Từ sân bóng đến tiệm mì
Nhắc đến Bảo Chúng (tên thật là Đỗ Bảo Trung), giới phủi - futsal không thể không nhớ đến những khoảnh khắc “nhảy múa” của đôi chân ma thuật, khiến sân đấu đảo điên. Tướng tá cao lớn, đậm - chắc, nhưng Bảo Chúng cực kỳ nhanh nhẹn và kỹ thuật, từ động tác đỡ bóng bước 1, vê bóng bằng gầm giày, cả những pha tì đè tưởng chừng rất “cồng kềnh”, nhưng sau đó xoay người khéo léo, dùng kỹ thuật loại bỏ đối thủ truy cản chỉ trong… 5 giây, những pha dứt điểm sấm sét; đến sự điềm tĩnh ở bên ngoài đường biên theo dõi trận đấu - thay người, rồi khả năng lược trận lợi hại khi trở thành “nhà cầm quân phủi có tiếng ở Sài Gòn”.
Bẵng đi một thời gian dài, bóng dáng Bảo Chúng không còn xuất hiện thường xuyên ở các sân đấu, cả trong sân - lẫn bên ngoài đường biên. Thay vào đó, là hình ảnh người đàn ông chăm chỉ, cặm cụi, ngày qua ngày bên xe mì phong cách người Hoa hẻm 499 đường Cách Mạng Tháng Tám (thuộc P13 - Q10 - TPHCM). Đó chính là một Bảo Chúng hoàn toàn mới mẻ, mạnh mẽ, quyết tâm và say mê, quyết khởi nghiệp một lần nữa với Tất Ký Mì Gia. Đó là một Bảo Chúng rất dễ thương mà khi tôi gọi điện hỏi thăm: “Dạo này anh còn ra sân không?”, anh cười thật hiền và trả lời: “Dạ không! Dạo này không dám đi đâu cả, chỉ thèm ngủ!”.
Quán mì người Hoa gia truyền 3 đời
Khi tôi hỏi: “Tại sao lại là quán mì theo phong cách người Hoa?”, Bảo Chúng trầm ngâm và kể lại về “kỳ ngộ” dẫn đến lần khởi nghiệp mới của anh: “Đây vốn là tiệm mì gia truyền từ lâu đời của bên ngoại tôi. Ông bà ngoại tôi mở tiệm mì này từ hồi năm 1959. Tên ban đầu chính là Huê Ký Mì Gia. Tiệm mì của nhà tôi bán ở hẻm này rất nổi tiếng trong khu Hòa Hưng, hồi xưa còn được gọi là “Mì cùi” vì là đầu hẻm có Nhà thương chữa trị các bệnh nhân bị bệnh cùi”.
“Sau này, do ông bà ngoại tuổi cao sức yếu nên truyền nghề lại cho cậu ruột. Cậu tôi đã tiếp quản lại cơ ngơi và đứng xe mì ở hẻm này cũng rất lâu. Sau đó, cậu tôi đi nước ngoài, truyền nghề lại cho chị ruột, chị ruột tôi cũng bán mì ở đây xấp xỉ 30 năm. Rồi giờ đây, chị ruột lại truyền nghề cho tôi. Có thể nói, tiệm mì của nhà tôi là gia truyền ba đời. Ông bà ngoại là đời thứ nhất, cậu là đời thứ hai, và chị em tôi - tính chung là đời thứ ba”, Bảo Chúng kể về gốc gác “thứ dữ” của tiệm mì gia truyền bên ngoại của anh, nay trở thành cơ sở khởi nghiệp mới của chính bản thân anh.
“Ban đầu khi tôi định lấy lại tên Huê Ký Mì Gia từ đời ông bà ngoại, nhưng do đã có cơ sở mua thương hiệu này rồi, không thể dùng lại tên Huế Ký vì liên quan đến bản quyền, cả hoạt động bán hàng online trên mạng, bán mang về. Sau khi trao đổi với mẹ tôi và mấy dì ruột đang định cư ở bên Mỹ , tôi mới quyết định lấy thương hiệu Tất Ký Mì Gia, Tất là họ của ông ngoại tôi. Còn hiện tại, cậu ở bên Mỹ cũng đang kinh doanh nghề mì gia truyền này rất tốt. Cậu tôi ở tiểu bang Seatle đang mở 3 tiệm Huê Ký Mì Gia rất thành công, tuổi đời cũng đã 10 năm”, Bảo Chúng nói về “thương hiệu” Tất Ký Mì Gia của mình.
Đi đâu cũng quay về với truyền thống gia đình
Thời còn “chọc trời khuấy nước” trong làng phủi - futsal Sài Gòn, Bảo Chúng được rất nhiều, nhưng anh cũng đánh mất rất nhiều. Vinh quang, tên tuổi khiến anh là trung tâm chú ý. Rất nhiều ông bầu, các nhà đầu tư muốn hợp tác làm ăn với anh. Bảo Chúng, vì thế kinh qua rất nhiều công việc kinh doanh như mở nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê. Tuy vậy, với Bảo Chúng, tất cả đều chỉ là “thất bại”. Nhà hàng, quán nhậu thua lỗ, sức khỏe anh thậm chí xuống dốc vì phải tiếp khách quá nhiều.
“Sau đợt Covid, kinh tế ngày một đi xuống. Quán cà phê Zola tôi mở ra cũng không thể trụ nổi vì gánh nặng chi phí cho mặt bằng hàng tháng, hàng ngày. Do đã giải nghệ, tôi gặp khó khăn về thu nhập mà còn phải nuôi hai nhóc con trong nhà. Cuộc sống khá bấp bênh. Tôi ngồi nói chuyện với chị ruột của mình, hai chị em bàn bạc, cuối cùng nhận ra không gì hay hơn bằng việc quay trở về với nghề bán tiệm mì gia truyền. Thứ nhất, công thức nước lèo, sốt trộn khô… đã có sẵn. Thứ hai, đây là nhà của ông bà ngoại, không lo chuyện chi phí mặt bằng. Thứ ba, quan trọng nhất, đây là cách để giữ lại tryền thống gia đình”.
“Tôi gọi điện sang bên ngoại, gia đình tôi hiện đang định cư ở Mỹ và Canada. Mọi người đều đồng ý quyết định khởi nghiệp lại của tôi với nghề mì gia truyền. Họ hàng động viên tôi cố gắng làm ăn, nhưng phải gìn giữ hương vị và chất lượng truyền thống. Tất cả đều tin rằng nếu mở lại quán mì, thì khả năng thành công của tôi cao hơn rất nhiều so với việc tiếp tục phiêu lưu theo các công việc kinh doanh mà mình hoặc vẫn còn chưa tỏ tưởng, hoặc đã quá ngán ngẩm”, Bảo Chúng chia sẻ.
Một ngày bình thường “mới” của Bảo Chúng
Ngày xưa, một ngày bình thường của anh chỉ quanh quẩn với niềm đam mê, với quả bóng tròn, với sân đấu, với cả sa bàn chiến thuật, và đôi khi là với chiếc tivi và màu áo xanh Chelsea (vì Bảo Chúng là một Fan Chelsea đời đầu, đặc biệt yêu thích Gianfranco Zola ma thuật). Giờ đây, ngày bình thường “mới” của anh không hề liên quan chút gì đến trò chơi bóng đá, đến niềm đam mê của thủa nào…
Mọi thứ đã đi vào khuôn khổ được 4 tháng: Khoảng 5 giờ thức dậy canh thau xương, thịt, thịt bằm, xá xíu, để ra sản phẩm chín; 7 giờ sáng bắt đầu đứng nấu trực tiếp tại quầy vì khách đã lục tục kéo đến ăn; bán giấc sáng đến 11 giờ trưa mới tạm nghỉ (có khi khách đến trễ, phải 11 giờ 30 mới dọn hàng); nghỉ trưa đến 15 giờ; sau khi thức dậy bắt đầu với các công đoạn cắt xá xíu, gói hoành thánh; 16 giờ mở bán giấc chiều, làm việc túi bụi; bán đến 23 giờ, thậm chí 0 giờ sáng, dọn hàng xong xuôi lên đến phòng là khoảng 1 giờ 30 - 2 giờ, xong một ngày lao động và chuẩn bị đi ngủ, chờ một ngày mới bắt đầu.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA GIA ĐÌNH Khi còn tung hoành trên sân 5 người, trong làng phủi, Bảo Chúng nổi tiếng với nhiều biệt danh đình đám, nhận được sự nể trọng từ đồng đội, các anh em, không chỉ vì kỹ năng chơi bóng mà còn là cách sống mã thượng, quân tử. Từ “Quỷ đầu đàn” đến “Hot-boy xăm trổ”, từ “Đại ca của các người em” đến “Ông anh mãi mãi”. Nhưng giờ đây, khi nhắc về anh, không còn từ ngữ nào có thể vượt qua miêu tả “Người đàn ông của gia đình”. Cũng như Tyson Fury vừa kiên quyết giải nghệ, vì “không có tiền bạc nào có thể bù đắp được cho quãng thời gian đã mất của tôi bên gia đình, khi nào tôi mới có thời gian làm cha, làm chồng đây?”, Bảo Chúng giờ đây là một người chồng, một người cha đích thực, hàng ngày dậy sớm bán mì chăm lo tương lai gia đình nhỏ của mình, còn hạnh phúc nào, vinh quang nào, giá trị nào vượt hơn điều này? Người đàn ông của gia đình |
Bán quán ăn cực khổ lắm ai ơi
Bảo Chúng tâm sự: “Nghề kinh doanh ăn uống rất là cực và vất vả, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, vì phải xử lý những công việc vụn vặt liên tục mất thời gian. Nhưng giờ đây, nó là nghề kiếm ăn và nuôi sống gia đình. Có cực đến bao nhiêu cũng phải cố gắng, vì gia đình nhỏ, vì vợ và hai nhóc con dễ cưng. Trước đây, khi theo đuổi bóng đá, tôi đơn thuẩn chỉ theo đổi đam mê của mình. Chỉ cần chơi bóng thỏa đam mê, với một thằng đàn ông độc thân, nhiêu đó là quá đủ. Nhưng giờ đây, khi đã có gia đình, khi đã khởi nghiệp mới tôi biết rằng, nếu tiếp tục duy trì song song việc bán quán mì và thỏa đam mê đá bóng là không thể”.
“Nhờ sự hỗ trợ hết lòng của chị ruột, tôi cũng yên tâm sắp xếp công việc. Nhưng khó khăn là rất nhiều, chủ yếu về mặt nhân sự. Làm sao để các anh em hỗ trợ làm việc chỉn chu từ mỗi khâu là không dễ. Hiện tại, các anh em hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở mức là “biết việc”, chứ chưa thật sự “hay, giỏi”. Tất nhiên, do quán mới chỉ chạy được 4 tháng, mọi thứ đều cần thời gian để lắp ghép và đi vào hoạt động trơn tru. Một đội bóng đá cũng giống vậy, tiệm mì cũng như vậy”, Bảo Chúng cho biết.
Hướng đi tương lai
“Trước mắt, tôi sẽ cố gắng giữ vững uy tín - hương vị - khách quen với tiệm mì khởi nghiệp mới của mình. Nếu mọi việc suôn sẻ, khoảng 1-2 năm sau, tôi sẽ tìm đối tác nhượng quyền thương hiệu. Nhượng quyền thương hiệu ở đây sẽ là không bán công thức nấu, tôi sẽ cung cấp nước lèo, xá xíu và hoành thánh cho các cửa hàng nhượng quyền để người làm ra sản phẩm. Nhưng nói đến chuyện này vẫn còn quá sớm. Hiện tôi đang đào tạo một “đệ tử” chuyên về gõ mì. Do ngành nghề đặc thù của mì gia không hề giống với hủ tíu nam vang hay phở, khâu đào tạo người gõ mì là rất khó, vậy nên việc mở thêm chi nhánh là không quá khả thi, phương án nhượng quyền vẫn là hay hơn”, Bảo Chúng cho biết.
Bảo Chúng đã từng là một thương hiệu trên sân futsal, trên sân phủi. Hy vọng trong thời gian sắp tới, Tất Ký Mì Gia của anh sẽ trở thành một thương hiệu, một nét văn hóa - ẩm thực đặc sắc mới mà cũ khác của đất Sài Gòn
TỪNG BÀN ĐƯỢC 700 TÔ MÌ TRONG MỘT NGÀY Trên Facebook của Bảo Chúng, anh thường xuyên đăng tải hình ảnh các anh em đội bóng, các ông bầu… ghé quán ủng hộ và kiên nhẫn ngồi chờ từng tô mì thơm phức, khói bốc nghi ngút bất kể bao lâu. Chia sẻ về điều này, ông chủ của Tất Ký Mì Gia cho biết: “Anh em thương tôi, đến ủng hộ tôi rất nhiều. Nhiều khi khách đông, làm không xuể, họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng buôn bán không chỉ nhờ khách quen, mà còn phải đánh cả vào khách lạ”. “Hiện tại, quán của tôi đã có lượng khách lạ rất ổn định, đến một thời gian thì trở thành khách quen và những khách hàng này quay trở lại quán vì hương vị, vì sự thơm ngon của từng tô mì chứ không vì quen biết gì cả. Thế nên, tôi đang bán khá tốt. Một ngày trung bình 300-400 tô mì. Chỉ riêng buổi sáng là hơn 100 tô. Cá biệt, có hôm tôi bán được 700 tô mì, đến giờ nó vẫn là kỷ lục”. Mâm mì của Tất Ký Mì Gia |