Áp dụng công nghệ vào huấn luyện
Theo Tiến sĩ Aimée Mears, giảng viên tại Viện Công nghệ Thể thao của Đại học Loughborough cho biết: “Công nghệ thể thao là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị của VĐV Olympic. Hầu hết các quốc gia và cơ quan quản lý thể thao sẽ có những quy định về công nghệ thể thao và đưa vào hỗ trợ cho các VĐV Olympic”.
Trong một số kỳ Thế vận hội trước đây đã xuất hiện sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như: thiết bị cảm biến theo dõi số lần đột quỵ của VĐV bơi lội đến kính thực tế tăng cường có thể hiển thị nhịp tim của VĐV xe đạp. Ngoài ra, một số đội tuyển còn nghiên cứu về cơ sinh học và phân tích dữ liệu để định lượng và kiểm tra kỹ thuật của VĐV dưới sự giám sát từ huấn luyện viên (HLV).
Chẳng hạn như trong bơi-lặn, các dụng cụ hỗ trợ và máy quay video tốc độ cao được sử dụng để đo lực và chuyển động của VĐV trong quá trình khởi động. Đối với VĐV lặn chuyên nghiệp người Ireland Oliver Dingley, anh thường dành phần lớn thời gian thực hành các động tác lộn nhào trên tấm bạt lò xo để đảm bảo kỹ thuật chuyên môn trong các màn so tài ở Olympic. Ngoài ra, khi tập luyện trong hồ bơi, VĐV này còn được một hệ thống phân tích video hỗ trợ điều chỉnh động tác.
Vậy trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, những công nghệ nào sẽ được các đội tuyển áp dụng trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020? Theo ông John Barden, Giáo sư cơ sinh học tại Đại học Regina ở Canada chia sẻ, các thiết bị đeo thông minh chính là một trong những công cụ hỗ trợ VĐV phổ biến nhất gần đây. “Công nghệ trên thiết bị đeo đặc biệt hữu ích trong bối cảnh đại dịch. Một trong những lợi ích nổi bật là khả năng thu thập và cung cấp thông tin trước đây chưa có. Ví dụ, điện trở cảm ứng lực được lắp trong giày, ủng trượt tuyết hoặc bàn đạp xe đạp có thể cung cấp một luồng dữ liệu liên tục cho toàn bộ buổi tập”, vị Giáo sư cho hay.
Nằm trong số các đội sử dụng công nghệ thiết bị đeo chính là đội bóng chuyền nữ Kenya. Thiết bị định vị GPS của họ cung cấp dữ liệu về sức mạnh, nhịp tim và các chỉ số quan trọng khác của mỗi VĐV cho HLV nhằm ngăn ngừa chấn thương và điều chỉnh chế độ tập luyện cho từng tuyển thủ. Thông tin từ trang Nikkei Asian Review, công ty công nghệ thể thao Đan Mạch TrackMan đang sử dụng thiết bị đeo công nghệ radar để giúp đội bóng chày Nhật Bản phân tích từng cú phát bóng nhằm đánh giá hoạt động của các cầu thủ.
Tại Tokyo, tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc và nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã hợp tác để vận hành một hệ thống theo dõi 3D, cho phép các HLV theo dõi từng phút chuyển động của các VĐV Olympic. Hệ thống này dựa vào trí thông minh nhân tạo (AI) để hiểu nguyên lý cơ sinh học trong chuyển động của các VĐV, được camera ghi lại và ước tính vị trí của các khớp chính trên cơ thể họ. Với hệ thống này, HLV có thể điều chỉnh phương pháp huấn luyện phù hơp dựa trên thông tin thời gian thực.
Ngoài việc áp dụng công nghệ nâng cao hiệu suất huấn luyện, ngay cả đến trang phục của các VĐV cũng được tích hợp những công nghệ tiên tiến. Các thương hiệu thể thao lần lượt giới thiệu các trang phục và thiết bị mới, tích hợp những cải tiến công nghệ mới nhất để giúp nâng cao hiệu suất của các VĐV. Nhãn hiệu Anta Sports đến từ Trung Quốc đã sản xuất giày in 3D cho đội tuyển quyền Anh với tuyên bố rằng chúng vừa vặn và mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho đôi chân của VĐV. Hãng thời trang Leotards cũng đưa ra các mẫu thiết kế 3D phù hợp với hình thể của các tuyển thủ thể dục dụng cụ Trung Quốc. Ngay trước thềm Thế vận hội, nhãn hiệu Speedo đã giới thiệu 2 mẫu đồ bơi “đậm chất công nghệ” trong dòng sản phẩm Fastskin được lấy cảm hứng từ da cá mập để giảm lực cản của người bơi trong nước.
Cuộc đua bất bình đẳng
Sự ra đời của các công nghệ hỗ trợ mới cũng kéo theo những tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng công nghệ đôi khi giống như “chất kích thích” vì nâng cao hiệu suất một cách đáng kể khi sử dụng. Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng công nghệ thể thao tiên tiến đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các đội được đầu tư tốt và các đội ở những quốc gia đang phát triển.
Tiến sĩ Bryce Dyer, Phó trưởng khoa thiết kế và kỹ thuật tại Đại học Bournemouth của Anh cho hay, tiến bộ công nghệ có thể làm giảm tỷ lệ tham gia của VĐV. Do hạn chế về chi phí, họ không thể tiếp cận các công nghệ trong tập luyện hay những trang phục hiện đại như đồ bơi của Speedo hay giày Nike Vaporfly.
Vào tháng 7 năm ngoái, Liên đoàn điền kinh quốc tế (World Athletics) đã thông báo cấm phiên bản nguyên mẫu của giày Vaporfly của Nike tại Olympic Tokyo. Phiên bản này có chứa ba tấm sợi carbon được nhúng trong bọt siêu nén, giúp tăng lượng lực mà người chạy tác dụng vào để đẩy họ lao về phía trước. Các quy định mới chỉ cho phép giày thi đấu không có gai đinh chỉ được có một hoặc không có tấm, lưỡi cứng bằng sợi carbon. Tổ chức này cho biết thông báo được đưa ra nhằm mang lại sự công bằng cho việc huấn luyện và thi đấu của VĐV.