Sau thành công từ những chuyến du đấu trong một tháng qua, những người làm công tác chuyên môn của cầu lông TPHCM vui mừng khi các học trò đạt thành tích mới trong sự nghiệp, song vẫn còn đó là vô số nỗi lo về hệ thống đào tạo mang tính chuyên nghiệp.
Từ những chuyến du đấu rất thành công và gặt hái nhiều thành tích từ giải châu Âu đến giải vô địch thế giới của các tay vợt Vũ Thị Trang, Nguyễn Hải Đăng, hay Vũ Thị Anh Thư đã mang đến những hiệu ứng tích cực cho cầu lông Việt Nam nói chung, đơn vị TPHCM nói riêng. Nhưng với người trong nghề, đây chỉ là phần bề nổi của tảng băng chìm, bởi còn đó trăn trở về hệ thống đào tạo “mang tính chuyên nghiệp”.
Ở bất kỳ môn thể thao nào, sự hao hụt về mặt lực lượng theo thời gian là điều khó tránh khỏi, sẽ có VĐV tiếp tục theo đuổi đam mê nhưng cũng có người bỏ dở con đường thể thao chuyên nghiệp. Do đó, bộ môn muốn phát triển thì công tác tuyển chọn phải được đẩy mạnh để việc đào tạo lớp kế thừa luôn được diễn ra liên tục, tránh sự thiếu hụt số lượng VĐV không đáng có. Nhưng để đáp ứng được điều này thì hệ thống đào tạo phải mang tính chuyên nghiệp với kế hoạch xuyên suốt, việc phát triển và đào tạo VĐV năng khiếu trẻ mới có nền tảng vững chắc, đủ chuyên môn cho đấu trường lớn trong tương lai.
Ngoài Hải Đăng và Anh Thư, Lê Ngọc Vân cũng là gương mặt trẻ nổi trội của cầu lông TPHCM. Ảnh: NGUYỄN ANH
Theo chia sẻ của ông Đặng Anh Đăng – Trưởng bộ môn cầu lông TPHCM, có thể nói hệ thống đào tạo cầu lông TPHCM phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhưng vẫn chưa tới và còn tính rủi ro cao. Lý giải cho điều này, ông Đăng cho hay, việc đào tạo VĐV chuyên nghiệp bắt buộc phải có một môi trường khép kín, ăn ở tập trung với sự quản lý chặt chẽ và tính kỷ luật cao. Từ đó, VĐV sẽ chỉ tập trung vào việc tập luyện và tránh việc lơ là trong hành trình trở thành tuyển thủ đỉnh cao, đặc biệt hạn chế được những rủi ro mà VĐV bỏ dở giữa chừng. Tuy nhiên, cầu lông TPHCM vẫn chưa thể thực hiện được những yêu cầu kể trên.
Hiện bộ môn cầu lông TPHCM vẫn chưa có môi trường khép kín tập luyện cũng như ăn ở tập trung cho tất cả thành viên đội tuyển. Có chăng chỉ có một phòng sinh hoạt khoảng 4 -6 người ở tại Nhà tập luyện Phú Thọ dành cho đội tuyển cầu lông, chủ yếu là các em ở các tỉnh, thành xa sẽ tạm trú ở đây. Những VĐV khác sẽ đi đi về về giữa nhà và Nhà tập luyện Phú Thọ.
Nơi tập luyện của đội tuyển cầu lông TPHCM đặt tại Nhà tập luyện Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN ANH
Đối với sân bãi tập luyện, trước đây đội tuyển cầu lông TPHCM sẽ có 12 sân tập tại Nhà tập luyện Phú Thọ, chỉ có các thành viên của đội sinh hoạt cùng nhau. Nhưng nay do điều kiện nguồn thu chi của đơn vị sự nghiệp nên 4 sân đã được cho thuê, đội chỉ còn 8 sân tập luyện. Điều này đồng nghĩa với việc khi đội tuyển tập luyện, sẽ có những hoạt động khác cùng diễn ra, dẫn đến tình trạng mất tập trung cho VĐV. Môi trường tập luyện lúc này không còn hội đủ yếu tố để đào tạo VĐV chuyên nghiệp.