Thông tin cho biết, nếu không có gì thay đổi thì bản quyền truyền hình của giải ngoại hạng Thái Lan (TPL) trong 3 mùa kể từ năm 2016 sẽ đạt con số 150 triệu USD và các CLB tham gia TPL sẽ bỏ túi gần 2 triệu USD/mùa bóng chỉ từ bản quyền truyền hình.
Một trận đấu của CLB giàu nhất TPL - Muangthong Unitedtrên sân nhà có sức chứa chỉ 12.000 chỗ ngồi.
Nói đến chuyện kinh doanh trong bóng đá ở Việt Nam, người ta sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho chất lượng thi đấu, cho thói quen thích xem bóng đá miễn phí của khán giả chứ không ai nghĩ một trong những nguyên nhân lớn nhất là cách làm.
Bóng đá Thái Lan có trình độ cao hơn Việt Nam là đúng, nhưng khoảng cách ấy không quá lớn. Khi TPL ra đời năm 2008, thời điểm đó V-League đang ở trong tốp 50 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới. Từ đó đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn nằm trong tốp 4 khu vực cùng với Thái Lan, nhưng TPL thì vượt xa V-League nhờ nghiên cứu kỹ, áp dụng bài bản mô hình của giải ngoại hạng Anh, trong khi V-League hiện chập chững học theo mô hình J-League của Nhật Bản.
Khoan bàn đến chuyện chất lượng các trận đấu, công nghệ tổ chức mới là tiêu chí quan trọng để TPL phát triển. Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đã đưa Tổng Thư ký Ong Art Kosingkha sang Anh học hỏi tổ chức giải chuyên nghiệp. Về nước tổ chức giải, ông này còn mời cả chuyên gia Anh và trưởng ban tổ chức giải ngoại hạng Anh làm tư vấn. Họ tổ chức rất bài bản ngay từ các CLB, HLV chuyên nghiệp, lực lượng cổ động viên và đặc biệt là chú ý mảng khai thác thương mại.
Ba mùa đầu tiên của TPL, các nhà tổ chức không tập trung khai thác tài trợ mà tạo nên đột biến về bản quyền. Họ mở rộng số lượng CLB lên 20 đội để tăng số trận đấu trên truyền hình và tạo nền tảng rộng mở để nhiều doanh nghiệp dễ dàng đầu tư cho bóng đá. Họ ký với một hãng truyền hình của Hàn Quốc đưa sóng trực tiếp sang Hàn Quốc bằng sóng sạch và sóng có quảng cáo các sản phẩm của doanh nghiệp Thái. Họ huấn luyện cho các giám đốc điều hành CLB những kiến thức quan trọng nhất để thống nhất công tác khai thác thương mại. Kể từ sau khi Toyota bỏ ra hơn 60 tỷ đồng để gắn tên với TPL, các CLB tại Thái Lan đã có lợi nhuận ròng hàng năm từ 1,5 đến 6 triệu USD và như đã biết, trong 3 mùa kế tiếp từ năm 2016, các khoản doanh thu từ tài trợ và bản quyền đều sẽ tăng gấp 3 lần.
Nói cách khác, thay vì loay hoay với bài toán “con gà quả trứng” như Việt Nam, bóng đá Thái Lan đã thống nhất ngay từ đầu: Muốn có một nền bóng đá mạnh thì giải vô địch quốc gia phải mạnh, muốn TPL phát triển thì không thể ngồi đợi các CLB hành động mà chính các nhà tổ chức phải tiên phong trong việc kiếm tiền, xây dựng hình ảnh. Các sân của TPL hiện đều có sức chứa không lớn, có nơi chỉ 6.000 chỗ ngồi nhưng đều lắp bảng quảng cáo điện tử, các CLB phải có lực lượng cổ vũ chuyên nghiệp, mỗi trận đấu đều được tổ chức sinh động từ trước khi bóng lăn để thu hút người xem truyền hình, tự nhiên chất lượng các trận đấu cũng sẽ tăng lên khi CLB buộc phải đầu tư, nâng chất lượng thi đấu để đáp ứng nhu cầu của những bên liên quan.
YẾN PHƯƠNG