Bóng đá hiện đại đang ảm đạm hơn vì … Man.City

Man.City đã thắng Champions League, dù vất vả, nhưng kết quả thì không nằm ngoài dự đoán. Điều đó dẫn đến một câu hỏi: Nếu bóng đá ngày càng trở nên dễ đoán đội chiến thắng như vậy, thì liệu nó có còn sức hấp dẫn không? Và sự nhàm chán đến mức ảm đạm ấy, rồi sẽ dẫn đến sự ra đời của các giải đấu “siêu giàu” như Super League không?
Bóng đá hiện đại đang ảm đạm hơn vì … Man.City

Vì các đội mạnh mà cứ thắng, thì bản thân họ … cũng chán nên phải tìm thử thách ở một giải đấu khác thôi. Đó là cách mà tờ Guardian của Anh đặt vấn đề dựa trên bài viết của tay bút nghiệp dư mê bóng đá Phil Mongredien. Vinh quang Champions League gần như đang nằm trong tầm tay của đội bóng siêu giàu, nhưng những người thuộc thế hệ của tôi lại nhớ khi bóng đá là một cuộc đấu thực sự.

Vào thứ bảy, ngày 11-10-20975, bố đưa tôi đến xem trận đấu bóng đá đầu tiên của tôi: Aston Villa đấu với Tottenham Hotspur. Tôi sẽ dối trá nếu nói rằng mình nhớ các diễn biến của trận đấu ấy. Nhưng chắc chắn là tôi đã bị mê hoặc bởi cảnh tượng, và đặc biệt là thứ âm thanh náo nhiệt của 40.000 người đồng thanh hét lên, nó ấn tượng đến nỗi, phần lớn trận đấu tôi chỉ nhìn các khán đài chứ không phải sân cỏ.

Ngày hôm đó đánh dấu sự khởi đầu của một thứ tình yêu tồn tại cho đến khi tôi rời gia đình lúc 18 tuổi. Tôi không nhớ gì nhiều vế các trận đấu, nhưng ký ức thì luôn giữ mãi hình ảnh náo nhiệt bên ngoài sân bóng, khi các đứa trẻ cũng như người lớn tuổi lao vào các cầu thủ để xin chữ ký cứ như là đang …đi đòi nợ. Đó là khoảng thời gian ám ảnh tôi, cũng là thời gian mà Aston Villa dưới quyền của HLV Ron Saunders, thực thi công cuộc phục hưng trong 7 năm trời để sau đó bước lên đỉnh châu Âu.

Mọi thứ khi đó rất nguyên sơ. Bạn sẽ nhớ chúng rất rõ ràng bởi sự phát triển của một CLB diễn ra trước mắt các CĐV, không có chuyện năm này đang yếu, có khoản tiền đổ vào, rồi mùa sau đột ngột mạnh lên đến mức người hâm mộ trung thành cũng chẳng biết vì sao. Thời của tôi, mỗi đầu mùa giải, có đến 7-8 đội đủ khả năng vô địch. Lúc đó, Liverpool là đội bóng hay nhất nước Anh nhưng trong các năm 1975-76, họ về nhất nhưng chỉ hơn Queen Park Rangers 1 điểm duy nhất và Liverpool chỉ thắng 55% số trận đấu của mình.

Nhưng 50 năm sau, mọi thứ lại được dự báo quá dễ dàng. Họ thậm chí còn sử dụng đến máy tính để bảo đảm được tỷ lệ %. Một đội bóng như Man.City, với tỷ lệ chiến thắng lên đến 76% tổng số trận đấu trong mùa, thì chẳng cần đến máy tính chúng ta đều sẽ tin rằng họ đánh bại Inter Milan thôi. Tỷ lệ cá cược cũng trở nên buồn chán, khi con số của Man.City là đặt 9 mà chỉ ăn có 4. Chắc ăn thì chắc ăn, nhưng còn đâu điều thú vị nữa?!

Công bằng mà nói, Man.City chơi thứ bóng đá hoàn toàn đẹp mắt ở tầm cỡ mà tôi không thể tưởng tượng được vào những năm 1970. Nhưng câu hỏi đặt ra là họ đã làm gì để đạt được điều đó? Một từ duy nhất: tiền. Năm 2008, câu lạc bộ được mua bởi một quỹ đầu tư tư nhân thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia Abu Dhabi. Họ tiếp tục chi số tiền gần như vô hạn của mình để thu hút nhiều cầu thủ giỏi nhất thế giới, cũng như HLV giỏi nhất.

Tất nhiên, sự xuất hiện của Tập đoàn Abu Dhabi United chỉ là một phần trong tiến trình phát triển của Premier League. Đó là mục đích khi giải đấu này ra đời năm 1992 và Man.City cũng chỉ là đội bóng đi sau so với Chelsea của Roman Abramovich. Vấn đề là nó diễn đều đặn, liên tục và bóp méo đi tính lành mạnh của bóng đá. Hôm trận Man.City đánh bại Real Madrid, bình luận viên cũng như chuyên gia trên BT Sport cứ nhắc đi, nhắc lại rằng “tất cả chúng ta” hy vọng Man.City sẽ giành được Champions League để làm phần thưởng. Tôi tự hỏi, “chúng ta” này là ai? Không lẽ CĐV của 19 đội bóng khác tại Anh lại cùng chia sẻ niềm vui với Man.City sao? Họ có thể thích, nhưng làm sao họ có cùng một mong ước như vậy được?

Ghét các đội khác luôn là một phần của người hâm mộ bóng đá, cảm giác này song hành cùng với việc bạn yêu đội bóng của mình. Các yếu tố như kình địch địa phương, hay chúng ta vẫn nói về các trận “derby”, luôn tạo ra cảm xúc khác biệt trong thể thao. Đành rằng không thể cổ vũ cho Real hay Inter chống lại Man.City nhưng cũng không vì thế mà cho rằng CĐV của Man.United hay Liverpool, Chelsea lại hỉ hả khi Man.City chiến thắng.

Bóng đá có tính toàn cầu và mỗi đội bóng là một thực thể cạnh tranh không chỉ trong biên giới nước Anh. Nếu mọi thứ quá dễ dự đoán, thì làm sao có chuyện người ở Mỹ, ở châu Á lại yêu thích một đội bóng hạng trung bình nào đó tại Anh? Họ là những người xem trung lập, dễ có xu hướng yêu thích các đội bóng đá đâu, thắng đó. Vì thế mà mới cần sự cạnh tranh để mỗi CLB có sức hút riêng của mình.

Ngày nay, các CLB lớn nhất của châu Âu đều là những thương hiệu đa quốc gia. Hầu như tất cả các cầu thủ giỏi nhất thế giới, đều thuộc về một nhóm nhỏ các câu lạc bộ Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Mùa này, các đài truyền hình Vương quốc Anh đã phát sóng các trận đấu của AC Milan nhiều lần hơn Aston Villa. Nó khiến cho những người như tôi trở nên lạc lõng, thiệt thòi khi cảm thấy tình yêu của mình đang bị rẻ rúng từng ngày …

(lược dịch)

Tin cùng chuyên mục