Fergus McCann chẳng bao giờ quan tâm quá nhiều đến những lời lẽ tung hô. Ông đã cứu rỗi Celtic nhưng từ chối nhận vinh quang về mình.
“Tôi chỉ là một trong số những gì đáng nhớ trong quá khứ”, đó là những lời lẽ khiêm tốn từ doanh nhân người Canada sinh ra tại Scotland và từng là cổ đông lớn nhất của đội bóng này liên tục trong 5 năm kể từ 1994. “Tôi chỉ là đốm sáng nhỏ ở phía hậu trường”.
Khi kể về 5 năm ở sân Celtic Park, ông không sa đà vào những chi tiết ủy mị. Sự gắn bó của ông với đội bóng hoàn toàn là do xúc cảm – ông kể lại câu chuyện từng ngồi phía sau trong một buổi họp khi vẫn đang làm việc cho hãng Marconi ở Canada năm 1967 và nghe tường thuật trận chung kết Cúp châu Âu từ đài BBC – nhưng những liên hệ của McCann với Celtic lại rất “logic”.
Ông tự hào về cái cách mà đội bóng được vận hành hiện tại, không phải bởi rất nhiều danh hiệu giành được mà bởi những bước đi chiến lược với mục tiêu rõ ràng. “Rất dễ để cho đội bóng phải nhận những chỉ trích như họ vẫn thường xuyên phải chịu”, ông nói. “Bạn có thể mua những thành công nhanh chóng bằng việc chi tiền”.
“Quay trở về với HLV cũ (Martin O’Neille), người mua về 3 cầu thủ với giá 6 triệu bảng một cách bất thình lình, khi họ đã 28 tuổi. Họ chơi tốt, đội bóng vào đến chung kết (Cúp châu Âu) ở Seville, tốt thôi. Nhưng hãy nhìn vào những chi tiết liên quan đến sự cân bằng – các cầu thủ đó ra đi, lương bổng thì dội lên và chúng tôi không thể kiếm thêm tiền”.
Đánh giá này là đặc điểm quen thuộc trong lối tư duy của McCann: thiết thực và lý tính.
Fergus McCann (bìa trái) góp phần thành lập Giải Ngoại hạng Scotland năm 1998.
Màn 1: Giải cứu
McCann bỏ ra 2 năm để thảo luận với các thành viên ban điều hành Celtic về việc làm sao để thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính họ vướng phải kể từ đầu thập niên 1990. Thường thì câu trả lời mà McCann nhận được đại loại: “Chừng nào thì ông quay về Montreal vậy?”.
Nhưng ông nỗ lực thiết lập một nhóm cùng chí hướng, tìm ra những đồng minh hăm hở, loại bỏ những thành viên còn lại và hướng đến những “thay đổi mang tính cấp tiến”. Khi thời gian Celtic phải tuyên bố phá sản chỉ còn tính bằng giờ và người hâm mộ liên tục phản đối ban lãnh đạo, ông quyết định hành động độc lập, bay thẳng đến Scotland để trả nợ cho đội bóng và bắt đầu quá trình “thống trị”.
“Tôi không hề có một kế hoạch nhằm đến với Celtic Park và lãnh đạo đội bóng suốt 5 năm”, ông cho biết. “Nhưng rút cục thì đây là quyết sách cần thiết để cứu vãn CLB. Cái giá phải trả để thoát khỏi phá sản quả là đắt đỏ. Nhưng đây là con đường đơn giản nhất như chúng ta từng thấy với một trường hợp khác ở Glasgow (Rangers)”.
“Tôi làm theo những gì bản thân tin là hợp logic. Tôi không tặng tiền mà tôi đầu tư và mong mỏi thu về được những gì đã bỏ ra. Tôi cũng không mong kiếm được món lời khá khẩm. Dù không kỳ vọng nhưng kết quả lại vượt ngoài mong đợi. Nhưng tiền không phải là vị cứu tinh. Tôi có trách nhiệm đảm bảo với người hâm mộ rằng tiền của họ không bị phí phạm. Tôi đầu tư 2/3 tài sản của mình (9,5 triệu bảng) vào đội bóng. Và đây là hành động đúng đắn”.
Màn 2: Tạo lập nền móng
McCann chẳng bao giờ muốn tìm kiếm sự nổi tiếng. Ông tìm được những trợ lý, giám đốc điều hành và chuyên gia tư vấn thông minh, và bỏ ra 5 năm để tìm cách cân bằng giữa tham vọng của đội bóng với tình hình thực tế và những đòi hỏi về tài chính.
Ông giám sát việc tu sửa sân Celtic Park, góp tiền bằng việc bán bớt cổ phần củng cố những nền tảng của CLB, khiến cho một thời kỳ tồi tệ tương tự khó có thể tái diễn. Nhưng có những trở ngại khi ông không thể bổ nhiệm được người ông mong muốn, một cựu cầu thủ tài danh, ngồi vào ghế HLV: Lou Macari.
“Tôi đã chịu nhiều áp lực với việc chọn Tommy Burns, từ các thành viên ban lãnh đạo đến nhiều người khác nữa”, McCann kể lại. “Tôi thuê Tommy Burns không phải bởi ông ta là ứng viên xuất sắc nhất mà bởi người hâm mộ muốn thế. Đây là lợi thế của HLV này”.
“Tôi đến với CLB và Tommy Burns nộp đơn ứng tuyển, tôi liền đi gặp ông ta. Nhưng rồi tôi bị phạt (100.000 bảng) vì tiếp cận trái phép. Mức phạt cao nhất trước kia cho hành vi tương tự chỉ là 5.000 bảng”.
“Lương của Tommy Burn ở CLB Kilmarnock chỉ là 40.000 bảng/năm. Tôi cảm thấy (án phạt) chừng như bị ảnh hưởng bởi thù oán, không cần thiết và quá nặng. (Celtic) không phải luôn được vây quanh bởi những người ủng hộ. Không khí ở Scotland khi đó vẫn còn một số định kiến chống lại người nhập cư”.
Màn 3: Ra đi
McCann bán sạch cổ phần vào năm 1999 và thu về món lời lớn. Ông quay trở lại Canada và đời tư không còn bị soi mói nữa.
Dù cho bị một số fan của Celtic la ó khi ông khai trương Giải Ngoại hạng mùa Hè năm đó nhưng đã được công nhận bởi những CĐV hiện đã có quan điểm khác về việc ông đặt những nguyên tắc kinh doanh phù hợp lên trước những tham vọng cuồn cuộn.
McCann tiếp tục dõi theo Celtic để nắm rõ về tình hình đội bóng nhưng vẫn bảo lưu quan điểm có thể khiến một phần thế giới bóng đá Scotland nổi xung. “Tất cả các CLB nhỏ đều ghét Celtic và Rangers, những đội bóng góp công lớn vào sự tồn tại của họ”, ông khẳng định. “Nhưng đây là bản tính tự nhiên của con người nhưng cũng nói lên được cấu trúc của bóng đá Scotland. Rất nhiều thứ đã thay đổi trong 30 năm qua: thói quen xem truyền hình, truyền thông, lương bổng, những thương hiệu toàn cầu, Champions League, tất cả những thứ mới mẻ này. Ở Scotland, mọi thứ vẫn chẳng đổi thay là bao”.
“Họ quẩn quanh với những thứ lỗi thời, nhưng hiện đã có đến 42 đội bóng chuyên nghiệp trong khi dân số chỉ là 5 triệu người. Nếu ở vùng Đại Manchester, dân số cũng là 5 triệu người nhưng lại chỉ có 2 CLB. Và cũng có chừng nấy người ở Boston nhưng chỉ có duy nhất 1 đội bóng”.
“Đừng quên lượng khán giả đang ngày một ít ỏi hơn. Tôi xem một trận đấu, Celtic đá với Kilmarnock, 6.000 người và 5.000 trong số họ là fan của Celtic. Thế thì Kilmarnock đóng góp bao nhiêu cho trận đấu này? Họ nên thảo luận về bóng đá Anh. Celtic nên dự phần vào hệ thống bóng đá Anh. Đó có thể là nơi mà họ thuộc về”.
VŨ ĐỨC (dịch từ BBC)