1. Nguyễn Thị Huyền đã thi đấu tại giải điền kinh VĐTG 2015 và sớm dừng bước từ ngày 23-8. Tuy nhiên, cô mới trở lại Việt Nam cách đây chưa lâu. Theo tìm hiểu, trước ngày lên đường, trong kế hoạch, HLV của Huyền là HLV Vũ Ngọc Lợi đã nhất quyết yêu cầu ngày về phải là 27-8. Đây là thời điểm được dự tính kết thúc xong chung kết 400m rào nữ rồi mới lên đường trở về. Khi chưa thi đấu, cơ hội mọi VĐV vẫn ngang nhau.
Tất nhiên, HLV cũng muốn học trò có thể vào tới chung kết để được lưu lại giải lâu hơn. Dù ai cũng hiểu, cơ hội lọt vào chung kết giải VĐTG của điền kinh là gần như không thể với bất kỳ tuyển thủ Việt Nam nào vào lúc này. Huyền thi đấu vỏn vẹn 10 phút và sớm dừng bước tại nội dung 400m rào. Nhưng vé đã đặt rồi thì thời gian còn lại đủ để VĐV, HLV theo dõi học tập các tuyển thủ trên thế giới cho tới ngày về. HLV Lợi trước đó muốn phải ở tới hết giải VĐTG 2015 (ngày 30-8 bế mạc) nhưng may mà bộ môn và Tổng cục TDTT gạt đi không đáp ứng đề xuất thiếu thực tế này. Được biết, tại giải VĐTG, Huyền được ban tổ chức chi phí cho ăn ở, còn chi phí của HLV thì đương nhiên do tuyển điền kinh Việt Nam phải trả. Lãnh đạo bộ môn đã phải tính toán rất kỹ mới duyệt kế hoạch này bởi thông thường, thi xong là phải về ngay. Chi phí ở lâu sẽ đội lên cao. Điền kinh hiện vẫn còn nhiều tổ khác đang tập trung nên chỉ vì một tổ mà chi phí quá nhiều khó tránh khỏi sự bì tị.
Mới đây, ít nhiều có lên tiếng về thông tin rằng Trung tâm HLTTQG Hà Nội không chi trả tiền công cho những ai phải tập luyện thêm trong ngày nghỉ (thứ Bảy, CN). Tuy nhiên, mọi khúc mắc đã được giải quyết sau cuộc họp giữa ban giám đốc trung tâm với các HLV các đội tuyển thể thao đang được tập trung tại đây. May mắn là, với các đội tuyển có nhiệm vụ thi đấu quan trọng thì tiền được trả bình thường nếu phải tập thêm dù trong ngày nghỉ.
2. Lúc này, trường hợp của Nguyễn Diệp Phương Trâm (bơi) vẫn đang được chờ đợi xem sẽ giải quyết ngọn ngành ra sao. Tính từ khi báo giới biết được thông tin gia đình Phương Trâm xin chấm dứt hợp đồng với thể thao TPHCM và quyết định khởi kiện CLB bơi lội Yết Kiêu thì thời gian đã gần 2 tháng. Thời gian vẫn trôi và sự việc vẫn chưa được tiến hành giải quyết rốt ráo.
Nếu theo thời gian, lúc Phương Trâm xin nghỉ không tập cùng bơi lội TPHCM là từ ngày 1-4. Không tập cùng CLB, xin nghỉ, đồng nghĩa, Phương Trâm không còn được nhận chế độ nào của đơn vị chủ quản. Hiện tại, nữ VĐV trẻ tập luyện tại Trung tâm HLTTQG TPHCM và được đội bơi quốc gia vẫn cho hưởng chế độ như một tuyển thủ được tập trung. Theo quy định trong chế độ dinh dưỡng đặc thù với VĐV thể thao thành tích cao, không trong thời gian cao độ, 1 tuyển thủ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 200.000 đồng/ngày còn tiền công là 150.000 đồng/ngày. Một ngày chưa rõ số phận của Trâm thì thêm một ngày sẽ bị trễ trong sự phát triển của mình. Mới nhất, cô gái này đoạt 9 HCV giải bơi-lặn các CLB khu vực 2 toàn quốc 2015.
Kình ngư trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm. Ảnh: Nhật Anh
Trước đó, trường hợp của Văn Ngọc Tú từng được đề cập tới hồi đầu năm 2015 do không được có tên trong ĐTQG. Tú khi đó là người tự do sau khi hết hợp đồng với đơn vị Nam Định. Do vậy, gần như cô không có được chế độ gì để vững tin tiếp tục tập luyện. May mắn, sau đó, Tú được có tên trở lại ĐTQG rồi tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Cần Thơ cũng như tìm được địa phương mới đầu quân. Mới nhất, Tú vừa thi đấu giải VĐTG 2015.Những trường hợp ấy phản ánh được chế độ phải tương ứng, song hành với VĐV. Tuy nhiên ranh giới đâu là chính xác hay chưa chính xác rất khó phân định.
|
NGUYỄN ĐÌNH