Những tay vợt trẻ góp mặt tại giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2015 ở TPHCM như Lian Trần, Nguyễn Văn Phương… được đánh giá thể hiện phong độ ấn tượng. Tuy nhiên, ở thực tế, giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc chỉ là một giải cụ thể để người làm chuyên môn nhìn thấy còn bình diện chung thì môn quần vợt vẫn chưa phải là môn được Tổng cục TDTT nhắm vào nhóm môn mạnh trọng điểm.
1 .Một năm, số tiền ngành TDTT rót cho môn quần vợt làm chi phí hoạt động trong khoảng 40.000 USD. Đó là con số không thấm vào đâu so với các môn thể thao khác. Tuy nhiên, khi liên đoàn quần vợt được thành lập và đã có được quỹ tài chính mạnh ổn định, tổ chức xã hội này gánh một phần trọng trách đầu tư các hoạt động cho quản lý nhà nước. Vì lẽ đó, nếu tính trung bình một năm, số tiền mà quần vợt chi ra (bao gồm cả bộ môn và liên đoàn) lên tới số tiền tính bằng đơn vị tỷ đồng. Đổi ngược lại, nếu chỉ lấy kết quả hoạt động trong nước làm tiêu chí để xin đầu tư thì chưa thật thuyết phục. Chúng ta cần thật nhiều kết quả quốc tế.
Từng gương mặt cụ thể có thành tích tốt thì mới có đầu tư nhiều hơn. Sáng giá nhất là Lý Hoàng Nam. Tuy nhiên, với số tiền eo hẹp, bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) cũng chỉ có hỗ trợ phần nào (dù thực tế bộ môn khi muốn hỗ trợ thêm cho Lý Hoàng Nam khoảng 10.000 USD trong năm 2015 thì phải đề đạt và xin ý kiến của đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương xem có chấp nhận hay không). Lãnh đạo Tổng cục TDTT bảo vệ quan điểm là quần vợt Việt Nam chưa phải môn thể thao mạnh trong khu vực cũng như ở châu Á, chúng ta chưa thể chiến thắng các đối thủ mạnh của Thái Lan, Singapore, Malaysia để chạm tới HCV SEA Games đồng thời ra quốc tế thi đấu chuyên nghiệp thứ hạng VĐV còn ở mức thấp nên sự đầu tư khó thể cao hơn những môn trọng điểm khác.
Hoàng Nam trong lần đăng quang vô địch đôi giải trẻ Wimbledon 2015. Ảnh: T.L
Sau chức vô địch đôi nam trẻ tại giải Wimbledon trẻ 2015 của Lý Hoàng Nam, trưởng bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) hồ hởi tin rằng đó là một trong những kết quả tốt thì đề đạt xin nâng đầu tư từ Nhà nước mới có cơ sở hơn. Người trong nghề thì hiểu rằng, từng VĐV quần vợt Việt Nam là từng cá nhân có cái tôi rất lớn họ có thể thành công khi thi đấu một mình nhưng với tập thể ĐTQG thì rất nhiều lần “gặp chuyện” từ tranh cãi dự SEA Games tới thi đấu vòng loại Davids Cup hay VĐV từ chối không lên tập trung…
2 .Chuyên môn của giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2015 được đánh giá cao vì VĐV trẻ thi đấu ngang ngửa trước VĐV cựu trào. Chúng ta thấy được VĐV trẻ Lian Trần là tay vợt có chuyên môn tốt. Tuy nhiên, đây mới là sự khởi đầu bởi thời gian còn rất dài phía trước với VĐV người Hà Lan này. Đặc biệt, nếu gia đình muốn cho con mình tập trung thi đấu nhiều hơn ở Việt Nam.
Quần vợt nữ không thiếu VĐV trẻ đã có chuyên môn tốt, thậm chí đạt kết quả xuất chúng hơn Lian Trần lúc này. Còn nhớ, tượng đài Nguyễn Thị Kim Trang (Khánh Hòa) đã vô địch quốc gia ở tuổi 14 (năm 1984) để rồi 17 năm liên tiếp về sau bất khả chiến bại tại các giải quốc nội. Nếu biết, những ngày đầu tập luyện và thi đấu của những năm 1980 cơ sở vật chất và dụng cụ còn thiếu thốn không dễ dàng như bây giờ. Thế nhưng cựu tay vợt Kim Trang vẫn thể hiện được sự bền bỉ để đeo đuổi tới khi thành danh. Một Huỳnh Phương Đài Trang cũng phát triển năng lực từ rất sớm và 15 tuổi vô địch giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc (2009), 16 tuổi vô địch đơn nữ quốc gia (2010). Bây giờ, Đài Trang là tay vợt mạnh nhất nhì Việt Nam. Mặc dù vậy, rất ít khi người trong giới nhắc tới rằng những tay vợt ấy khi mới thành danh đã được đầu tư từ bộ môn quần vợt nhiều hay không. Tất cả đều hiểu, tự bản thân gia đình VĐV thực hiện thì con em mình mới phát triển được.
Tài chính eo hẹp là rào cản lớn nhất khiến nhà quản lý khó thực hiện được chiến lược đầu tư. Vì thế, môn này ngày càng đề cao hơn tiêu chí xã hội hóa để nhiều doanh nghiệp chung tay thì đầu tư vào quần vợt mới hiệu quả.
NGUYỄN ĐÌNH