Nếu Wenger xem Van Persie như một kẻ phản bội thì cũng hữu lý thôi. Ông đã nâng niu, chở che, vun đắp cho anh đến thế kia mà. Nếu giới mộ điệu Arsenal hùa theo Wenger để lên án Van Persie (đã có nhiều người như thế rồi) thì cũng đúng, bởi Arsenal đã mang lại cho Van Persie gần như tất cả.
Nhưng nếu Van Persie cần phải ra đi thì cũng hữu lý nốt. Để cảm nhận hướng đi của một CLB thì không ai cảm nhận rõ bằng cầu thủ. Như Clichy, như Fabregas, như Nasri, Van Persie đã cảm nhận rằng Arsenal không còn là đất diễn của anh nữa.
Phản bội! Như báo Independent (Anh) đã viết, đó sẽ là cảm giác nặng nề nhất của HLV Arsene Wenger mỗi khi ông nhớ về mùa hè 2012. Một mùa hè mà đội tuyển Tây Ban Nha đã “phản bội” triết lý thi đấu của chính họ. Một mùa hè mà tiền đạo đội trưởng Van Persie quyết định quay lưng với Arsenal - anh tuyên bố không ký hợp đồng mới.
Thế là 8 năm dạy dỗ, vun đắp, chở che, xây dựng cả một đội hình chung quanh Van Persie đã bị anh ta thổi bay bởi một thông cáo chỉ dài đúng 326 chữ. Vấn đề ở đây không phải là những nguyên do Van Persie đưa ra đúng hay sai. Vấn đề ở đây là những lý do đó đã đặt Van Persie vào thế đối nghịch với Wenger, với những phương sách ông đang áp dụng. “Tôi đã họp với HLV Wenger và Giám đốc điều hành Gazidis… Chỉ có thể nói thế này: Thật không may là cuộc họp đó một lần nữa cho thấy có nhiều bất đồng về phương hướng sắp tới của Arsenal”.
Như báo chí Anh đã đưa tin, thông cáo đó đã làm HLV Wenger nổi giận đùng đùng.
o0o
Tuy nhiên, hãy nghiệm lại xem, nếu quả là Van Persie “phản bội” thì anh đã phản bội ai nhiều hơn? Khi đưa ra tuyên bố không triển hạn hợp đồng trên trang web của mình, anh vẫn gọi Wenger là “ông chủ”. Ngược lại, khi đề cập Giám đốc điều hành Ivan Gazidis thì Van Persie nhắc khéo rằng ông ta còn đang đi nghỉ hè, đang đi chơi chứ chẳng công cán cái quái gì vào lúc này. Như vậy, ông thầy nào vẫn còn được Van Persie tôn kính và ông… quan nào bắt đầu bị anh coi không ra gì, điều này đã thật rạch ròi.
Đó là do chính cái “phương hướng sắp tới” mà Van Persie đã nói. Ở tuyệt đại đa số các CLB nhà nghề, phương hướng hoạt động nằm trong quyết sách của Ban giám đốc chứ không phải trong bộ óc chuyên môn của HLV trưởng. Và quyết sách của những ông Gazadis đã mang lại điều gì? Từ chỗ luôn cạnh tranh tóe lửa với Man.United, Arsenal đã rớt xuống đến mức chỉ về hạng 4 cũng đã xem là thắng lợi. Từ chỗ là một trong những đội hình đáng gờm nhất, Arsenal bây giờ cứ mỗi năm lại chứng kiến ít nhất một cuộc ra đi “lịch sử” của một vị trí cốt cán không thể thay thế.
Họ không còn khả năng tranh chấp chức vô địch với Man.United, Man.City. Ngay cả ý muốn tranh chấp cũng không có. Và khi người hâm mộ cũng như các cổ đông bức xúc lên về chuyện thành tích thì các vị quan chức như Gazidis thế nào cũng lấy doanh số ra mà nói chuyện.
o0o
Đối với những tiền đạo có tầm và có tham vọng, một Arsenal như thế sẽ không còn là đất diễn nữa. Nhất là khi Van Persie cũng khá lớn tuổi rồi. Sang tháng 8, anh sẽ tròn 29. Anh không còn bao nhiêu năm để tìm tới một tấm huy chương, một chiếc cúp vô địch làm kỷ vật cho một đời cầu thủ. Anh không khỏi tiếc rẻ khi nhìn lại những Clichy, Fabregas, Nasri và cả Balotelli.
Thật vậy, chỉ cần rời Arsenal là Fabregas có ngay 3 danh hiệu vô địch với Barca. Chỉ cần sang Man.City là Clichy-Nasri tức khắc trở thành nhà vô địch Premier League. Tuy nhiên, đáng so nhất ở đây - theo báo Independent - vẫn là so với Balotelli vì cả 2 cùng là tiền đạo. Trong 2 mùa gần nhất, Van Persie ghi được 48 bàn qua 63 trận Premier League, Balotelli chỉ 19 bàn/40 trận. Vậy nhưng, Balotelli chỉ cần một mùa đầu tiên ở Man.City là đã có ngay thành tích ngang bằng cả sự nghiệp Arsenal của Van Persie (Cúp FA). Sang mùa thứ nhì, Balotelli vô địch thêm Premier League.
Đó là danh hiệu Van Persie chưa có và mãi mãi sẽ không có nếu anh cứ ở lại Arsenal. Đây chính là tinh thần chủ đạo trong bản tuyên bố không triển hạn hợp đồng mà Van Persie đã đưa ra. Và tất nhiên, đây cũng chính là thứ đã làm cho ban lãnh đạo CLB tự ái nhất.
Hưng Nguyên
| |