Đấu kiếm Việt Nam: Trăn trở tìm vé Olympic

Lưỡi kiếm vung nhanh từ nhà vô địch Olympic London 2012 Aron Szilagyi (Hungary) đã khiến Vũ Thành An trở thành bại tướng... Thêm một lần thi đấu nữa ở nước ngoài (kỳ này tại Mỹ), Vũ Thành An đã tích lũy cho mình kinh nghiệm quý giá cũng như điểm số chờ suất dự Olympic 2016.

Lưỡi kiếm vung nhanh từ nhà vô địch Olympic London 2012 Aron Szilagyi (Hungary) đã khiến Vũ Thành An trở thành bại tướng... Thêm một lần thi đấu nữa ở nước ngoài (kỳ này tại Mỹ), Vũ Thành An đã tích lũy cho mình kinh nghiệm quý giá cũng như điểm số chờ suất dự Olympic 2016.

Cơ hội vẫn còn

Giải kiếm chém Grand Prix 3-2015 (kết thúc ngày 13-12 theo giờ Mỹ), Vũ Thành An là VĐV có kết quả tốt nhất của đội Việt Nam tại đây. Dừng bước ở vòng 1/32 trước đối thủ quá nổi danh Aron Szilagyi (Hungary), Thành An giành thêm cho mình 3 điểm vào tổng điểm cá nhân trong hành trình tích lũy tranh suất chính đi Olympic 2016. Tính tới lúc này, Vũ Thành An là kiếm thủ có triển vọng nhất của đấu kiếm Việt Nam trong hành trình tìm vé đi Brazil năm sau.

Vũ Thành An (phải) là kiếm thủ có triển vọng nhất của đấu kiếm Việt Nam trong hành trình tìm vé đi Olympic 2016  Ảnh: Dũng Phương

Theo bảng xếp hạng thế giới, Thành An đang có 28 điểm cá nhân kiếm chém nam. “Thi đấu cũng là thực tế tập huấn, tôi và đồng đội có kinh nghiệm cọ xát nhiều hơn. Mình tích điểm qua từng giải để có vị trí tốt trong tranh chấp vé Olympic. Tất cả chưa nói trước được điều gì, ngoài năng lực và VĐV phải theo đúng chỉ đạo của ban huấn luyện thì còn cần thêm cả may mắn…”, Vũ Thành An đã chia sẻ ngay khi kết thúc thi đấu tại Mỹ. Đấu kiếm Việt Nam đang chờ đợi vào Vũ Thành An (kiếm chém) và Nguyễn Tiến Nhật (kiếm ba cạnh) có được vé đi Olympic 2016.

Lúc này, cơ sở đặt niềm tin vào họ vẫn là điểm số tích dần qua các giải quốc tế. Hiện điểm số của Tiến Nhật chưa được suôn sẻ nhưng cho tới khi chốt thời điểm công bố danh sách (tháng 4 năm sau), liên đoàn đấu kiếm quốc tế vẫn tổ chức nhiều giải cho VĐV tranh chấp vé Olympic 2016. Trong quy định trao suất cho VĐV đấu kiếm đi Olympic 2016, 14 kiếm thủ đứng đầu thế giới trong từng nội dung và 2 kiếm thủ đứng đầu từng châu lục từng nội dung sẽ nhận ngay vé trực tiếp.

Chúng ta chưa phải hàng nhất, nhì châu lục nên chỉ hy vọng tranh chấp ở nhóm này dù rất khó. Ngoài suất trực tiếp trên, vòng loại Olympic của từng khu vực sẽ dành suất cho người đạt kết quả tốt nhất. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vòng loại thi đấu tháng 4 năm sau (tại Trung Quốc) và có 3 suất thuộc về 3 người đứng đầu nội dung để đi Olympic 2016.

Tiến Nhật hay Vũ Thành An tích điểm số cao sẽ có vị trí thuận lợi trong bốc thăm và có triển vọng lọt vào những lượt cuối cùng. Dù vậy, Thành An nhìn nhận “chúng tôi phải biết phát huy năng lực và kinh nghiệm đúng thời điểm thì mới đạt được kết quả điểm số tốt. Tất cả phụ thuộc nhiều ở bản thân”.

Chậm trễ phát trang phục

Đấu kiếm Việt Nam dự giải Grand Prix 3-2015 tại Mỹ lần này chủ yếu là các tuyển thủ quốc gia nhưng thuộc đội kiếm Hà Nội. Chi phí dự giải do địa phương chi trả. Một thực tế với đấu kiếm làm nhiều người xem như điều khó nói ra là sự chậm trễ trong trao, nhận dụng cụ thi đấu. Tại giải VĐQG 2015 vừa rồi, một người trong giới đấu kiếm không ngại giãi bày rằng hàng năm các VĐV của đội tuyển luôn cần được trang bị dụng cụ quần áo lẫn vật dụng thi đấu mới.

Với quy trình thủ tục xin mua, đầu tư mới vật dụng thì việc trình được đưa qua lãnh đạo ngành thể thao rồi về tới Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tiếp tục được xem xét. Khi việc văn bản trình ấy được chấp thuận đồng ý thì tiếp tục lại phải chờ đấu thầu. Nếu chi phí tiền trăm triệu mua vật dụng, theo quy định, phải có đơn vị bỏ thầu. Ai trúng thầu mới là đơn vị sẽ cung cấp vật dụng cho tuyển kiếm.

Nói dễ hiểu, sau ngần ấy quy trình, khi trả tiền đầy đủ để mua được vật dụng mới sẽ mất nhiều tháng. Trong một năm mới, đấu kiếm thường xuyên thi đấu ngay từ tháng 1 đầu năm. Khi chuẩn bị kết thúc năm cũ, tờ trình đã được đưa để xin mua cấp mới dụng cụ nhưng do chờ lâu thời gian thì nhiều lúc vật dụng mới về tới nơi thì VĐV đã đấu xong giải quan trọng rồi.

Tất nhiên, với vật dụng đã có, VĐV vẫn thi đấu được nhưng nếu có đồ mới chắc chắn sẽ tốt hơn. Đấu kiếm với đặc thù phải có vật dụng chuyên biệt mới thi đấu được. Không ai muốn chậm trễ nhưng quy trình thủ tục phải đúng trình tự (dù người trong nghề rất mong giản tiện bớt số quy trình dềnh dang) nhưng là rất khó.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục