Cống hiến cho cộng đồng, giờ đây là cho thể thao
Hôm 17-10, nữ diễn viên điện ảnh lừng danh vừa mới thắng giải thưởng Oscar hồi tháng 3 trở thành một trong 8 thành viên được xướng tên tại phiên họp của IOC ở Mumbai (Ấn Độ). Đây là lần đầu tiên sẽ cô dấn thân, đóng góp sức lực để phát triển cho cộng đồng thể thao nói chung.
Trước đó, cô có lịch sử làm thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng - xã hội dài lâu, từng đến thăm nhiều trại tị nạn với tư cách là Đại sứ thiện chí của Chương trình phát triển của LHQ (UNDP). Cô cũng đã từng vận động cho 1 chương trình an toàn giao thông đường bộ - cùng với chồng của mình.
Dương Tử Quỳnh cảm thấy rất phấn khích khi nhận trọng trách mới, lần này liên quan đến thể thao, lĩnh vực có uyên nguyên sâu xa với cô: “Trong nhiều năm làm việc với UNDP, tôi nhận ra tầm quan trọng và nền tảng mà một gia đình như thế này mang lại... sẽ giúp tôi về căn nguyên và công việc mà tôi muốn làm”.
Dương Tử Quỳnh trong một chương trình của UNDP hồi năm 2016 |
“Hôm nay, tôi nghe người ta trình bày về các đội thể thao chỉ gồm toàn những người tị nạn, tôi cảm thấy công việc của mình gần như bị cắt ngang ngay lập tức, và cả sau đó nữa. Khi trở thành một phần của gia đình này (IOC), điều đó cho phép tôi sử dụng thể thao, vốn là ngôn ngữ phổ quát của tình yêu nhiều cấp độ khác nhau. Và nếu bạn đã từng đến các trại tị nạn, bạn sẽ hiểu nó giúp ích như thế nào, đặc biệt là với trẻ em”.
“Thể thao là thứ gì đó mang mọi người sát lại với nhau. Và bạn có thể thấy với đấu trường Thế vận hội, nó vượt qua biên giới, băng qua văn hóa, trải dài qua tất cả các kiểu ngôn ngữ. Đó là ngôn ngữ của tình yêu, sự tôn trọng và phẩm giá”, Dương Tử Quỳnh phát biểu.
“Với điều đó, chúng ta có thể thực hiện thiện chí này ở nơi sâu sắc, có nhiều ý nghĩa hơn và cũng rất cần thiết. Vì vậy, tôi hy vọng họ sẽ chào đón tôi vào các đội thể thao tị nạn, cho phép tôi làm việc cùng họ, mang lại niềm vui cũng như niềm hy vọng cho 110 triệu con người đang phải đi tị nạn trên toàn thế giới”.
Từ giấc mơ Olympic đến siêu sao Hollywood
Từng là người mẫu trước khi trở thành một ngôi sao điện ảnh của Hồng Kông, Dương Tử Quỳnh bắt đầu trở nên quen thuộc với khán giả phương Tây khi xuất hiện với tư cách là “Bond Girl” bên cạnh James Bond - Pierce Brosnan ở trong bộ phim “Ngày mai không lụi tàn” (tựa tiếng Anh là “Tomorrow Never Dies”) thuộc loạt phim bom tấn “Điệp viên 007”.
Dương Tử Quỳnh sắm vai Bond Girl |
Tên tuổi của cô đã được nâng lên tầm ngôi sao Hollywood khi cô đóng vai chính cùng với Châu Nhuận Phát, và Chương Tử Di... trong bộ phim “Ngọa hổ tàng long”, bộ phim thắng hàng loạt giải Oscar cũng như các giải thưởng điện ảnh có giá trị quốc tế khác.
Dương Tử Quỳnh rất thành thạo võ thuật, và đó là chìa khóa thành công cho sự nghiệp diễn xuất của cô, đặc biệt và gần đât nhất là trong bộ phim “Mọi thứ mọi nơi cùng một lúc” (tựa tiếng Anh là: “Everything Everyone All at Once” - EEAAO) giúp cô trở thành người châu Á đầu tiên thắng giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" tại Oscar.
Nhưng võ thuật lại không phải sở thích đầu tiên của Dương Tử Quỳnh. Cô từng là một VĐV giỏi khi còn trẻ và rất xuất sắc trong môn bóng quần: “Khi còn nhỏ, tôi chạy, bơi lội và nhảy cầu. Tôi thật sự là nhà vô địch trẻ Malaysia trong môn bóng quần. Vì vậy, tôi đã được tiếp xúc với tất cả các hình thức thể thao. Tôi học được rất nhiều ý nghĩa từ thể thao khi còn trẻ, vì nó dạy cho bạn tính kỷ luật và cách cư xử tốt”.
“Từ khi tôi còn nhỏ xíu, các bạn biết đó, khi bạn xem, bạn chạy đua, khi bạn thi đấu, tôi đã có giấc mơ rằng, có lẽ tôi sẽ trở thành một VĐV tham dự đấu trường Olympic. Nhưng sau đó đương nhiên tôi đã không thực hiện được điều này, tôi không có năng khiếu như vậy. Và sự nghiệp của tôi đã đi đến một nơi khác đi”, Dương Tử Quỳnh tươi cười nói.
“Tôi đến với nước Anh. Tôi bắt đầu tập khiêu vũ và cả tham gia các hoạt động thể chất khác. Nhưng kể từ khi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất, tôi lại quay trở lại với các môn thể thao về võ thuật và hành động, những thứ tương tự. Vì thế, thể thao luôn là một phần của cuộc đời tôi, và dường như điều đó đã lại đến, thành một vòng tròn trọn vẹn”.
Vui khi bóng quần ra mắt Olympic 2028, vẫn tập võ thuật vì đóng phim
Dương Từ Quỳnh rất vui mừng khi môn chơi mà cô từng rất giỏi hồi còn nhỏ sẽ xuất hiện ở đấu trường của Thế vận hội, bắt đầu từ kỳ giải Olympic Los Angeles 2028 trên đất Mỹ. Cô không hề ngại ngần nói đùa về điều này...
“Tôi nghĩ rằng, mọi người sẽ bắt đầu suy nghĩ là, chính tôi vận động nên chuyện này. Không! Nhưng tôi vẫn sẽ ghi công. Không, đó là môn thể thao mà tôi rất yêu mến, đặc biệt với môn bóng quần đến từ Malaysia, với Tunku Imran là Chủ tịch Liên đoàn bóng quần. Họ mãi luôn cố gắng để đưa bóng quần vào chương trình thi đấu tại Olympic. Tôi rất vui mừng khi cuối cùng thì bộ môn này cũng sẽ xuất hiện ở Olympic".
Dương Từ Quỳnh tiết lộ, ở tuổi 61, cô vẫn tập thể thao - võ thuật, “Bởi vì tôi vẫn sẽ đóng các phim hành động, võ thuật” (khi bắt đầu nổi danh, Dương Tử Quỳnh đã đóng cặp cùng nhiều diễn viên võ thuật nổi tiếng Hồng Kông - Trung Quốc như là Thành Long, Lý Liên Kiệt), nhưng cô thừa nhận rằng, cô chủ yếu chỉ tập shadow-boxing (đấu quyền gió - bài tập quyền Anh đấm vào không khí hay vào các quả bóng nhỏ) vì “đó là cách dễ nhất”.
“Tôi còn tập karate, tập cước pháp, tập tất cả những chiêu thức võ thuật cơ bản nhất. Bởi vì mỗi khi bạn bước lên sân khấu, sẽ chẳng có một khuôn mẫu nào cả. Nếu đó là một bộ phim cổ trang, bạn phải di chuyển xung quanh với tất cả, các bạn biết đó, những thanh kiếm và các thứ. Nếu đó là phim hành động hiện đại, sau đó bạn sẽ như là chạy nước rút trên đường và đấu võ trên hè phố”.
Dương Tử Quỳnh trong bộ phim giúp cô thành danh quốc tế: Ngọa hổ tàng long |
“Khi bạn đóng phim hành động, điều quan trọng là bạn phải tôn trọng công việc của mình. Tôi chẳng phải một võ sư đai đen taekwondo hay karate vì chúng tôi đều phải học tất cả các môn võ. Tôi nắm vững những chiêu thức cơ bản nhất để có thể tung ra những đòn đá ngược hay đá vòng tròn, tất cả các kiểu cước pháp. Nhưng tôi không chuyên về một môn võ cụ thể nào cả”.
“Khi tôi xem muay Thái, karate hay là taekwondo, và thậm chí là judo hay quyền Anh nữa, tôi luôn cảm thấy hồi hộp vì tôi hiểu sự rèn luyện khắc khổ là như thế nào. Tôi biết về công việc các VĐV, các võ sĩ hay các võ sư phải trải qua trước khi gặt hái thành công”