Các VĐV nghi vấn doping Đại hội thể thao toàn quốc chỉ ở cử tạ và thể hình

Con số cụ thể bao nhiêu trường hợp nghi vấn dương tính với chất cấm (doping) tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 vẫn đang được giữ kín.
Việc lấy mẫu kiểm tra doping đã được thực hiện triệt để tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 nhưng vẫn có trường hợp nghi vấn dùng chất cấm. Ảnh: MINH CHIẾN
Việc lấy mẫu kiểm tra doping đã được thực hiện triệt để tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 nhưng vẫn có trường hợp nghi vấn dùng chất cấm. Ảnh: MINH CHIẾN

Thông tin mà SGGP có được ở ngày 13-4, hiện các thông báo về các trường hợp nghi vấn doping sau khi có kết quả kiểm tra mẫu thử từ Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam thuộc về môn cử tạ và thể hình. Con số được tìm hiểu với môn cử tạ là 3 VĐV còn số trường hợp nghi vấn của môn thể hình là nhiều hơn 5 VĐV (có cả VĐV nam và VĐV nữ). Chỉ môn cử tạ và thể hình phát hiện ra các trường hợp nghi vấn với doping.

Cũng theo thông tin mà chúng tôi có được, trong các trường hợp nghi vấn về doping thì tất cả đều là VĐV của đơn vị địa phương tham dự Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, không có trường hợp nào là tuyển thủ quốc gia về thi đấu cho đơn vị mình tại giải này mà dính vào nghi vấn doping.

Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác lấy mẫu rồi gởi tới phòng xét nghiệm tại Thái Lan (theo đấu thầu) để thực hiện phân tích, kiểm tra mẫu thử tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 năm ngoái. Tổng số mẫu thử được lấy là gần 200 mẫu. Các mẫu được quy định lấy ở nhiều môn, nhưng chủ yếu là đối với VĐV đạt thành tích huy chương sau thi đấu.

Theo quy trình, ngay khi có kết quả và có sự nghi vấn về doping, các thông báo đã được gởi tới đơn vị chủ quản có VĐV ở môn thể hình và cử tạ ở sự việc này. Từng người sẽ được quyền giải trình về nguyên do cũng như sẽ có những xem xét theo các mức độ vi phạm. Môn thể hình của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 được tranh tài tại Hải Phòng còn môn cử tạ được tranh tài tại Thanh Hóa.

Với môn thể hình tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, có 12 đơn vị giành được huy chương (trong đó các đơn vị có HCV là Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, An Giang, Công an Nhân dân, Lâm Đồng, Hải Phòng, Khánh Hòa; các đơn vị không có HCV là Cà Mau, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk).

Môn cử tạ của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 ghi nhận 22 đơn vị giành được huy chương, trong đó các đơn vị có HCV gồm Hà Nội, TPHCM, An Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Nghệ An, Đồng Nai, Hải Phòng, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Tiền Giang, Lào Cai, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Công an Nhân dân. Đơn vị có huy chương nhưng không đạt được HCV là Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Khánh Hòa.

Trước khi SEA Games 31 diễn ra, môn thể hình đã có 7 trường hợp được xét nghiệm và nghi vấn doping nhưng sau khi kiểm tra lại thì có 6 VĐV được xác định dính doping. Các trường hợp trên đã bị loại khỏi danh sách chuẩn bị của thể thao Việt Nam trong môn này ở SEA Games 31. Với môn điền kinh, sau khi thi đấu SEA Games 31, chúng ta có 5 trường hợp tuyển thủ đã dính doping và đang chờ thời gian để Tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA công bố chính thức danh tính.

Điều quan trọng là, chúng ta đã có những cảnh báo cũng như những công tác tuyên truyền về phòng, chống doping tới các đoàn khi tham dự Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 nhưng việc này vẫn xảy ra. Sau SEA Games 31, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu đảm bảo tuyệt đối về công tác y tế, sức khỏe cũng như về doping trong thi đấu thể thao. Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 là kỳ thi đấu quốc nội mà chúng ta đã tổ chức lấy số lượng mẫu lớn về kiểm tra doping từ trước tới nay.

Trong thời gian Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 diễn ra, các chương trình về nâng cao nhận thức phòng chống doping đã được ngành thể thao thực hiện. Ảnh: MAI HOÀNG

Trong thời gian Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 diễn ra, các chương trình về nâng cao nhận thức phòng chống doping đã được ngành thể thao thực hiện. Ảnh: MAI HOÀNG

Dính chất cấm trong thi đấu thể thao (doping) tại Đại hội thể thao toàn quốc không có nghĩa là không liên đới tới các án phạt quốc tế dành cho môn thể thao trực tiếp. Bởi lẽ, các kết quả về kiểm tra doping sau khi được xác định cụ thể đều phải gởi tới WADA. Trường hợp cụ thể nhất là lực sĩ Trịnh Văn Vinh. Còn nhớ trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc lần 8-2018, lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã được kiểm tra ngẫu nhiên và có kết quả dương tính (tháng 11-2018) rồi sau đó đã bị án phạt cấm thi đấu 4 năm từ WADA và Liên đoàn cử tạ thế giới IWF. Lúc này, Trịnh Văn Vinh đã nỗ lực trở lại và được tập trung đội tuyển quốc gia hướng tới kết quả cao nhất về chuyên môn.

Theo quy định, căn cứ hồ sơ đánh giá mức độ vi phạm doping, Giám đốc Trung tâm doping và Y học thể thao hoặc Trưởng ban tổ chức giải (đối với trường hợp phát hiện doping trong giải đấu) ban hành kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping; Kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping bao gồm những nội dung gồm: Xác định hành vi vi phạm doping; Đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm doping; Đề xuất hình thức xử lý vi phạm doping.

Tin cùng chuyên mục