Dũng khí của“Lão bà bà”

23 năm là quãng thời gian rất dài, đủ để quên lãng đi sự nghiệp của một người. 23 năm là một quãng thời gian đủ để một tay vợt… sống đến 2 cuộc đời thi đấu chuyên nghiệp.
Dũng khí của“Lão bà bà”

23 năm là quãng thời gian rất dài, đủ để quên lãng đi sự nghiệp của một người. 23 năm là một quãng thời gian đủ để một tay vợt… sống đến 2 cuộc đời thi đấu chuyên nghiệp.

Nhưng trong 23 năm đó, Kimiko Date Krumm vẫn đứng vững, vẫn “chạy” tốt, chiến thắng ấn tượng trước hạt giống số 12 của giải đơn nữ Australian Open 2012 - Nadia Petrova (Nga, hạng 12 WTA) - với điểm số 6/2, 6/0 đã biến “lão bà bà” này trở thành tay vợt lớn tuổi nhất giành được một chiến thắng đơn ở các hệ giải Grand Slam. 42 tuổi, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, Kimiko là tấm gương để các tay vợt trẻ noi theo.

Kimiko Date Krumm vẫn kiên cường đứng vững.

Kimiko Date Krumm vẫn kiên cường đứng vững.

Lần đầu tiên khi Kimiko thi đấu ở Malbourne Park là chuyện của 23 năm trước, cô đã đánh bại tay vợt người Mỹ Pam Shriver trên đường phiêu lưu đến tận vòng 4 của giải Australian Open 1990. Bốn năm sau, ở Australian Open 1994, Kimiko đã ghi dấu ấn đậm nét khi đánh bại tay vợt tiếng tăm lừng lẫy Conchita Martinez (Tây Ban Nha) để lọt đến trận bán kết trước khi thúc thủ với điểm số 3/6, 3/6 trước tay vợt Steffi Graf (Đức) - sau đó trở thành nhà vô địch. Shriver, Martinez, Graf đều đã giải nghệ nhiều năm nay, nhưng Kimiko vẫn cố gắng chống chọi với “làn sóng sau xô làn sóng trước” và hiện vẫn chơi tốt.

Rất nhiều người tỏ ra hứng thú với “kỷ lục” mới mà Kimiko (Nhật Bản, hạng 100 WTA) tạo ra, nhưng “lão bà bà” lại chẳng quan tâm mấy, cô cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi đã giành được chiến thắng hôm nay, nhưng tôi không thi đấu vì những kỷ lục. Ngay cả khi thua trận đấu này, tôi sẽ vẫn thích thú thưởng thức hương vị thất bại đó. Đương nhiên, mỗi khi tôi thua trận, đó là một cảm giác rất khó chịu. Nhưng tôi vẫn sẽ hưởng thụ thú vui được chơi quần vợt chuyên nghiệp. Tôi yêu quần vợt. Tôi thích tập luyện. Tôi thích các trận đấu. Tôi mến giải hệ giống Tour. Tôi thích những thứ liên quan đến quần vợt rất nhiều”.

Cũng giống như những cụ già cao tuổi nổi tiếng ở Nhật Bản, Kimiko thường được hỏi về “bí quyết sống lâu” - làm sao để vẫn duy trì được phong độ thi đấu chuyên nghiệp sau quá nhiều năm lăn lộn cực khổ. Đương nhiên, quãng thời gian “ngồi xơi chơi nước” 12 năm - kể từ năm 1996 đến 2008 - đã giúp ích rất nhiều cho Kimiko có thể kéo dài sự nghiệp thi đấu quần vợt chuyên nghiệp của mình, đó là những gì Kimiko thừa nhận trong buổi họp báo, nhưng cô nói rằng chiến thắng trước Petrova chẳng hề có liên quan gì đến “sức mạnh huyền bí” của những món ăn nổi tiếng ở Nhật Bản, như người ta thường hay đồn đại…

Kimiko nói: “Tôi không ăn nhiều thức ăn Nhật Bản khi thi đấu ở các nơi trên thế giới. Tất nhiên, tôi rất thích thức ăn của đất nước mình, nhưng chất lượng thức ăn Nhật Bản ở ngoại quốc khác hoàn toàn so với chất lượng thức ăn ở quốc nội. Thế nên tôi chọn món khác. Như tối hôm qua vậy, tôi đã ăn món mì ống”. Kimiko nói đùa, giờ đây cô thậm chí còn… lớn tuổi hơn mẹ của các tay vợt đối thủ, nhưng cô đã phải chấp nhận phong cách thật đơn giản dù đang ở độ tuổi này: “Tôi ăn rất nhiều và ngủ rất nhiều. Bởi vì cứ sau mỗi trận đấu, sau từng buổi tập, tôi cảm thấy rất mệt mỏi và cần phải có thời gian, cần phải ăn uống, nghỉ ngơi để hồi phục. Vì vậy, tôi ngủ rất nhiều, ăn những món ăn lành mạnh, uống rất nhiều nước. Đó là một cuộc sống giản đơn và chẳng có gì đặc biệt”.

Với chiến thắng gây chấn động giải đơn nữ Australian Open 2013, Kimiko sẽ lọt vào vòng 2 và giáp mặt với Shahar Peer (Israel, hạng 90 WTA) - người đã thắng Alexandra Pandova (Nga, hạng 93 WTA) với điểm số 6/4, 1/6, 6/3 trong một trận đấu khác của vòng 1. Cô sẽ cố gắng hết sức dù Peer được đánh giá trội hơn cô ở mọi yếu tố. Ngay cả nếu thua, Kimiko cũng không có lý do gì nghĩ rằng giải Australian Open lần thứ 12 của cô sẽ là giải cuối cùng. Kimiko cho biết: “Mùa giải mới bắt đầu, tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến cuối mùa giải”.

Đỗ Hoàng

Tin cùng chuyên mục