Việc tay vợt người Mỹ gốc Việt Daniel Nguyễn (hạng 248 thế giới) sắp nhập quốc tịch Việt Nam có thể là bước ngoặt lịch sử thay đổi vị trí quần vợt nước nhà ở khu vực và thế giới.
Tay vợt Daniel Nguyễn tại giải Việt Nam Open 2015. Ảnh: Nhật Anh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF), xác nhận: Thông tin Daniel Nguyễn đang làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam là chính xác. Nếu kịp, trong 2 năm nữa anh ấy có thể thi đấu cho Việt Nam tại SEA Games và chúng ta có quyền nghĩ đến chiếc HCV đầu tiên của quần vợt nước nhà. Đến “xem mắt” Daniel Nguyễn thi đấu tại giải Việt Nam Open 2015 đang diễn ra tại CLB Quần vợt Lan Anh (TPHCM), khán giả dễ dàng bị lối chơi của tay vợt Việt kiều này cuốn hút. Trước những đường bóng đầy biến ảo khó đoán, những cú lao nhanh như tên bắn từ cuối sân lên lưới cắt bóng với độ khó cao, người xem cứ ngỡ như anh đang đánh… biểu diễn chứ không phải thi đấu. Người xem nhìn thấy thấp thoáng hình ảnh "tàu tốc hành" Roger Federer nơi Daniel Nguyễn khi anh thừa nhận ảnh hưởng khá nhiều từ lối chơi giao bóng lên lưới của thần tượng.
Ngày 16-10 là sinh nhật tuổi 25 của Daniel Nguyễn, nhưng ít người biết “Lúc tôi 5 tuổi, mẹ tập tôi chơi tennis trong công viên gần nhà”. Do vậy, chỉ mới 10 tuổi, anh đã giành chức vô địch Giải quần vợt thành phố Long Beach (California). Sau này, trong 4 năm học ngành truyền thông Đại học Southern California (USC), Daniel giúp trường 4 năm liền vô địch ở Giải Thể thao các trường đại học Mỹ (NCAA). Từng vươn đến hạng 189 thế giới (13-7-2015), Daniel cho biết anh đã phải đánh đổi rất nhiều khi trong 1 năm, anh chỉ ở bên gia đình vỏn vẹn 6-7 tuần: “Tôi ít được gặp bạn bè, gặp gia đình do phải tham dự các giải ATP khắp thế giới”.
Daniel Nguyễn vui mừng khi mẹ cũng đến cổ vũ anh thi đấu. Ảnh: Thùy Dung
Khi trò chuyện với bà Nguyễn Minh Nguyệt, mẹ Daniel Nguyễn, chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị về anh. Bà bảo: “Từ lúc nhỏ đến tận bây giờ, Daniel vẫn luôn là một cậu con trai ngoan ngoãn. Trong mọi chuyện, Daniel đều hỏi ý kiến của gia đình và nghe lời ba mẹ. Nhiều khi tôi nói con lớn rồi, không cần hỏi ý kiến ba mẹ nữa nhưng Daniel vẫn tiếp tục làm thế. Sau mỗi trận đấu, Daniel luôn gọi điện về chia sẻ vui buồn với gia đình. Tôi ủng hộ Daniel nhập quốc tịch Việt Nam và hy vọng con trai mình có thể cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc”.
Dĩ nhiên, Daniel Nguyễn tỏ ra vô cùng tự hào: “Tôi may mắn vì luôn có gia đình ở bên mình trong cả chiến thắng và thất bại. Giống như tại Việt Nam Open năm nay, mẹ và chú đến cổ vũ tôi trong khi ba và anh trai theo dõi kết quả các trận đấu trên mạng. Điều này giúp tôi thêm động lực đeo đuổi đam mê tennis của mình”. Khi được hỏi về việc nhập quốc tịch Việt Nam, Daniel hào hứng: “Tôi đang hoàn thành thủ tục nhập tịch với khao khát sẽ thi đấu cho Việt Nam tại đấu trường Davis Cup, không phải chỉ giúp Việt Nam trụ hạng ở nhóm 2 hiện tại mà còn lên tốp World Group (nhóm đầu thế giới). Tôi cũng muốn giành HCV SEA Games”. Điều đó rất khả thi vì Daniel Nguyễn từng tham dự Grand Slam 2009 (US Open). Anh đã giành tổng cộng 7 danh hiệu đơn, 5 danh hiệu đôi nam tại các giải Futures.
Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Mỹ, Daniel luôn tranh thủ học vài câu tiếng Việt. Trao đổi với chúng tôi, Daniel có thể nói vài câu đơn giản: "Anh cứ hỏi bằng tiếng Việt đi, tôi sẽ trả lời bằng tiếng Việt cho xem. Nếu không hiểu, tôi sẽ hỏi lại". Sự thân thiện của tay vợt Việt kiều "ghi điểm" và giành được nhiều tình cảm của những phóng viên đang tác nghiệp tại giải. |
THÁI KIÊN