Giải VĐQG lần thứ 40-2016 đã khép lại sau 5 ngày tranh tài tại Hà Nội và qua giải nhiều điều đã phản ánh rõ rệt. Đặc biệt ở công tác chuyên môn...
Chiến thắng trong tích tắc
Nguyễn Thị Huyền và Dương Văn Thái (Nam Định) cũng như Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội) là chủ lực giành huy chương tại giải điền kinh VĐQG cho đơn vị mình. Tuy nhiên, ở giải VĐQG 2016, người bị chấn thương (Thái, Huyền), người gặp phải đối thủ cạnh tranh mạnh hơn (Huyền) nên các đơn vị của họ đều...thất thu về HCV.
VĐV Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: Dũng Phương
Điền kinh Nam Định là rõ rệt nhất. Việc thất bại của Nguyễn Thị Huyền và không có Dương Văn Thái góp mặt thì đơn vị này coi như đã mất 4 HCV. Huyền vốn mạnh ở 400m và 400m rào nữ. Tuy nhiên, cô đã bị Quách Thị Lan (Thanh Hóa) thắng trực tiếp ở các cuộc đua trên và chỉ có HCB. Trong khi đó, Dương Văn Thái không có đối thủ ở 800m và 1.500m nam nhưng chân chạy này không thi đấu nên Nam Định chẳng tìm được ai khác thay thế.
May cho điền kinh Nam Định, họ giành được 1 HCV ở ngày áp chót thi đấu nhờ công Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước nữ), bằng không cả đoàn điền kinh đơn vị này khó báo cáo thành tích với lãnh đạo. Khi đơn vị này bị tụt lại thì đơn vị khác có sự thăng hoa. Thanh Hóa với dàn VĐV mạnh nhất Việt Nam lúc này như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh, Lương Văn Thao đã thắng tuyệt đối trong các nội dung 400m nam, nữ; 400m rào nam, nữ; 100m, 200m nam; tiếp sức 4x100m nam, 4x200m nam và 4x400m nam. Vì thế, 9 HCV mà đơn vị này có được là điều không bất ngờ.
Trên sân đấu, tất cả lãnh đội của các đơn vị đều xuýt xoa ngưỡng mộ hình thể của anh em Lan, Lịch hay thể lực của Trọng Hinh vì hiện chưa đơn vị nào có được cá nhân VĐV tốt như thế. Sau thời gian dài ở Mỹ, Quách Thị Lan và Quách Công Lịch trở về thi đấu trong nước đồng thời chiến thắng chính những VĐV cạnh tranh trực tiếp ở trong nước để xóa tan nghi ngờ rằng... tập huấn thất bại.
Dù vậy, nhiều khả năng, sau đợt tập huấn tại Mỹ, hai anh em chân chạy này sẽ ở lại Việt Nam tập dài hạn với sự chỉ đạo của đội ngũ HLV mới. Lan, Lịch, Huyền là những VĐV đại diện tiêu biểu của điền kinh phía Bắc được nhắc nhiều. Tuy nhiên, ở giải năm nay, gương mặt Lê Tú Chinh của điền kinh phía Nam cũng được chú ý không kém. Chân chạy 19 tuổi của TPHCM làm nên lịch sử khi góp công vào 4 chiếc HCV của điền kinh thành phố kỳ này. Chinh vô địch 100m, 200m và cùng đồng đội về nhất tiếp sức 4x100m, 4x200m.
Chưa bao giờ, điền kinh TPHCM lại thăng hoa như vậy. Dù phần nào đó, một chút buồn là gương mặt Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước nữ) không giành HCV. “Đây là giải đấu mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc nhất. Tôi được thi đấu và vượt chuyên môn của chính mình để đạt kết quả cho đội nhà”, Tú Chinh kiệm lời chia sẻ. HLV Nguyễn Thị Thanh Hương của Tú Chinh còn vui hơn thế vì sau nhiều năm đào tạo huấn luyện thì học trò của mình đã tái lập kết quả mà điền kinh TPHCM phải chờ 21 năm mới có được HCV chạy 100m nữ.
Tiêu chuẩn nào mới phù hợp?
Ở năm thứ 40 tổ chức giải, tất cả những người làm chuyên môn và huấn luyện cùng VĐV của điền kinh Việt Nam đều hồ hởi góp mặt tại Hà Nội tranh tài. Dù vậy, không ít ý kiến chia sẻ rằng nên chăng cần có một địa điểm tổ chức hoàn hảo hơn thay vì sân đấu chính là SVĐ Hàng Đẫy nhưng một số nội dung còn bị xé lẻ đưa ra thi đấu ở điểm khác. Chưa kể, trong khó khăn thiếu trang thiết bị, BTC giải phải chi phí gần 100 triệu đồng thuê bộ thiết bị đồng hồ điện tử của điền kinh TPHCM phục vụ giải VĐQG 2016. Phải đi thuê tận TPHCM do đồng hồ điện tử cho thi đấu điền kinh của Hà Nội có nhưng đã bị hỏng.
Địa điểm Hà Nội và TPHCM luôn được Liên đoàn điền kinh Việt Nam xác định có sân phù hợp nên thường được chọn tổ chức thi đấu giải điền kinh VĐQG. Gần như, Liên đoàn điền kinh ít tìm cơ hội đưa tới các địa phương khác tổ chức. Chúng ta biết, Nam Định chi phí nhiều tỷ đồng sửa chữa SVĐ để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Trước đó, Đà Nẵng cũng tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2010 và SVĐ ở đây được xác định đủ tiêu chuẩn thi đấu điền kinh. Phú Thọ có SVĐ Việt Trì đầy đủ cơ sở vật chất và từng là địa điểm chính tổ chức HKPĐ 2008 rồi Cần Thơ có SVĐ rộng rãi không kém... Dù vậy, câu hỏi rất khó lý giải là vì sao các địa phương trên lại ít được chọn làm nơi tổ chức giải VĐQG điền kinh cũng như chỉ cấp lãnh đạo mới trả lời được.
* Giải VĐQG 2016 bế mạc sau ngày thi đấu 26-11. Điền kinh Thanh Hóa giành 9 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ xếp nhất. Đứng tiếp theo là các đơn vị Quân đội (7 HCV, 10 HCB, 5 HCĐ) và Hà Nội (6 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ). Điền kinh TPHCM đứng hạng 5 với 4 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ.
NGUYỄN ĐÌNH