SEA Games 31 diễn ra vào năm ngoái tại Việt Nam, Đoàn thể thao Việt Nam có gần 1.400 thành viên tham gia Đại hội nhưng đội ngũ các bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên vật lý trị liệu chỉ vỏn vẹn 27 con người. Chia sẻ về sự chuẩn bị của đội ngũ ấy, Phó trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đồng thời là Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) – ông Hoàng Quốc Vinh từng chia sẻ “mỗi một bác sĩ của Đoàn thể thao Việt Nam đều có nhiệm vụ quan trọng bởi họ là người đứng sau sự thành công của các HLV, VĐV. Mỗi khi có trường hợp bị đau, hoặc chấn thương thì bác sĩ luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ, giúp đỡ tức thì cho tuyển thủ. 27 con người ấy là những người cùng góp vào thành công chung cho thể thao chúng ta”.
Thực tế, sự vất vả của các bác sĩ hay đội ngũ kỹ thuật viên y tế, nhân viên vật lý trị liệu của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là khó kể hết. Do chúng ta vẫn phải đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho từng thành viên cũng như có sự phòng bị trước những e ngại về Covid-19 (thời điểm đó) nên từng thành viên trong tổ y tế luôn đề cao trách nhiệm và nhiệm vụ. Đồng thời, SEA Games 31 không có Làng VĐV nên mỗi người họ phải bám sát các đội tuyển ở các điểm khách sạn theo phân công công việc. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 từng chia sẻ “đội ngũ bác sĩ của chúng tôi luôn làm việc hết khả năng của mình và điều mình vui nhất chính là giúp đỡ VĐV vượt qua cơn đau, bước ra thi đấu giành chiến thắng”.
Có lẽ thấu hiểu nhất về sự vất vả của bác sĩ thể thao chính là những thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam từng dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020. Khi đó, chúng ta có 43 thành viên dự kỳ Olympic này và chỉ có 2 bác sĩ theo đoàn (bác sĩ Nguyễn Văn Phú, bác sĩ Dương Tiến Cần). Ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn là mối e ngại và diễn biến phức tạp, chính các bác sĩ như ông Phú, ông Cần phải theo sát từng bước di chuyển của thành viên trong đoàn và kiểm tra tỉ mỉ các biện pháp phòng ngừa về y tế, phòng tránh Covid-19 đúng quy định. Bác sĩ Dương Tiến Cần từng chia sẻ lại rằng, điều mình e ngại nhất đó là nếu vô tình có thể có trường hợp dương tính Covid-19 trong đoàn thì tâm lý cũng như tinh thần của mọi người sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Rất may mắn, chúng ta không có trường hợp nào dương tính Covid-19 trong suốt thời gian tại Nhật Bản lúc đó.
Về kinh nghiệm đi theo các đoàn thể thao Việt Nam dự các kỳ Đại hội, bác sĩ Nguyễn Văn Phú là một trong những người có nhiều kỷ niệm nhất. Điều mà ông Phú chia sẻ đó là khi đã vào việc, mình có trách nhiệm đảm bảo sức khỏe các thành viên trong đoàn nên luôn sẵn sàng làm việc 24/24 kể cả vào giờ đêm nếu có tiếng chuông gọi. Còn với bác sĩ Dương Tiến Cần, kỳ Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016 là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bản thân vì khi đó, vị bác sĩ này cũng là người chứng kiến giây phút thăng hoa rồi giành HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ông Cần bảo rằng, mình và nhiều đồng nghiệp rất vui như chính những người ra trận bởi dù luôn ở phía sau sàn đấu nhưng khi thấy tuyển thủ thể thao có sức khỏe giành chiến thắng đã là mãn nguyện.
Tuy nhiên vào lúc này, ngành thể thao đang phải tính toán phương thức nào hiệu quả nhất để có thêm đội ngũ bác sĩ tham gia các đội tuyển thể thao quốc gia mỗi khi tập trung. Bởi lẽ, con người không có nhiều cũng như hầu hết các đội tuyển thể thao quốc gia không có bác sĩ chuyên biệt riêng mà chỉ được hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm HLTTQG ở địa điểm mà mình tập huấn.