Theo Forbes, Wilder “áo giáp” đã kiếm được 46,5 triệu USD, chỉ tính riêng trong năm tài khóa 2020 (từ tháng 7-2019 đến tháng 7-2020). Cho dù anh chỉ kiếm được vỏn vẹn 500 ngàn USD, tiền liên quan đến hoạt động quảng cáo, tuy vậy, anh bỏ túi rất, rất nhiều tiền từ trận thua Fury “giận dữ” tại sàn đài MGM Grand Garden Arena hôm 22-2-2020, trận đấu mà Wilder đã… liên tục bị Fury đấm gục ở trong các hiệp đấu thứ 3 và hiệp thứ 5, để rồi cuối cùng, phía góc đài của anh này buộc phải tung khăn trắng đầu hàng ngay ở hiệp đấu thứ 7!
Ban đầu, các chuyên gia tính toán, Wilder và cả Fury, mỗi người chỉ nhận được 5 triệu USD tiền thù lao. Tuy nhiên, khi chia lợi nhuận khoản tiền bản quyền truyền hình theo hình thức pay-per-view (PPV), 2 võ sĩ khổng lồ của làng đánh quyền hạng nặng được nhận về mỗi người với khoản tiền lên đến 25 triệu USD. Đó chính là phần thu nhập lớn mà Wilder “áo giáp” kiếm được trong năm 2020, mùa giải anh chỉ thượng đài 2 lần (lần đầu là khi anh đánh bại Luis “King Kong” Ortiz cũng tại Grand Garden Arena hồi tháng 11-2019, và thắng 20 triệu USD).
Trong danh sách 20 VĐV có thu nhập cao nhất trong năm 2020 do Forbes công bố, Wilder “áo giáp” tất nhiên vẫn phải xếp sau Anthony Joshua “cơ bắp”, đối thủ mà anh đã từng hăm he tiêu diệt” rất, rất nhiều lần, nhưng đến giờ này vẫn chưa có cơ hội chạm mặt đối phương, do cái rào chắn cao đến… 2 mét 06 là Fury “giận dữ”. Trong năm 2020 này, AJ “cơ bắp” kiếm được “nhỉnh hơn” Wilder “áo giáp”, khoảng 2 triệu USD, với tổng thu nhập lên đến 47 triệu USD. Trong đó, tuy “chỉ có” 36 triệu USD đến từ thù lao, tiền thưởng khi thượng đài, nhưng có đến 11 triệu USD tiền quảng cáo và tài trợ. Riêng về khoản này, AJ hot hơn Wilder.
Có thể hiểu tại sao Wilder “áo giáp” lại có thu nhập quá ít ỏi từ tiền tài trợ và quảng cáo, thấp hơn nhiều so với AJ “cơ bắp”. Đó là vì cách PR bản thân, cách hoạt động trên mạng xã hội của quyền thủ người Mỹ “rất có vấn đề”. Các tài khoản mạng xã hội từ Facebook, Twitter, đến cả Instagram của Wilder chỉ thu hút khoảng 2,8 triệu người theo dõi. Trong khi đó, cũng từ các tài khoản mạng xã hội tương tự, AJ “cơ bắp” thu hút đến 17 triệu người theo dõi (gấp hơn 6 lần so với của Wilder “áo giáp”). Do vậy, AJ được nhiều nhãn hàng tiếp xúc hơn.
Wilder “áo giáp” được xem là tài năng “nở muộn” trong quyền Anh. Mãi đến năm 20 tuổi, anh mới bắt đầu xỏ găng để thi đấu nghiệp dư, lần lượt giành giải "Găng tay vàng quốc gia" và "Vô địch quyền Anh nghiệp dư Mỹ". Giành vé tham dự Olympic Beijing 2008, Wilder “áo giáp” cũng thi đấu khá là thành công khi thắng Abdelaziz Toubini (Algeria) 10-4 ở vòng 16, đánh bại Mohamad Arjaout (Ma rốc) nhờ điểm lợi thế sau khi hòa 10-10. Tuy vậy, ở bán kết, anh đã bất ngờ thúc thủ trước Clemente Russo (Italia) với điểm số 1-7.
Vì kết quả này, Wilder “áo giáp” đã bỏ lỡ cơ hội thượng đài trận chung kết tái ngộ với võ sĩ người Nga Rakim Chakhkiev, người mà anh từng đánh bại trong một trận đấu ở Nga cách đó mấy tháng. Chakhkiev sau đó đã giành được tấm HCV ở hạng cân nặng môn quyền Anh Olympic Beijing 2008 khi đánh bại Russo 4-2. Sau này, Chakhkiev cũng chuyển sang thượng đài chuyên nghiệp và từng giành đai WBC Silver, đai IBO hạng bán nặng. Trong khi đó, với tấm HCĐ, Wilder được đặt cho cái biệt danh là “Oanh tạc cơ bằng Đồng”.
Vài tháng sau Olympic 2008, Wilder chuyển sang chơi chuyên nghiệp, anh đã khởi đầu với trận thắng Ethan Cox bằng KO kỹ thuật vào ngày 15-11-2008. Năm 2015, với trận thắng thứ 33 liên tiếp - đánh bại Bermane Stiverne (Canada) bằng điểm số sau 12 hiệp đấu, Wilder “áo giáp” đã giành đai vô địch thế giới đầu tiên, đó là đai hạng nặng của WBC. Với thành tích này, anh đã giúp làng quyền nước Mỹ chấm dứt cơn khô hạn đai vô địch hạng nặng kéo dài đến 9 năm. Từ đó trở đi, Wilder đã và vẫn đang là biểu tượng của quyền Anh nước Mỹ. Nhưng sẽ không có gì là mãi mãi, nếu như anh lại để thua Fury ở trận “tái chiến của tái chiến”.