Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, Kozo Takashima, từng đưa ra lời khuyên sau khi ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF): Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chắc chắn là không có điều kỳ diệu nào đâu. Bóng đá luôn phải tập trung vào 3 nền tảng chính: Cơ sở vật chất, bồi dưỡng cho các huấn luyện viên (HLV) và đào tạo cầu thủ trẻ.
Cơ sở vật chất chính là gốc rễ của mọi chiến lược phát triển bóng đá, và bóng đá Việt Nam có thể không thiếu, nhưng chắc chắn là còn yếu. Hay nói đúng hơn, đó chính là “tấm áo chật” đang kìm hãm khả năng lớn mạnh nhanh chóng của bóng đá Việt Nam. Cụ thể nhất là sân thi đấu. Tại ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam không thể đăng ký đá tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình do vướng một sự kiện giải trí, phải chuyển sang sân Việt Trì tại Phú Thọ với sức chứa ít hơn một nửa. Không chỉ là chuyện “vướng lịch”, mà từ lâu, mặt cỏ xuống cấp của sân Mỹ Đình luôn là đề tài “nóng”, thậm chí được đưa vào nghị trường Quốc hội khi đây là sân vận động quốc gia duy nhất của đội tuyển Việt Nam. Trong khi đó, đô thị hàng đầu quốc gia như TPHCM hiện chỉ có duy nhất sân Thống Nhất nhưng đã không còn đủ điều kiện để tổ chức trận đấu quốc tế, nên gần chục năm qua, người hâm mộ thành phố không thể trực tiếp xem đội tuyển Việt Nam thi đấu.
Mặt cỏ không phù hợp để thi đấu đỉnh cao cũng là bài toán chưa có lời giải ở V-League khi nhiều HLV nước ngoài đang làm việc ở các CLB tỏ vẻ ngạc nhiên khi cầu thủ Việt Nam phải chơi bóng trong điều kiện rất dễ xảy ra chấn thương. Từ khi sân Hòa Xuân, Đà Nẵng, khánh thành năm 2010 đến nay, chưa có một sân bóng cấp CLB nào ở Việt Nam được xây mới dù bóng đá chuyên nghiệp khuyến khích các CLB sở hữu sân bóng riêng, có cơ sở vật chất hỗ trợ đạt tiêu chuẩn châu Á.
Khi đến mặt sân còn chưa thể đồng bộ và đạt chất lượng cao nhất để giúp cầu thủ thoải mái chơi bóng, không có gì ngạc nhiên khi đa số các CLB hàng đầu của chúng ta đều không có trung tâm đào tạo, huấn luyện chuyên biệt. Cơ sở vật chất đều phải đi thuê, và trong điều kiện tài chính khó khăn, thường là khâu bị “cắt” đầu tiên.
Không phải tự nhiên mà các gói tài trợ phát triển bóng đá của FIFA hay Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đều khuyến cáo phải ưu tiên cho cơ sở vật chất, nhất là mặt cỏ và khâu hồi phục sau vận động. Trong thể thao đỉnh cao, con người là tài sản quý nhất, thế nên để phát triển thành tích thì tiêu chí quan trọng hàng đầu vẫn là có những điều kiện tốt nhất để tài năng có thể yên tâm cống hiến. Đó là chưa nói, bóng đá càng phát triển thì “bộ mặt” của đội tuyển, của CLB chuyên nghiệp là cơ sở vật chất cũng cần phải đẹp, hiện đại, tiện nghi.
Với danh hiệu Đông Nam Á lần thứ 3, bóng đá Việt Nam bây giờ không thể “quay đầu” mà bắt buộc phải tiến đến tham vọng vươn tầm như các mục tiêu của Chiến lược phát triển TDTT 2030-2045 là tốp 10 châu Á và dự World Cup. Trước hết, phải tìm được cách cởi "tấm áo chật" cơ sở vật chất ra…