Bóng đá Anh trở lại và đây là lý do tại sao ngành “công nghiệp bóng đá” ở Anh lại hùng mạnh đến thế

Cuối tuần rồi, tài tử Ryan Reynolds có rủ thêm ngôi sao của loạt phim X-men là Hugh Jackman đến Anh để xem trận khai màn của Wrexham trong ngày đầu tiên được lên đá ở League Two, tức hạng đấu thứ 4 trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Football League của Anh. Trước đó, Wrexham có chuyến du đấu ở Mỹ cũng gây náo động cả vùng California. Kể từ khi Ryan Reynolds thốt lên “bóng đá Anh thật điên loạn” thì càng nhiều người thích thú đến làng cầu sương mù.
Vô địch Championship có giá trị hàng trăm triệu bảng nhờ được thăng hạng
Vô địch Championship có giá trị hàng trăm triệu bảng nhờ được thăng hạng

Hồi cuối mùa trước, tài từ gốc Canada không hiểu nổi vì sao Wrexham phải đấu đến mấy chục trận suốt 10 tháng trời, đứng đầu liên tục nhưng vẫn có thể không thăng được hạng. Mọi thứ đến từ tính cạnh tranh quá khủng khiếp của bóng đá Anh, mà mùa giải mới này chính là một minh chứng. Ví dụ như cuối tuần qua, giải hạng nhất nước Anh (Championship) đã khai màn và ở đó người ta chứng kiến trận đấu giữa nhà vô địch Premier League 2015-16 (Leicester) đá với một trong đội đã từng tạo ra các trận chung kết FA Cup vĩ đại nhất (Coventry), hay một trong hai đội từng thống trị bóng đá Anh trước đây (Leeds) đá với đội bóng giàu thành tích nhất xứ Wales (Cardiff), hoặc đội giàu thành tích thứ 7 bóng đá Anh (Sunderland) đá với đội từng vô địch UEFA Cup (Ipswich)…

Tất cả 6 đội kể trên đều từng vô địch Anh hoặc FA Cup hoặc cả hai. Trong số 24 đội tại Championship, chỉ có Plymouth chưa từng vô địch hoặc lọt vào trận chung kết cúp quốc nội nào cả. Con số này cho thấy chất lượng của giải đấu xếp thứ 2 trong hệ thống thi đấu bóng đá Anh là cao đến thế nào. Và tất nhiên, Premier League luôn có chất lượng cao hơn khi mà bất kỳ đội bóng nào thăng hạng cũng mang trên mình truyền thống và đẳng cấp.

Không có nơi nào trên thế giới lại có các con số kể trên giống như giải hạng nhất nước Anh cả. Và không nơi nào khác trên thế giới mà các trận đấu của League Two, tức hạng thấp nhất, lại có trung bình hơn 5.700 người tham dự mỗi trận như mùa trước. Câu lạc bộ thành công nhất là nước Anh là Manchester United, đã giành được 20 trong số 124 chức vô địch đã tranh đua trong suốt chiều dài lịch sử, tức là chỉ chiếm 16,1%. Trong số 10 giải đấu hàng đầu châu Âu, chỉ có Pháp là đội có tỷ lệ thống trị này thấp hơn (nhưng sẽ thay đổi trong tương lai khi PSG ngày càng quá mạnh). Tại Đức, Bayern Munich đã giành được 53,3% tổng số danh hiệu Bundesliga.

Ở Anh, Nhóm CLB hàng đầu là Man.United, Liverpool và Arsenal đã giành được 41,9% số chức vô địch. Chỉ có ở Pháp và Thụy Sĩ thuộc 10 giải đấu hàng đầu khác là con số đó thấp hơn 70%, và ở Bồ Đào Nha, con số này cao tới 97,8% (Benfica và Sporting). Có tổng cộng 24 CLB khác nhau từng vô địch Anh, con số này tại Pháp là 18, còn ở Tây Ban Nha chỉ có 9, sau đó là Hà Lan (7) và Bồ Đào Nha (5)…

Ryan Reynolds (phải) cùng ngôi sao của loạt phim X-men là Hugh Jackman

Ryan Reynolds (phải) cùng ngôi sao của loạt phim X-men là Hugh Jackman

Không giống như các nền bóng đá khác, thường mỗi thành phố chỉ có 1 CLB mạnh và chủ yếu sự thống trị thuộc về các thành phố lớn, thì ở Anh, nhà vô địch có thể đến từ bất kỳ đâu. Nhiều CLB ở Anh còn ra đời trước Liên đoàn bóng đá, vì được thành lập để phục vụ cho CLB chứ chẳng đại diện cho cái gì khác. Chính vì thế mà ở Anh mới có qui định là 25% doanh thu bán vé tại các trận đấu phải được trao cho đội khách. Lý do là ở Anh người ta kéo nhau đi xem đội mình thi đấu ở bất kỳ đâu chứ chẳng chỉ đông đảo khi đá sân nhà.

Điều đó có lẽ giải thích tại sao dân Anh căm ghét sự ra đời của European Super League. Với họ, làm gì có khái niệm Big 6, vì đội bóng mà họ yêu quý có thể trở thành một thế lực trong tương lai. Vẫn tồn tại ý niệm rõ ràng là chẳng đội nào hơn đội nào cả, ngay cả khi khái niệm bình đẳng đó đã bị thách thức trong 40 năm qua kể từ khi Premier League ra đời đem lại doanh thu lớn hơn cho nhóm ngoại hạng. Nhưng từ khi Richard Scudamore làm giám đốc điều hành của Premier League, tình hình có vẻ cân bằng hơn.

Hiện các CLB hàng đầu ở Anh chỉ kiếm tiền nhiều hơn các đội phải xuống hạng khoảng 1,8 lần. Tỷ lệ này ở Tây Ban Nha có thời điểm lên đến gấp 12 lần. Tính cạnh tranh của bóng đá Anh chính là điểm tựa hi vọng cho các CLB hạng thấp, cũng là động cơ để các nhà đầu tư ngoại quốc sẳn sàng đổ tiền vào những đội cấp thấp để hướng đến ngày lên đá ngoại hạng. Thực tế thì từ năm 1969 đến nay, có đến 12 nhà vô địch Anh khác nhau và không đội nào vô địch giải đấu này quá 5 lần.

Nhưng kể từ khi Roman Abramovich đến Chelsea vào năm 2003, bóng đá Anh sang một giai đoạn mới, trong đó khả năng chi tiêu không còn phụ thuộc vào thành công trên sân cỏ. 17 trong số 20 danh hiệu đã được chia cho ba câu lạc bộ là Chelsea và 2 đội thành Manchester cho dù có rất nhiều đội bóng cũng bỏ tiền ra nhiều chẳng kém gì họ. Thành công không chỉ dành cho giới thượng lưu, không ai đảm bảo chắc chắn vị trí của mình trong top 4 hoặc 6 chỉ vì lý do giàu có.

Tin cùng chuyên mục