Tình yêu trải dài 28 năm
Bắt đầu cầm vợt tập luyện từ năm lên 4, tính cho đến khi tuyên bố giải nghệ, Sharapova đã trải qua hành trình dài đến 28 năm, trong đó có 19 năm chơi quần vợt chuyên nghiệp đỉnh cao, giành được 5 danh hiệu Grand Slam đình đám, và 1 ngôi vô địch WTA Finals ấn tượng.
Tính từ danh hiệu Grand Slam đầu tay - vô địch Wimbledon 2004, đăng quang ở “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, đến tận Grand Slam cuối cùng - vô địch French Open 2014, với chiến thắng ấn tượng trước Simona Halep, Sharapova là “bức tường thành vững chắc” chống lại sự thống trị của “chị em nhà Williams - Serena và Venus”, bên cạnh những Justine Henin (đã giải nghệ), hay là Kim Clijsters (vừa bất ngờ quay lại).
Ngay cả chuỗi trận thua liên tiếp của cô trước Serena (suốt từ năm 2005 đến năm 2019, trải qua 19 trận thất thủ liên tục), cũng cho thấy, Sharapova vẫn rất dũng mãnh mỗi khi đối mặt với “khắc tinh lớn nhất sự nghiệp của mình”, bất chấp kết quả bại trận thảm hại!
Nói về Sharapova, người ta nói về sắc đẹp, về tài năng, về dũng khí, về sự kiên cường và cả khả năng kiếm tiền. Ký hợp đồng hợp tác tài chính đầu tiên với Nike và IMG, khi mới 11 tuổi, từng bước, “Nữ hoàng tóc vàng một thời của làng quần vợt Nga” đã tạo ra cả một đế chế tiền tài lấp lánh, không chỉ riêng cho tên tuổi của cô, mà còn cho hệ thống WTA Tour, cho các giải đấu mà cô tham dự, cho những nhãn hàng mà cô là người đại diện.
Số tiền thưởng cô kiếm được trong sự nghiệp chuyên nghiệp là 38,8 triệu USD. Tức chỉ xếp sau chị em nhà Williams, là tay vợt nữ có số tiền thưởng lớn nhất trong lịch sử của WTA - nếu so sánh với các tay vợt nam, cô chỉ đứng sau Novak Djokovic, Roger Federer, Rafael Nadal, Andy Murray và Pete Sampras.
Số tiền cô ký hợp đồng tài trợ với Nike trị giá 70 triệu USD (trong 8 năm). Số tiền cô kiếm được từ mạng xã hội Facebook xấp xỉ 30 triệu USD (với 15 triệu người theo dõi, chỉ “chững lại” khi Sharapova bị cấm thi đấu vì doping).
Tham gia các sự kiện bên lề, thi đấu giao hữu biểu diễn có giá từ 500.000USD trở lên. Số tiền kiếm được từ nhãn hiệu kẹo Sugarpova của chính cô cũng đạt mức 20 triệu USD…
Sắc đẹp và hơn thế nữa
Không phải tự nhiên, Sharapova có được thu nhập “khủng” như vậy. Vì cũng như là Federer, Sharapova được xem như biểu tượng của quần vợt chuyên nghiệp thời hiện đại, với hình ảnh xuất hiện thường xuyên ở cấp độ toàn cầu.
Cô là “phiên bản sắc đẹp cải tiến cấp cao nhất”, được đúc kết từ những Gabriela Sabatini, Anna Kournikova, và sau này là Ana Ivanovic. Biểu tượng đó, không chỉ do vẻ đẹp bề ngoài của cô, mái tóc vàng óng ả của cô, cặp chân dài miên man của cô. Nếu đơn thuần như vậy, cô khác gì Kournikova? Biểu tượng đó, cũng không đơn giản vì soi chiếu “một mỹ nhân biết thắng Grand Slam”.
Nếu cũng chỉ đơn thuần như vậy, cô khác gì Sabatini, Ivanovic, những người từng thắng 1 danh hiệu Grand Slam duy nhất?
Biểu tượng là vì tài năng thắng nhiều Grand Slam của cô. Biểu tượng là vì sự chuyên nghiệp của cô mỗi khi bước ra sân, đến nỗi Sharapova từng tâm sự, cô sợ kết bạn với những tay vợt khác, vì e ngại việc nhân nhượng tình cảm khi đối đầu với nhau. Biểu tượng đó là vì khí chất thi đấu thật quyết liệt, với những pha đánh bóng mãnh liệt. Biểu tượng đó, là vì thứ dũng khí, dù biết sẽ thua Serena tan nát đến mức nào, cũng cắn răng bước ra ngoài kia, đối mặt với sự thật. Biểu tượng đó, còn vì thứ tình cảm nhớ mãi về cố hương, và dù nhiều người Nga không thừa nhận cô, nhiều người nói rằng: “Sharapova thực chất là người Mỹ”, cô vẫn muốn đại diện cho nước Nga ở đấu trường Fed Cup, đấu trường Olympic, và giành lấy vinh quang.
Biểu tượng sắc đẹp đó, đã có lúc trở nên “kém sắc”, khi dính vào cáo buộc sử dụng chất cấm meldonium, trở thành mục tiêu công kích của dư luận, của nhiều tay vợt phương Tây, có không ít trong số đó, mang hàm ý “chính trị”.
Nhưng cũng chính cách phản ứng của cô, khiến nhiều người phải cảm thấy thán phục. Ngay cả khi WADA vẫn chưa thông báo về vụ việc, Sharapova đã tự tổ chức họp báo, thừa nhận sai lầm của bản thân, và xin lỗi công luận. Trong cả làng quần vợt chuyên nghiệp, có ai đủ dũng khí để làm chuyện này?
Rồi khi hết án treo vợt, cô quay lại, quyết tâm chứng tỏ cho cả thế giới thấy, thành công ngày hôm nay chẳng liên quan gì đến chất meldonium. Tiếc là, thời thế đã thay đổi, quần vợt chuyên nghiệp đã nhanh hơn, mạnh hơn và ít mỹ nhân hơn.
Còn Sharapova, với cái vai bị đau, cô hiểu thời của cô đã hết. Một mỹ nhân tài năng đã nói lời tạm biệt. Những người đẹp tài giỏi khác thì sao? Eugenie Bouchard ư? Hỏng rồi. Elina Svitolina ư? Vẫn còn kém sắc. Belinda Bencic ư? Vẫn còn rất non. Vậy thì, biết đâu đó, Sharapova chính là biểu tượng sắc đẹp cuối cùng của WTA.