Đại hội liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 6 (2015-2019)
Qua 2 ngày tổ chức, Đại hội của VFV nhiệm kỳ 6 đã khép lại sau ngày làm việc 6-12 và những chức danh quản lý quan trọng đã ra mắt. Người cũ không còn để thay thế bằng người mới nhưng tất cả chờ đợi những con người mới phải tạo được sự đột phá hơn với môn thể thao đang được sự quan tâm số 2 tại Việt Nam.
21 người lèo lái con thuyền
Khép lại các phiên làm việc, VFV nhiệm kỳ 6 đã bầu ra ban chấp hành mới gồm 21 thành viên. So với nhiệm kỳ 5, ban chấp hành mới chỉ còn những thành viên từ khóa trước như ông Lê Văn Thành, Trần Đức Phấn, Nguyễn Thanh An, Vũ Quang Huy, Nguyễn Thành Lâm, Phạm Ngọc Sơn, Trần Quang Thường và bà Nguyễn Thúy Oanh. Đại hội đã dành trọn thời gian cả 1 ngày (5-12) để bàn thảo về định hướng phát triển cũng như bầu chọn công tác nhân sự.
Những nhân tố mới của VFV nhiệm kỳ 6 được bầu ra từ lá phiếu của 75 đại biểu tham dự đại hội. Vì vậy, có thể thấy rằng, kết quả ấy tới từ tập thể và dù được hay không đó là những cá nhân đã được bầu chọn ra để lèo lái con thuyền bóng chuyền Việt Nam trong 5 năm tiếp theo. Trải qua 5 đại hội của VFV trước đó, bóng chuyền Việt Nam nhìn vào thực tế có mặt được và mặt chưa được nhưng trên hết, ở từng thời kỳ, ban lãnh đạo VFV vẫn phải giữ vai trò quan trọng nhất.
Hứa hẹn nhiều cuộc cách tân từ Ban chấp hành VFV nhiệm kỳ 6. Ảnh: NGọc Hải
Mục tiêu hàng đầu mà lãnh đạo VFV nhiệm kỳ 6 khẳng định đó là đẩy mạnh công tác đào tạo VĐV trẻ của các đơn vị đang có phong trào bóng chuyền hiện tại cũng như phải tìm phương hướng thu hút người hâm mộ tới theo dõi giải VĐQG nhiều hơn nữa. Đồng hành với điều ấy, vai trò của các đội bóng là rất quan trọng bởi việc thành bại của bóng chuyền Việt Nam từ chính họ. Vào lúc này, rất nhiều đơn vị (trong đó có cả nhiều đội bóng thuộc các đơn vị quân đội) do khó khăn về kinh tế hoặc không mặn mà với bóng chuyền đã tính tới giải thể đội bóng.
Ra đời một đội bóng không đơn giản, duy trì lâu dài một đội bóng ấy trở thành thương hiệu và đảm bảo được cuộc sống cho HLV, VĐV của đội bóng là không dễ dàng. Vì lẽ đó, dù ở cấp thượng tầng nhưng các thành viên của ban chấp hành cũng như Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký của VFV rất quan trọng.
Tài chính phải mạnh
Tài chính nắm phần cốt lõi sự vững mạnh hay không của các hiệp hội, liên đoàn là tổ chức xã hội của thể thao. Trong báo cáo tài chính (tính tới tháng 7-2015), VFV của nhiệm kỳ cũ vẫn còn dư hơn 9 tỷ đồng trong ngân quỹ hoạt động. “Vai trò tìm kiếm tài trợ và duy trì tài chính rất quan trọng. Chúng tôi ở nhiệm kỳ mới tiếp tục tìm kiếm các nhà tài trợ cũng như sẽ tính tới nâng thêm mức giải thưởng dành cho giải VĐQG”, Chủ tịch VFV nhiệm kỳ 6 - ông Lê Văn Thành chia sẻ.
Nhiều người đã lo ngại rằng, Chủ tịch khóa 5 - ông Lê Minh Hồng là người tới từ ngành dầu khí khi không còn tham gia công việc cùng bóng chuyền thì các mạnh thường quân tài trợ cho VFV tới từ dầu khí sẽ thưa dần hơn. Điều này không phải không có thực tế để lo ngại. Tuy vậy, giới chức VFV nhiệm kỳ mới chia sẻ vẫn tự tin để thu hút được thêm nhà tài trợ mới qua đó đảm bảo sự hoạt động của liên đoàn.
Trong một năm hoạt động với các giải VĐQG của bóng chuyền trong nhà và bãi biển, nhiều hoạt động của VFV phải diễn ra từ cấp ĐTQG cũng như đào tạo trẻ, đào tạo HLV, trọng tài và tổ chức thi đấu giải quốc tế. Nếu tài chính không đầy đủ, công việc rất khó đủ đầy. Trong báo cáo tổng kết của nhiệm kỳ 5, ông Trần Đức Phấn đã khẳng định điều mà VFV chưa làm được chính là tổ chức một giải bóng chuyền tầm cỡ thế giới ở Việt Nam vì chi phí đòi hỏi rất lớn mà liên đoàn chưa thể đáp ứng được.
|
MINH CHIẾN