Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa?

Huỳnh Quang Thanh - Đoàn Việt Cường - Lê Sỹ Mạnh - Nguyễn Thành Long Giang - Lê Quang Hùng... bất kỳ cái tên nào trong số này cũng đã từng “chọc trời khuấy nước” một thời trong làng bóng đá của Việt Nam. Sau một thời gian “người lạc người”, thì chiều Chủ nhật này, tại Sân vận động Thống Nhất, tất cả cùng lại tìm về, tay nắm tay, vai kề vai, chân sát chân, trong màu áo Nghĩa Tình - Kim Ngân, đội bóng không nhiều tiền bạc nhưng lại rất giàu tình nghĩa, đá trận chung kết “ôn lại kỷ niệm xưa” - trận chung kết Cúp Thiên Long 2020.

Đội hình toàn sao của Nghĩa Tình - Kim Ngân.
Đội hình toàn sao của Nghĩa Tình - Kim Ngân.

Hai “ông bầu” bình dị và dễ thương

Đón tôi trong quán cà phê vắng người ngay ở Trung tâm Quận 1, là hai “ông bầu” bình dị nhất nhì của làng phủi Sài Gòn. “Bầu” Huỳnh Hữu Đạo (cựu cầu thủ Ngân hàng Đông Á và Becamex Bình Dương, hiện là ông chủ Cửa hàng Kim Ngân chuyên kinh doanh thịt bò tươi và thịt bò nhập khẩu) mặc áo khoác đen tay dài, quần short, còn “bầu” Huỳnh Ngọc Tuyên (còn được anh em ưu ái gọi là “Ba ghiền” vì nhà cũ ở rất gần với tiệm cơm tấm trứ danh Sài Gòn: “Ba Ghiền”) mặc áo thun trắng và quần ngắn với phong cách rất bình dị và dễ thương.

“Đừng gọi tụi tui là ông bầu, vì tụi tui không trả tiền cho anh em chơi bóng, đơn giản anh Đạo và tui chỉ đứng ra kêu gọi, tổ chức một sân chơi cho các anh em cựu cầu thủ, hay vẫn còn thi đấu chuyên nghiệp, có cơ hội để quay về với nhau mà thôi”, “bầu” Ba ghiền “dằn mặt” tôi liền để tránh trí của tôi tưởng tượng bay cao và bay xa sau khi tiếp xúc và làm việc với quá nhiều bầu phủi khét tiếng khác ở đất Sài Gòn, ở khu vực miền Nam nói chung. Còn tôi chỉ cười cười và tự nhủ thầm trong lòng: “Thôi thì, bầu - mà không phải bầu, vậy hén!”.

Thế là, bên làn khói thuốc trắng tinh buổi sáng, bên những ly cà phê đặc quánh (riêng tôi uống trà đào vì hay bị say cà phê), hai “ông bầu” và tôi không còn chút nào ngại ngần, cứ thế người hỏi - người trả lời, say sưa tâm sự, để dựng lại cả một câu chuyện nghĩa tình - huynh đệ - bằng hữu - mãi mãi, chứ không chỉ là chuyện những thằng đàn ông đá bóng, ngày xưa chơi chuyên nghiệp thế nào, và ngày nay đá phủi ra sao. Một cấu trúc vượt qua cả cột mốc thời gian hiện tại, xoay ngược về phía sau của quá khứ, hướng đến tương lai ngay phía trước…

Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa? ảnh 1 Hai "ông bầu" Hữu Đạo (trái) và Ba ghiền

Sân chơi “cho vui” trở thành nơi thâm tình hội ngộ

“Bầu” Ba ghiền kể: “Tui chơi phủi lâu năm nay nên cũng quen biết nhiều anh em, trong đó rất thân với các anh em Khóa 14 của Nghiệp vụ TPHCM. Tui cũng chơi rất thân với Long Giang, nên nảy ra ý tưởng thành lập đội bóng, chủ yếu chơi tình cảm, từ năm 2017. Sau này, cái “vòng bằng hữu” càng lúc trải càng rộng, tui quen và thân với anh Đạo, nên mở rộng quy mô đội bóng, đặt tên là Nghĩa Tình - Kim Ngân"

"Mục đích tụi tui khi tổ chức sân chơi này không phải là thắng thua, ý nghĩa cuối cùng do hiện nay mỗi người một nơi, có gia đình riêng, có công việc mưu sinh khác nhau, rất ít cơ hội và thời gian để ngồi lại. Nhưng có đội bóng, có thời gian sinh hoạt môn chơi mà mình đam mê, từng theo đuổi, là một chuyện khác. Ở đây, các anh em đến với nhau vì quý trọng thời gian ở bên nhau, chứ không vì mục đích thắng giải này, vô địch giải nọ”.

“Nghĩa Tình! Đó là một cái tên rất đặc biệt. Tự bản thân cái tên này cũng đã phản ánh bản chất cách chơi của đội bóng chúng tôi”, “bầu” Đạo tiếp lời. Và “bầu” Ba Ghiền lại say sưa: “Tụi tui rất coi trọng giá trị thâm tình. Khi cuộc sống mỗi người mỗi hướng, nhiều anh em đã giải nghệ, có những người khác vẫn đang chơi chuyên nghiệp, có người thành công, có người gặp khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn hướng về nhau".

"Nhiều anh em gắn bó xa xưa, giờ đây, đã 5-6 năm thậm chí 10 năm chưa từng gặp lại. Thế nên, khi nghe Nghĩa Tình - Kim Ngân hiệu triệu những anh em tình nghĩa quay trở về, mọi người hưởng ứng hừng hực. Sau mỗi trận đấu, chúng tôi dành thời gian ngồi lại với nhau, hàn huyên tâm sự về cuộc sống, kể lại kỷ niệm xưa, kể về thứ tình nghĩa không thể nào quên. Thế nên, đội bóng phải có cái tên chủ đạo là Nghĩa Tình”.

Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa? ảnh 2 Đội bóng của những gã trai trọng nghĩa tình.

"Bầu" Ba ghiền: “Khi được gặp lại nhau, chúng tôi ngồi nói cười hồn nhiên, cùng ôn lại kỷ niệm xưa. Đức Thiện kể lại chuyện, hồi xưa ở chung phòng cùng anh Quang Thanh tại Becamex Bình Dương, thường xuyên bị Quang Thanh đì phải đi… giặt đồ. Công Thành thì nhớ mãi thời điểm còn trẻ măng non tơ ở Sài Gòn Xuân Thành, được Long Giang giúp đỡ từ những thứ nhỏ nhất. Còn Việt Cường nữa chứ. Người từng cùng Quang Thanh hợp thành cặp cánh giúp tuyển Việt Nam bay bổng đến ngôi vô địch ở AFF Cup 2008, sẵn sàng bắt xe từ Vĩnh Long lên Sài Gòn chỉ để gặp lại các anh em. Chứ đá giải ư, với anh, Cúp Thiên Long này có là cái gì quá to lớn đâu!”.

Tiền đâu trả đủ cho anh em, thế nên cũng chưa có danh hiệu

“Làm đội bóng phủi như chúng tôi, khó khăn tứ phía, anh có biết không??? Chúng tôi đâu thể trả tiền cho anh em, mà có trả thì tiền bao nhiêu cho đủ? Anh em quý nhau, quý chúng tôi, nên tự lên hỗ trợ. Có chăng, sau trận đấu, chúng tôi dắt anh em đi ăn uống, chi tiền những khoản này thì lại rất nhẹ nhàng”, “bầu” Đạo (kiêm luôn vị trí tiền đạo cánh, nhưng nghe đồn anh không ra sân, xác suất để đội thắng vẫn cao hơn), vừa mới “mớm bóng”…

…“Bầu” Ba ghiền bắt ngay theo đường chuyền: “Đó đó! Do vậy đội tụi tui đã được thành tích gì đâu? Tụi tui chủ yếu chỉ đá giải Thiên Long. Hổi đó có đá 2 hoặc 3 giải sân 7 khác, ở sân H2, rồi sân Gia Phú. Nhưng quan trọng là phải đủ con người. Tụi tui không trả tiền cho anh em nên không thể đòi hỏi phải đá giải này, giải kia. Nghĩa Tình - Kim Ngân chỉ chủ yếu tập trung chơi ở giải Thiên Long. Hồi năm 2017, tụi tui không có tiền thuê HLV nên Long Giang, khi đó đang chấn thương, phải choàng gánh luôn vai thuyền trưởng chỉ đạo”.

“Giải năm đó tụi tui được hạng 3. Rồi tới mùa sau, tình trạng không có HLV tái diễn, tui phải lên nắm HLV. Ở mùa giải đó, tụi tui đá không tồi, cả 3 trận đấu vòng bảng đều bất khả chiến bại. Tiếc là tụi tui bị loại ở… vòng bảng”, “bầu” Ba ghiền cười khà khà kể lại.

Khi thấy anh mắt tôi vừa nhướn lên với vẻ thắc mắc quá trời quá đất, bất khả chiến bại mà bị loại sớm như vầy, “bầu” Ba ghiền dứt điểm luôn: “Haha, do tụi tui hòa cả 3 trận vòng bảng, được có 3 điểm nên bị loại luôn. Từ đó cho đến nay, Nghĩa Tình - Kim Ngân chưa từng giành được danh hiệu nào. Thiệt luôn đó”.

Sợi dây kết nối vô hình nhưng… hữu tình

“Vài triệu một trận ư? Đó là một sự kết nối mang đậm tính vật chất, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đó là chuyện của những đội phủi khác. Chuyện đó không thể tìm thấy ở đây. Các anh em có quý mến nhau, có quý mến tụi tui, thì các anh em mới lên sân đấu. Nếu họ vắng mặt vì chuyện nhà, tụi tui cũng đành chịu".

"Trong một cuộc chơi tình nghĩa và tiền bạc luôn luôn nằm ở phía sau, gia đình của mỗi một cá nhân mới là tất cả, không thể trách các cầu thủ nếu họ vắng một trận đấu cả. Với tụi tui, làm Nghĩa Tình - Kim Ngân là phải coi trọng tình cảm, phải như mình đang sống trong cả cuộc sống của anh em, để hiểu họ cũng rất muốn lên sân, trừ khi chuyện bất khả kháng”, “bầu” Ba Ghiền tư lự.

“Chúng tôi kết nối nhau như thế nào, duy trì sợi dây liên lạc ra sao”, “bầu” Ba Ghiền tiếp tục câu chuyện của Nghĩa Tình - Kim Ngân, “Ở đây, chúng tôi có đến 6, 7 anh em từng đá cho Sài Gòn Xuân Thành. Tất cả đều rất muốn gặp lại nhau, khi mà có điều kiện, có cơ hội. Đó là Long Giang, Công Thành, Trọng Phi…"

"Sỹ Mạnh và Long Giang lại từng là đồng đội cũ ở Hà Nội T&T, Sỹ Mạnh và Quang Hùng thì từng chơi chung ở The Vissai Ninh Bình, Quang Thanh và Đức Thiện từng sát cánh cùng nhau trong màu áo của Becamex Bình Dương, Quang Thanh và anh Đạo lại là anh em trên bến dưới thuyền… Tất cả tụi tui đều là đồng đội cũ, anh em như thể một nhà, những người thân thương sống tình cảm với nhau, không có người lạ, vãng lai nào tự nhiên vào chơi trong này".

Đội hình toàn “sao” của Nghĩa Tình - Kim Ngân ở bán kết Thiên Long Cúp

_Thủ môn: Nguyễn Thanh Phú (Bà Rịa Vũng Tàu)

_Hậu vệ Huỳnh Quang Thanh (cựu tuyển thủ quốc gia) , Nguyễn Trần Mila (Đồng Tháp) , Nguyễn Công Thành (Sài Gòn FC), Bùi Ngọc Tín (Tây Ninh)

_Tiền vệ: Tống Anh Tỷ , Nguyễn Trọng Huy (Becamex Bình Dương) , Lê Quang Hùng (cựu tuyển thủ quốc gia), Nguyễn Thế Vinh (đội trưởng Triệu Minh đang đá giải Hạng nhì)

_Tiền đạo: Đinh Tiến Phong (Bà Rịa Vũng Tàu), Nguyễn Trọng Phi (Sài Gòn Xuân Thành )

_Thay vào sân: Lê Sỹ Mạnh (cựu tuyển thủ quốc gia, Nguyễn Thành Long Giang (cựu tuyển thủ quốc gia), Đào Quốc Gia (Bà Rịa Vũng Tàu) , Nguyễn Đức Thiện (cựu cầu thủ Becamex Bình Dương) , Đoàn Việt Cường (cựu tuyển thủ quốc gia, Ngô Anh Vũ (Sài Gòn FC)

Muốn thắng danh hiệu làm kỷ niệm và HLV chuyên nghiệp bên đường biên

Nhưng có lẽ, chuỗi thành tích “không một danh hiệu” của Nghĩa Tình - Kim Ngân, sẽ kết thúc vào Chủ nhật này, khi đội tiếp GM Holdings ở trận chung kết Thiên Long Cúp. “Năm nay, chúng tôi có cái may mắn, là lực lượng tương đối đầy đủ. Thứ nhất, cũng do V-League và giải Hạng nhất chưa bắt vào guồng quay mới".

"Thứ hai, năm nay mấy anh em cũng rất sung, muốn cùng nhau giành lấy cái cúp kỷ niệm cuộc chơi nghĩa tình. Chính Sỹ Mạnh, gần đây cũng rất tích cực tập lại, sau một thời gian bận tối mắt tối mũi với các Học viện Bóng đá Cộng đồng, với công việc kinh doanh đồ trẻ em ở nhà”, “bầu” Ba Ghiền tiết lộ.

Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa? ảnh 3 Sỹ Mạnh đang rất sung
Chưa hết, Nghĩa Tình - Kim Ngân còn "chơi lớn" khi đưa về một HLV chuyên nghiệp tên tuổi là Nguyễn Tuấn Phong (cựu HLV của Học viện PVF, cựu trợ lý HLV Sài Gòn FC). “Rút kinh nghiệm 3 mùa đầu tiên, năm nay tụi tui đưa anh Bin về làm. Ảnh đang nghỉ ngơi sau một thời gian làm bóng đá chuyên nghiệp, cũng không bận bịu gì nên lên giúp anh em. Cái hay là ảnh cũng sống rất tình nghĩa, khi đến với đội cũng chẳng đòi hỏi tiền bạc gì”, “bầu” Ba Ghiền kể.

Có Tuấn Phong ở bên đường biên dọc, chiến thuật và khả năng ứng biến của Nghĩa Tình - Kim Ngân trở nên rất lợi hại. Trong trận thắng Hương 247 với tỷ số 3-1 ở bán kết, HLV Tuấn Phong đã ghi dấu ấn thay người đậm nét. Theo lời kể của “bầu” Ba ghiền, ở thời gian nghỉ giữa 2 hiệp, HLV Tuấn Phong hỏi các “ông bầu” và quyết định thay người để tranh chấp mạnh hơn ở khu trung tuyến.

Sau đó, HLV Tuấn Phong thay Đào Quốc Gia (vào thế Tống Anh Tỷ). Tiếp đó, HLV Tuấn Phong thay Sỹ Mạnh vào để đấu với trung vệ Lưu Ngọc Hùng (từng đá cho Thép miền Nam Cảnh Sài Gòn) phía bên kia. Sỹ Mạnh ở thời điểm đó rất sung và có đủ năng lực để giải quyết vấn đề bàn thắng. Thay Sỹ Mạnh được 5 phút, HLV Tuấn Phong thay cả Long Giang lẫn Đức Thiện vào sân. Đức Thiện đá biên trái để đánh vào vị trí của Hữu Phát (Đồng Nai hồi xưa). Long Giang thì đá trung phong (vì “Giang không thích đá trung vệ nữa đâu, thời chuyên nghiệp, đội tuyển đã hậu vệ, trung vệ quá đủ rồi!").

Từ những con người đó, Nghĩa Tình - Kim Ngân có các bàn thắng giải quyết cục diện giằng co. Ở bàn thắng nâng tỷ số 2-1, Quốc Gia chuyền cho Long Giang, Long Giang chuyền cho Đức Thiện, Đức Thiện phất bóng vào cột 1 để Sỹ Mạnh băng cắt đánh đầu vào góc xa nâng tỷ số. Sau đó, Sỹ Mạnh lại chuyền cho Long Giang để Long Giang tỉa bóng ấn định chiến thắng 3-1, một chiến thắng đậm dấu ấn của HLV Nguyễn Tuấn Phong.

“Thật ra đối với nhiều anh em, ngôi vô địch lần này, nếu có, chẳng phải thứ gì quá ý nghĩa, quá lấp lánh và lớn lao. Trong số những anh em ở đây, bao nhiêu người đã có đủ vinh quang khi còn xỏ giày chơi chuyên nghiệp? Vô địch V-League, vô địch AFF Cúp? Nhưng tại sao, lần này mọi người đều quyết tâm? Vì đây là lần đầu tiên anh em quy tụ quy tụ đông đủ. Có người 10 năm mới gặp lại. Tất cả đều mừng, đều muốn quyết tâm đá giải đấu để đời vì danh dự, để người ngoài nhìn vào và thấy trình độ của tụi tui vẫn còn như xưa, để có một mùa giải kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghiệp đá phủi”, “bầu” Ba ghiền tâm sự.

Phía trước biết đâu là... SPL

Vô địch để cùng nhau ôn thêm một kỷ niệm khác, thì sẽ là tuyệt vời nhất. Nhưng nếu không vô địch, thì sẽ ra sao. Không dễ để một Nghĩa Tình - Kim Ngân có thể hiệu triệu đầy đủ con người như ở Thiên Long Cúp 2020 này, nhưng “bầu” Đạo, “bầu” Ba Ghiền vẫn muốn cố duy trì sân chơi để các anh em khác có điều kiện, tiếp tục gặp mặt. Và để biết đâu đó, một ngày đẹp trời, nếu đủ cả quân số với Sỹ Mạnh và Quang Thanh các dịp cuối tuần, thì Nghĩa Tình - Kim Ngân cũng “chiến” luôn giải SPL đang đình đám làng phủi sân 7 ở TPHCM…

Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa? ảnh 4 Nếu có Quang Thanh, Sỹ Mạnh, Nghĩa Tình - Kim Ngân có thể chơi ở SPL

HLV Nguyễn Tuấn Phong: “Anh em sống với nhau rất tình cảm”

HLV Nguyễn Tuấn Phong đã có những chia sẻ ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa về đội bóng mà anh đang nắm: “Làm đội bóng này, chỉ lo về thể lực của các anh em, vì nhiều người đã nghỉ đá lâu rồi, 1 tuần chắc chỉ đi đá chơi được 1-2 trận. Các anh em không có thời gian tập luyện, mỗi trận phải chơi một đội hình khác nhau do người vắng công việc người vướng gia đình, họ lại có trình độ, nên tôi cũng chủ yếu nói ngắn gọn để anh em tự đá là chính. Nhưng điều tuyệt vời nhất ở Nghĩa Tình - Kim Ngân là ở đây, họ quây quần cùng nhau không phải vì tiền. Tất cả chỉ chơi vì tình cảm, vì nể phục nhau. Sống với nhau rất tình nghĩa.

Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa? ảnh 5 HLV Nguyễn Tuấn Phong đang giữ vai thuyền trưởng chỉ đạo cho Nghĩa Tình - Kim Ngân

*Ở Nghĩa Tình - Kim Ngân còn có một nhân vật rất đặc biệt, đó là diễn viên hài Thanh Tân - Tân “trề”, đảm đương cương vị Trưởng đoàn của đội. “Bầu” Đạo có nói về người Trưởng đoàn đặc biệt này: “Tân khó khăn từ nhỏ, chơi rất thân với Long Giang và Ba ghiền, lại mê đá banh nên mấy anh em mới rủ bạn vào sinh hoạt luôn. Được cái Tân rất… hài, nói chuyện rất hợp với độ nhây tào lao của anh em trong đội nên chơi rất hòa đồng”.

Về phần mình, Tân “trề” cũng chia sẻ: “Về chơi với anh em hòa đồng và tình cảm như vậy, Tân cảm thấy rất vui. Vậy nên, dù bận có mấy, Tân cũng cố gắng sắp xếp lên sinh hoạt cùng an hem. Tân cảm nhận được tình cảm của tất cả mọi người trong đội, cảm được sự nhẹ nhàng ở đây, sau những ngày vất vả với nghiệp đi diễn và chạy show. Nghĩa Tình - Kim Ngân quả thật rất “rất đậm nghĩa tình”.

Danh hiệu nào vượt qua tình nghĩa, giá trị nào hơn ôn lại kỷ niệm xưa? ảnh 6 Tân "trề", vị Trưởng đoàn đặc biệt của Nghĩa Tình - Kim Ngân

Tin cùng chuyên mục