Giải điền kinh VĐQG 2015: Khi đại gia mất số

Như nhiều năm, mỗi khi điền kinh tổ chức giải VĐQG là con số VĐV tham dự luôn đông đảo hơn hẳn các môn khác. Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế, từ rất lâu, 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TPHCM đã vắng những ngôi sao thật sự…

Như nhiều năm, mỗi khi điền kinh tổ chức giải VĐQG là con số VĐV tham dự luôn đông đảo hơn hẳn các môn khác. Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế, từ rất lâu, 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TPHCM đã vắng những ngôi sao thật sự…

Mạnh hay yếu?

Giải VĐQG 2014 được tính vào thành tích của Đại hội TDTT toàn quốc lần 7 tổ chức tại Nam Định. Có thể xem, Đại hội TDTT là dịp để thể thao các địa phương nhìn lại và đánh giá quá trình đào tạo huấn luyện sau quãng thời gian 4 năm. Từ đấy, chúng ta thấy được đơn vị nào mạnh môn gì và yếu môn gì. Tính chất thi điền kinh Đại hội TDTT toàn quốc rõ ràng khác thi VĐQG. Dẫu cho, nội dung thi đấu và cách thức vận hành giải đấu vẫn chỉ là 1.

Giải đấu năm nay tiếp tục được tổ chức tại SVĐ Thống Nhất (TPHCM).

Tổng kết Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014, thể thao Hà Nội xếp nhất với 167 HCV, 118 HCB, 137 HCĐ trong khi TPHCM ở vị trí thứ nhì (124 HCV, 103 HCB, 103 HCĐ). Tuy nhiên, ở môn điền kinh, Thanh Hóa (9 HCV, 6 HCB, 3 HCĐ) và Nam Định (8 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ) mới là 2 đơn vị đứng đầu. Đã có phân tích cho rằng, một đơn vị đứng đầu tổng sắp là một đơn vị mạnh nhưng trong môn cơ bản (đặc biệt là điền kinh) mà không dẫn đầu thì kể như vẫn còn “yếu” một phần. Nghĩa là, đơn vị ấy không phải mạnh tuyệt đối. Và thật sự điền kinh TPHCM và Hà Nội hiện tại chưa có VĐV nào là một biểu tượng bật hẳn lên trên tất cả.

Chỉ tính từ năm 2000 trở lại đây, nhắc tới điền kinh Hà Nội, người ta nghĩ đến ngay cựu tuyển thủ Vũ Bích Hường. Phải khẳng định, chân chạy này tạo dựng được hình ảnh qua thành tích thi đấu nên đấy là biểu tượng, ngôi sao của điền kinh thủ đô. Đành rằng, điền kinh Hà Nội có không ít VĐV khác cũng đạt kết quả tốt nhưng không ai có sự nổi tiếng như Vũ Bích Hường. Bây giờ, điền kinh Hà Nội đang có lứa Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Thúy, Đỗ Thị Thảo.

Trên thực tế, hình ảnh của họ lại không được ghi đậm trong trí nhớ người hâm mộ như đàn chị Vũ Bích Hường. Với TPHCM, trước nhắc tới đội điền kinh thành phố là người hâm mộ biết ngay có Trương Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Đình Minh, Lương Tích Thiện... Giai đoạn sau này là Trương Thanh Hằng. Khi Hằng chuyển về Ninh Bình, người sáng giá nhất còn lại của điền kinh TPHCM hiện tại có Trần Huệ Hoa. Hơi tiếc, Huệ Hoa lại thi đấu nội dung nhảy 3 bước (vốn không được chú ý nhiều như các cự ly ngắn, trung bình), đồng thời chưa để lại dấu ấn ở châu Á cũng như có cơ hội dự Olympic.

Ước mơ xa vời

Nhìn vào thực tế, những Oanh, Thảo, Thúy, Đỗ Thị Thảo có kết quả HCV tại SEA Games là đáng trân trọng. Tuy vậy, SEA Games so với thế giới còn cách xa trong chuyên môn. Ngay tại quốc nội, vào lúc này, nếu Quách Thị Lan (Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) nhóm Oanh, Thúy của Hà Nội gần như không có cơ hội chiến thắng cự ly. Muốn thành ngôi sao để người hâm mộ biết nhiều không ngoài phải có dấu ấn đặc biệt.

Từ giai đoạn 2000 trở lại đây, điền kinh Hà Nội chưa có thêm ai được dự Olympic sau đàn chị Vũ Bích Hường (cô thi đấu tại Sydney 2000). Với điền kinh TPHCM, đòi hỏi trên cũng thật khó vì cũng từ năm 2000 tới giờ không có VĐV nào của thành phố được dự Olympic. Huệ Hoa từng được nhắm định trong các lượt tranh suất dự Olympic 2012 nhưng bất thành. Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội sau SEA Games 28 đã họp và yêu cầu bộ môn điền kinh đơn vị này rút kinh nghiệm sâu sắc với quan điểm được đầu tư không thiếu nhưng vì sao con người lại không thể trội lên hẳn như Nguyễn Thị Huyền (Nam Định).

Vé Olympic đến bây giờ vẫn là khó với điền kinh TPHCM, Hà Nội. Có VĐV đông đảo nhưng thành tích của ai trong họ tiệm cận được chuẩn Olympic thì chỉ đếm trên đầu ngón tay (nếu không muốn nói gần như chỉ ở số 0).


NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục