Bóng chuyền Việt Nam (cấp độ đội tuyển quốc gia) tiếp tục tin tưởng vào một HLV tới từ Nhật Bản. Nếu không có gì thay đổi, tuần này, chuyên gia tới Việt Nam và hợp đồng được ký kết.
Hàng xịn lương 6.000 USD/tháng
Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) – ông Trần Đức Phấn đã khẳng định VFV chấp nhận bỏ chi phí lương 6.000 USD/tháng để thuê chuyên gia Nhật Bản có chất lượng cho đội tuyển. Mọi thông tin về vị chuyên gia này vẫn được giữ kín nhưng chắc chắn, nếu VFV gật đầu chi 6.000 USD (hơn 120 triệu đồng) để thuê thì người đó phải đáng đồng tiền bát gạo. Trong quá khứ, chúng ta thuê rất nhiều chuyên gia nước ngoài về huấn luyện đội tuyển bóng chuyền quốc gia gồm cả nam, nữ. Những lần thuê như vậy, người cao nhất chỉ nhận mức lương gần 3.000 USD. Còn lại, mặt bằng chung đều từ 2.000 USD tới 2.500 USD/tháng.
Không thể đòi hỏi chi trả cao hơn vì tiền trong quỹ chỉ có vừa phải nên bóng chuyền dù muốn có HLV ngoại xịn thì vẫn phải chấp nhận cơ chế. Nếu chuyên gia Nhật Bản mới đến với bóng chuyền Việt Nam, không loại trừ vị chuyên gia ngoại này sẽ phải làm việc cật lực. Bởi vì, mức lương cao đáng kể như vậy thì đơn vị thuê người (ở đây là VFV và bộ môn bóng chuyền – Tổng cục TDTT) không thể bố trí công việc quá nhàn cũng như chỉ tiêu thành tích nhẹ nhàng. Lần gần nhất bóng chuyền Việt Nam thuê chuyên gia Nhật Bản là đầu năm 2016. HLV Shuto Koichi đã làm việc cùng đội trẻ nữ Việt Nam.
Thành tích đáng kể của ông là đưa đội U.19 bóng chuyền nữ đứng hạng 4 châu Á. Đây là kết quả tốt nhất của bóng chuyền trẻ trong lịch sử từng dự các giải quốc tế. Dù vậy, mọi người đã biết ông Shuto Koichi bắt đầu làm việc cùng đội tuyển trẻ Việt Nam một năm trước đây nhưng bị sa thải phải sang CLB nữ Hải Dương làm việc. Khi thiếu người, VFV chấp nhận mời lại HLV này làm việc. Lần này, VFV trả lương cao cho 1 chuyên gia Nhật Bản là bước đột phá chưa có tiền lệ nhưng sẽ làm “thị trường” HLV sôi động hơn vì người có năng lực phải được trả đúng lương.
Vì sao HLV nội thất thế
Khi bóng chuyền Việt Nam vẫn đau đáu tìm HLV ngoại thì không ít ý kiến đòi hỏi nên tận dụng nguồn lực HLV trong nước, tránh...chảy máu chất xám. Tại Hội thảo bóng chuyền tổ chức ở Hà Nội mới đây, thực tế được đưa ra từ lãnh đạo VFV không khỏi buồn. Đó là, nhân lực HLV trẻ là có nhưng không nhiều người đủ khả năng để được cử đi nước ngoài trau dồi, nâng tầm bằng cấp tích lũy chuyên môn. “Đi học theo chương trình của VFV kết nối với các lớp quốc tế là rất dễ. Hàng năm, cơ hội cho HLV trẻ đi học rất nhiều. Tuy nhiên, không ai đăng ký hoặc VFV tìm người cử đi lại không có. Mấu chốt là vì khả năng ngoại ngữ của HLV trẻ bây giờ không có”, lãnh đạo VFV chủ trì Hội thảo khẳng định. Một trong những HLV trẻ được định hướng bồi dưỡng do có khả năng ngoại ngữ là cây chuyền 2 kỳ cựu Phạm Minh Dũng (Thể Công).
Tuy nhiên, việc đầu tư và cử HLV này đi học rồi cũng chưa mang lại thành công. Nghĩa là, HLV trẻ có cơ hội được nâng tầm khả năng nhưng vì hạn chế của bản thân nên họ tự mất cơ hội đó và chưa được tin tưởng thật sự. Đội ngũ HLV có tiếng lúc này của bóng chuyền như Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Thư, Nguyễn Xuân Dung, Lương Khương Thượng, Trần Minh Khang, Bùi Quang Ngọc, Bùi Huy Châm, Lê Thị Bình, Nguyễn Thị Hiền... đều là những người đã ở tuổi ngoài 60.
Không phủ nhận họ dạn dầy chuyên môn, kinh nghiệm và có cá tính. Tuy thế, thể thao hiện đại và chuyên nghiệp là cần dành chỗ cho HLV trẻ. Bản thân VĐV khi định hướng tương lai theo nghiệp HLV phải tự trang bị cho mình những điều kiện cần để rồi chuyển bước sang công việc huấn luyện là có đủ cơ hội phát triển. Do người trẻ không hoàn thiện được, khó trách vì sao nhiều CLB vẫn muốn mời những HLV kinh nghiệm như trên làm người đứng đầu. Một ý kiến tại Hội thảo bóng chuyền vừa qua rất đúng đó là “chúng ta không nên áp dụng hình thức như thời trước, tức là HLV ôm đồm tất cả công việc trong một đội bóng. HLV phải san sẻ công việc cho từng bộ phận để chuyên biệt công việc. Chỉ áp đặt bằng tư duy cũ, không học tập tiếp cận công nghệ hiện đại sẽ tự làm trinh độ bị thụt lùi”.
NGUYỄN ĐÌNH