình độ chuyên môn hiện tại, Việt Nam chơi ở nhóm 3 là hợp lý. Chúng ta có đội hình đồng đều, nhưng chưa có tay vợt nổi bật. Khi chơi ở nhóm 2, các đội cần phải có một tay vợt nổi bật, giống như Sri Lanka sở hữu Godamanna.

Thành phần đội tuyển Việt Nam hiện nay có nhiều tay vợt trẻ như Hoàng Thiên, Linh Giang, Minh Tuấn nhiều triển vọng. Tôi tin rằng không xa nữa, chỉ 2-3 năm, chúng ta có thể đủ sức trụ ở nhóm 2. Còn việc Việt Nam có cơ hội thi đấu nhóm 2 lần này là điều tốt, giúp các tay vợt học hỏi kinh nghiệm.

° Vậy để đạt được điều đó, theo anh quần vợt Việt Nan cần làm những gì?

- Đầu tiên, chúng ta phải đầu tư phát triển cho các tài năng trẻ, đưa họ đi cọ xát quốc tế nhiều, làm quen với nhiều phong cách chơi, đường bóng khó để họ khỏi bỡ ngỡ khi lâm trận. Thứ nhì, chúng ta phải quy tụ được đội hình mạnh nhất. Bên cạnh đó, quần vợt Việt Nam cần xây dựng được 1 cặp chuyên đánh đôi.

Trong hệ thống Davis Cup, phần lớn các trận đấu, trận đôi lại mang ý nghĩa quyết định. Hiện nay, chúng ta đang mời chuyên gia người Australia Baroch huấn luyện theo kiểu thời vụ, chỉ khi có giải mới sang. Nếu có điều kiện, nên mời các chuyên gia huấn luyện lâu dài. Khi ấy, họ mới có đủ thời gian chỉnh sửa, nâng cao trình độ các tuyển thủ. Chứ làm việc thời gian ngắn, hiệu quả mang tới không được cao.

Gia Mẫn (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục