Dù thầy trò Thiery Henry chỉ nhận HCB, nhưng nước chủ nhà Pháp vẫn tự hào với các môn thể thao đồng đội

HLV Thiery Henry và các học trò của ông ở đội tuyển Olympic Pháp đã không thể hoàn tất cuộc hành trình kỳ diệu khi đối thủ của họ trong trận chung kết, Tây Ban Nha đơn giản là quá xuất sắc.

Dù thầy trò Thiery Henry chỉ nhận HCB, nhưng nước chủ nhà Pháp vẫn tự hào với các môn thể thao đồng đội

Vào chung kết Olympic Paris 2024 là thành tích lớn nhất của Henry từ đầu sự nghiệp cầm quân. Đây cũng là lần đầu Pháp vào chung kết bóng đá nam, kể từ khi giới hạn lứa tuổi U23 năm 1992. Còn nếu tính suốt lịch sử Olympic, họ cũng vào chung kết lần đầu sau 40 năm, kể từ lúc thắng Brazil 2-0 tại chung kết năm 1984 tại Los Angeles, Mỹ.

Sự xuất sắc của Olympic Pháp cho thấy một xu hướng của thể thao Pháp tại Thế vận hội, đó là ngày càng mạnh ở những môn chơi tập thể. Ngoài bóng đá, các đội tuyển bóng rổ, bóng ném, bóng chuyền của Pháp đều vào tới trận chung kết để có thể mơ tới tấm huy chương vàng Olympic. Tính đến thời điểm này, Pháp có 3 trên tổng số 16 HCV ở các môn tập thể ở kỳ Thế vận hội kỷ lục về số lượng huy chương mà họ từng có.

Ngay tại kỳ Tokyo 2021 vốn bị xem là sa sút khi Pháp rơi xuống hạng 12 toàn đoàn, thì các đội tuyển thể thao đồng đội của Pháp đã tỏa sáng mang về 6 tấm huy chương ở những ngày thi đấu cuối cùng. Nhật báo La Croix khẳng định, đây là bằng chứng cho thấy thể thao đồng đội của Pháp đang rất mạnh. Tờ báo dẫn lời bà Emmanuelle Bonnet-Oulaldj, thành viên Ủy Ban Quốc Gia Olympic và Thể thao Pháp (CNOSF), nhận định : “Phân tích kết quả của những năm gần đây, chúng tôi nhận ra rằng Pháp là nhà vô địch thế giới về thể thao đồng đội. Nhưng mọi thứ không bắt đầu từ ngày hôm nay, đó là di sản từ những năm 1980 khi Pháp là nước tiên phong trong cách mạng hóa lối chơi đồng đội”..

2024-08-11_102111.png

Pháp và các môn thể thao đồng đội cũng là chủ để chính của nhật báo Libération. Tờ báo lý giải đó là kết quả của một mô hình hiệu quả, thúc đẩy phát triển tài năng đỉnh cao, dựa trên cơ cơ sở phát triển mạng lưới các liên đoàn hiệp hội để phát hiện đào tạo tài năng dày kín trên khắp đất nước. Libération dẫn lời nhà xã hội học William Gasparini, chuyên gia về tổ chức thể thao tại Đại học Strasbourg: “Mọi thứ đều đến từ hệ thống đào tạo của Pháp, mà chất lượng đã được công nhận trên toàn thế giới. Đó là một hệ thống phân cấp chi tiết và rất hiệu quả. Tài năng được đào tạo tại cơ sở trong các câu lạc bộ có huấn luyện viên có bằng cấp quốc gia. Các tài năng trẻ được phát hiện khá sớm và gửi đến cơ sở nghiên cứu thể thao, hoặc đến các trung tâm đào tạo”.

Theo nhật báo Libération, Học viện Thể thao Quốc gia (Insep), Trung tâm Pháp, Trung tâm Tài năng trẻ, Học viện bóng đá Clairefontaine, đó là những điểm đào tạo tài năng có tiếng, được ví như là nhà máy tạo ra các nhà vô địch hay những VĐV có thể tỏa sáng trên các đấu trường lớn trong nước cũng như ở các giải vô địch của nhiều nước khác. Theo một nghiên cứu công bố năm 2023, Pháp là quốc gia đứng thứ 2 thế giới (chỉ xếp sau Brazil), về số lượng các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chơi ở nước ngoài. Tất cả các câu lạc bộ bóng đá lớn ở châu Âu đều có cầu thủ Pháp chơi. Từ vài năm gần đây, bóng rổ Pháp là nguồn cung cấp chính các cầu thủ triển vọng cho giải nhà nghề Mỹ NBA.

Tin cùng chuyên mục