Tiền nong và đồ tài trợ luôn là vấn đề được dân thể thao liệt vào dạng “tế nhị”. Thế nên, trong nhiều trường hợp bị chậm tiền hay sản phẩm nhận về không như mong muốn thì chẳng ai muốn nói ra, bởi xét cho cùng, tất cả đều tin rằng sự tự thân vận động vẫn là tốt nhất…
1. Một trong những trường hợp SGGP Thể Thao đề cập tới là 1 tuyển thủ điền kinh gạo cội vừa lên tiếng rằng tại Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2014 (tổ chức tại Indonesia), tuyển thủ này đã ký rất nhiều giấy tờ và trong đó có ký nhận một đôi giày nhưng sản phẩm không tới tay. Sự bức xúc của tuyển thủ chỉ được mọi người biết tới sau khi có tiếng nói trên trang facebook cá nhân từ tuyển thủ này.
Xin mượn một trong những dòng trên trang cá nhân của tuyển thủ này để nói về tâm trạng đó: “Sự thể là chiều nay chạy phải ký rất nhiều giấy tờ. Tuy nhiên khi ký xong rồi nhìn lại mới thấy ký nhận một đôi giày thi đấu nữa nhưng cháu lại chẳng nhận được đôi giày nào. Tính cháu lại hơi khác các bạn có lẽ vì cháu già hơn nên cẩn thận, cháu hỏi cô đưa giấy ký là tại sao ký mà không được phát giày… Cô ấy nói sẽ hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi sinh viên mua giày. Cháu thấy vậy nên nói luôn rằng vậy thì thôi ạ, vì đã nghèo rồi thì nghèo luôn chứ 500.000 đồng không giải quyết được gì cả…”. Theo tìm hiểu, cũng đã có tiếng nói rằng việc tuyển thủ trên nói về tình trạng như vậy là sự nhầm lẫn nên không nên quá rầm rộ trên báo giới.
Điền kinh đã bắt đầu có lùm xùm ở chuyện tiền.
Năm nay, Đại hội TDTT toàn quốc có sự thăng tiến đáng kể của đơn vị An Giang. Hoàn toàn không có chuyện An Giang là chủ nhà của Đại hội TDTT lần 8 sau đây 4 năm nên được ưu ái thành tích huy chương. Thế nhưng, đã có chuyện “tế nhị” mà thể thao An Giang chẳng tiết lộ ra ngoài, đó là theo quy định của đơn vị này thì cứ VĐV nào đoạt HCV sẽ được thưởng nóng 5 triệu đồng. Thế nhưng, do đoàn đạt được 20 HCV nên khoản thưởng nóng đã gặp “khó khăn” phải hẹn VĐV khi về tới địa phương sẽ chi trả đầy đủ chứ không thể trao ngay tại Nam Định.
2. Cũng là chuyện tài chính, câu chuyện với xe đạp TPHCM đang là vấn đề khó khăn thật sự. Sau nhiều năm có nhà tài trợ, giờ đội xe đạp nam TPHCM đã không còn các nhà tài trợ. Nuôi một đội hình xe đạp với hơn 10 cua-rơ đòi hỏi kinh phí không nhỏ. Vì thế, chỉ dựa vào tiền trực tiếp từ sở VH-TT-DL của địa phương hoàn toàn không đủ.
Chính sự khó khăn tài chính khiến những cua-rơ hàng đầu của đội này cũng chỉ được nhận khoảng 7 tới 8 triệu đồng/tháng. Xe đạp có một đặc thù riêng trong tập luyện, thi đấu và thức ăn dinh dưỡng nên 7 hay 8 triệu là không đủ. Tất cả những người gắn bó với xe đạp TPHCM tới lúc này hoàn toàn làm việc vì sự đam mê và nhiệt huyết đưa xe đạp thành phố tiếp tục hùng mạnh trên các giải đấu.
Nhân nói về chuyện “tế nhị”, đặc biệt tại môn xe đạp, không riêng TPHCM, cũng có nhiều đội đua gặp vất vả ở việc kiếm tài trợ. Các cụ xưa đã có câu “Có thực mới vực được đạo”. Câu ấy vẫn luôn đúng tới thời điểm này. Xét trên thực tế, mỗi HLV, VĐV dù thật sự đam mê với môn thể thao mình đeo đuổi thì xét cho cùng cũng phải lo được cho gia đình. Một vài HLV của xe đạp TPHCM đang chờ tới đây sẽ có nhà tài trợ mới cho đội xe đạp. Nếu có được thì đó là tín hiệu tích cực mà ai cũng chờ đợi.
NGUYỄN ĐÌNH