Nhìn nữ VĐV Ryabov Valeria – quốc tịch Nga - không ai nghĩ cô là một môn sinh của võ cổ truyền Việt Nam. Gương mặt thanh tú, vóc người nhỏ nhắn thế nhưng cô đã có hơn 10 năm học tập và đeo đuổi võ cổ truyền Việt Nam tại nơi mình sinh sống ở vùng ngoại ô Moscow (Nga)…
Đam mê bất tận võ cổ truyền
Valeria chỉ là một trong số đông những VĐV người nước ngoài đam mê để rồi theo tập võ cổ truyền Việt Nam và tới Hà Nội tham dự Đại hội quốc tế võ cổ truyền Việt Nam – Cúp Thăng Long lần thứ nhất năm 2015. Cái đặc biệt ở cô không phải là thành tích thi đấu vì khi chia sẻ, Valeria cũng bảo: “Lần đầu tôi đoạt HCV ở bài biểu diễn của mình là khi dự giải quốc tế võ cổ truyền Việt Nam năm 2014 tại TPHCM. Năm nay tôi cũng nỗ lực để có được kết quả cao nhất”.
Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện cùng cô và người cha của mình, võ sư Ryabov Valeriy thì gia đình họ có sự đam mê võ cổ truyền Việt Nam không thể dứt. Võ sư Valeriy là Trưởng đoàn Nga dự giải năm nay. Cái duyên đến với ông ở môn võ cổ truyền bắt đầu năm 1976 khi lần đầu được sự chỉ dạy của đại võ sư Lê Minh Hòa. Cứ thế, sự đam mê lớn dần để bây giờ ở tuổi 51 ông có nhiều môn sinh theo học tại Nga, nhưng đặc biệt hơn cả là truyền thụ được đam mê cùng võ thuật cho 2 người con của mình. Lần này, cả gia đình họ tới Hà Nội tranh tài và cũng để quảng bá võ cổ truyền mà đoàn VĐV Nga đã tập luyện ra sao.
Nữ VĐV Valeria và cha - cũng là HLV của cô tại giải. Ảnh: Minh Chiến
“Với tôi, cái khó nhất của võ cổ truyền Việt Nam là người tập phải thực hiện được động tác khéo léo, thần thái thanh thoát thì mới gọi là tốt. Nếu bạn hỏi vì sao tôi chọn môn võ này thì quả thật cũng rất tình cờ bởi vì ba tôi là HLV dạy tôi từ nhỏ nên bản thân được truyền đam mê lúc nào không biết”, Valeria chia sẻ.
Cuộc sống thường ngày của họ không hẳn chỉ duy nhất có võ cổ truyền. Thường ngày, võ sư Valeriy là một thầy giáo thể thao tại một trường đại học ở Moscow. Làm việc từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối và lại trong lĩnh vực thể thao nên ít nhiều vị Trưởng đoàn người Nga này có thêm thời gian tập võ cổ truyền hơn. Cô con gái Valeria không có được nhiều thời gian như vậy bởi công việc chính là một luật sư nên dịp cuối tuần mới là lúc nữ VĐV này tập luyện được nhiều nhất.
“Tôi có hơn 10 năm tập võ cổ truyền rồi. Không muốn dừng lại. Gia đình tôi có cha, em trai và tôi tập môn này. Mẹ là người làm hậu phương vững chắc cho cả nhà. Trong dự định lâu dài, có thể tôi cũng mở một CLB riêng để truyền thụ lại võ cổ truyền Việt Nam cho những ai muốn học nó”, cô cho biết.
Sức lan tỏa ngày càng lớn
Gia đình võ sư Ryabov Valeriy là một ví dụ cụ thể nhất cho thấy, võ cổ truyền Việt Nam được đón nhận rất nhiệt thành. Vị võ sư này cũng bảo, tại Nga hiện có nhiều người học võ cổ truyền Việt Nam và con số lên tới hàng ngàn. Năm nay, dự giải ở Hà Nội, đoàn VĐV Nga là đoàn quốc tế đông nhất với 28 thành viên.
Cùng quan điểm đó, phụ trách chuyên môn kỹ thuật môn phái Minh Long tại Pháp là võ sư Federic Marion tin rằng võ cổ truyền Việt Nam đang có sức ảnh hưởng lớn với nhiều môn sinh tại nước ngoài. “Hiện môn phái của chúng tôi có hơn 1.000 người tập tại Pháp. Toàn thế giới là trên 4.000 môn sinh. Con số chưa nhiều nhưng tập võ cổ truyền Việt Nam tạo được sức mạnh, sức khỏe bản thân nên ai cũng muốn theo tập”.
Nhìn chung, Đại hội quốc tế võ cổ truyền Việt Nam – Cúp Thăng Long lần thứ nhất tạo được ấn tượng tốt với giới đam mê võ thuật cả nước và bạn bè quốc tế. Chúng ta tổ chức không ít lần các giải đấu quốc tế võ cổ truyền tại Việt Nam, ở Hà Nội lần này cũng là một dịp như vậy. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng và hiệu quả tạo dấu ấn trên hết là Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam được thành lập nên người mê võ cổ truyền không phân biệt màu da, khoảng cách đã có một mái nhà chung để hội tụ.
Màn đấu luyện 1 đánh 4 của đội Hưng Yên. Ảnh: Quang Thắng
“Hiện phong trào võ cổ truyền tại Việt Nam phát triển rộng ở nhiều địa phương. Đông đảo người tập ở TPHCM, Bình Định, Khánh Hòa… Năm nay, dù nhiều đoàn quốc tế góp mặt không được đông đảo thành viên do đang rơi vào thời điểm mọi người vẫn phải đi làm, nhưng tất cả vẫn có đại diện tham dự để thành lập Liên đoàn Quốc tế. Đó là điều đáng mừng. Giải đấu ở Hà Nội với những nét mới như đưa vào thi đấu khí công, dưỡng sinh nhằm tạo tiền đề để nhân rộng các nội dung này. Tôi đánh giá năm nay có nhiều nét chấm phá đáng nhớ”, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam - đại võ sư Lê Kim Hòa chia sẻ.
MINH CHIẾN