Thông tin đội bóng chuyền Quân đoàn 4 sẽ được Công ty Becamex tiếp nhận sau khi đứng trước nguy cơ giải thể khiến giới bóng chuyền nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung vừa mừng và cũng vừa lo.
Mừng thì đương nhiên bởi với sự chuyển giao này, một CLB có nhiều truyền thống sẽ được giữ lại, nhưng lo thì nhiều hơn. Thứ nhất, có bề dày truyền thống như Quân đoàn 4 mà còn khó khăn trong việc duy trì cho dù kinh phí dành cho một đội bóng chuyền không quá lớn. Thứ hai, đến khi suýt phải giải thể thì mới được “cứu” thì chắc chắn không phải là kết quả của một quá trình chuẩn bị mang tính dài hạn, giải pháp này có phần may mắn, trong đó phải kể đến chiến lược đầu tư cho các CLB thể thao chuyên nghiệp của Becamex gần đây.
Câu chuyện về Quân đoàn 4 khiến giới bóng chuyền lo lắng cho tương lai của các CLB hiện vẫn đang sống bằng ngân sách địa phương vốn chiếm đến phân nửa làng bóng chuyền đỉnh cao hiện nay. Nhìn rộng ra, một môn thể thao có tính phổ biến cao, chi phí đầu tư thấp, rất thuận lợi trong việc phát triển tại Việt Nam như bóng chuyền mà còn chật vật trong việc chuyển đổi sang chuyên nghiệp, cho thấy “chiếc áo bao cấp” vẫn còn khá nặng nề với thể thao Việt Nam nói chung.
Một trong những trở ngại lớn của thể thao Việt Nam khi cởi chiếc áo bao cấp đó là tư duy. Nhiều người cứ nghĩ, chỉ cần bầu một doanh nhân vào chức danh chủ tịch thì sẽ đưa môn thể thao của mình thành chuyên nghiệp. Trên thực tế, môn bóng chuyền từ 20 năm trước đã áp dụng mô hình này nhưng chính các doanh nhân thành đạt cũng nhanh chóng xin rút lui sau 1-2 năm làm việc vì không thể thay đổi cơ chế vận hành, do bộ máy của liên đoàn vẫn “tràn ngập” các cán bộ được “biên chế” sang. Kế đến, bộ máy quản lý có thay đổi nhưng nếu các CLB vẫn đứng yên đợi nguồn ngân sách nhà nước thì cũng sẽ dẫn đến trì trệ. Mỗi CLB bóng chuyền tại Việt Nam chỉ cần kinh phí chừng 6 tỷ đồng/năm là “sống” được, nhưng chẳng hiểu sao số đội bóng chuyền giao cho doanh nghiệp rất ít ỏi.
Rõ ràng, chính những người trong cuộc không muốn chuyển đổi, không chủ động tìm đến các doanh nghiệp để hợp tác chuyển giao. Câu chuyện của Maseco TPHCM là một điển hình khiến bóng chuyền thành phố phải mất đến 17 năm mới trở lại với chức vô địch quốc gia, trong khi tại Khánh Hòa, địa phương không mạnh về bóng chuyền nhưng chỉ cần đầu tư vài năm là Sanest Khánh Hòa đã có chức vô địch.
Nhìn từ quá trình chuyên nghiệp của môn bóng đá có thể thấy ngay cả việc chuyển giao cho doanh nghiệp thì tính chuyên nghiệp vẫn chưa chắc được phát triển nhanh hơn, thành tích cũng không dễ dàng có được. Tuy nhiên, chuyên nghiệp hóa là hướng đi tất yếu, duy nhất nếu muốn phát triển thể thao đỉnh cao. Việc Becamex tài trợ cho đội bóng chuyền Quân đoàn 4 xuất phát từ những thành công của bóng đá, quần vợt, cầu lông hay xe đạp mà công ty này đã đầu tư hơn 10 năm qua, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp cũng như thành tích của thể thao nước nhà. Tuy nhiên, số lượng những nhà đầu tư tầm cỡ như Becamex không nhiều, việc tham gia tài trợ cho thể thao đỉnh cao tại Việt Nam tương đối ngắn hạn, hướng đến các lợi ích trước mắt. Điều này không xuất phát từ các doanh nghiệp mà nằm ở sự thụ động của các nhà quản lý, cứ đợi “nước đến chân mới nhảy”. Tiêu biểu như câu chuyện về đội bóng đá Cà Mau khi từ hạng nhì thăng lên hạng nhất gặp khó khăn về kinh phí, thay vì tìm hướng giải quyết đã vội vàng xin không thi đấu. May mắn là giờ chót, với mô hình công ty cổ phần bóng đá, mới thu hút được các doanh nghiệp trên địa bàn và giữ lại được đội bóng để tham gia giải hạng nhất.
ĐĂNG LINH