Ở thời điểm hiện tại, ông Haggerty đang giám sát hoạt động cải tổ “đầy kịch tính” giải đấu đồng đội nam số 1 thế giới – Davis Cup, vốn đã được dán nhãn và có bản quyền như là “World Cup trong quần vợt". Đó là Davis Cup phiên bản mới với Vòng chung kết được tổ chức gói gọn trong vòng 1 tuần lễ ở 1 địa điểm duy nhất – thành phố Madrid ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Davis Cup phiên bản mới, với 12 đội tuyển – trong đó có 6 ĐTQG đã được xác định bao gồm Croatia (Đương kim vô địch), Pháp (Đương kim Á quân), Tây Ban Nha (chủ nhà), Mỹ (tốp 4 của Davis Cup 2018), Argentina và Anh quốc (hưởng suất wild-card), cùng với 6 ĐTQG khác sẽ được xác định thông qua Vòng đấu loại diễn ra vào tháng 2 năm sau – đã không nhận được sự hoan nghênh trên toàn cầu.
Nhiều người cho rằng, Davis Cup phiên bản mới chạy theo giá trị của đồng tiền, phá hư những truyền thống bao đời nay của quần vợt, trong khi đó, chính bản thân của Chủ tịch Haggerty cũng đã bị khán giả Pháp la ó và huýt sáo chế giễu khi ông này xuất hiện trong trận chung kết Davis Cup 2018 tại Lille.
Đối với nhiều tay vợt và nhiều HLV, Davis Cup phiên bản mới thậm chí còn khiến cho họ cảm thấy tức giận. Gần đây, HLV của tay vợt số 1 Anh quốc Kyle Edmund – ông Fredrik Rosengren – có tiết lộ, “Đương kim Nhà vua ATP” Djokovic đang kêu gọi các tay vợt đồng nghiệp nên đối đầu với hiện trạng phải thi đấu ở Davis Cup mới có thể đủ điều kiện tham gia Olympic, với kỳ Thế vận hội kế tiếp diễn ra ở Tokyo vào 2 năm sau.
Có thông tin cho rằng, ngoài Djokovic, một số ngôi sao quần vợt khác, như là đồng hương của Federer, tay vợt từng 3 lần giành danh hiệu Grand Slam là Stan Wawrinka, cùng một số người khác, đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư đề nghị thay đổi luật lệ về điều kiện tham gia Olympic nhưng theo như Chủ tịch Haggerty, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một tài liệu hay đơn thư nào được chuyển đến với Trụ sở của ITF.
“Chúng tôi chưa thấy một lá thư nào. Chúng tôi chẳng nhận được một đơn thư nào cả”, Chủ tịch Haggerty cho biết trước một nhóm phóng viên ở London hôm thứ Tư rồi, “Chúng tôi có nghe về lá thư đó, nhưng chúng tôi vẫn chua thấy một lá thư nào cả. Tôi có thể nói chính xác trong cuộc gặp gỡ ở London với các bên có liên quan và một số tay vợt ở đó rằng, chúng tôi luôn mở cửa sẵn sàng đối thoại về những khúc mắc trong tiêu chuẩn tham dự Olympic”.
“Về vấn đề Olympic Tokyo, chúng tôi đã định sẵn tiêu chuẩn tham dự, nhưng chúng tôi biết là, với sự thay đổi thể thức của Davis Cup, sẽ có một số trường hợp khác và sự kháng nghị. Chúng tôi có một Ủy ban để xem xét chuyện này và cũng đã sẵn sàng cho chuyện này. Chúng tôi cũng sẽ xem xét tiêu chuẩn để tham dự kỳ Olympic tiếp sau nữa, Olympic 2024”, Chủ tịch Haggerty giải thích.
Việc kiểm soát tiêu chuẩn tham dự Olympic của ITF được cho là then chốt đối với sự tồn tại của Davis Cup trong suốt một thời gian dài vừa qua. Nhưng ngôi sao sáng nhất của quần vợt, Federer, hầu như sẽ vượt qua bất cứ yêu cầu nào để có mặt ở Nhật Bản, bất chấp việc anh ấy có thi đấu ở VCK Davis Cup tại Madrid vào tháng 11 năm sau hay là không. Cái này kiểu như là… “suất wild-card của wild-card”.
Khi được hỏi rằng, liệu có chịu áp lực từ Ủy ban Olympic (IOC) quanh việc chấp nhận Federer “nghiễm nhiên” tham dự Olympic Tokyo hay là không, Chủ tịch Haggerty trả lời: “Không. Chắc chắn, chúng tôi luôn muốn càng nhiều tay vợt hàng đầu thi đấu càng tốt. Roger có cơ hội thi đấu ở Davis Cup 2019 và 2020, và Ủy ban cũng sẵn sàng ở đó để giải quyết các trường hợp ngoại lệ vì nhiều lý do. Mọi thứ đều có trong quy định”.
“Tôi hy vọng sẽ được thấy Roger ở Davis Cup, và rất muốn thấy anh ấy ở Olympic”, Chủ tịch Haggerty kết luận.