Hội thảo bóng chuyền chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) và Bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) tổ chức với nội dung “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu” đã diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 25-11. Nhiều ý kiến được nêu lên nhưng cơ bản vẫn chưa có sự chuyển biến vì vướng mắc ở cơ chế thực hiện…
Chưa thể vội vàng
Một trong những đề mục mà hội thảo đưa ra để thảo luận chính là có cần thiết hay không giảm số lượng CLB tham dự giải VĐQG. Hiện tại, theo quy chuẩn, giải nam có 12 đội bóng và giải nữ có 12 đội tương tự. Tuy nhiên, trên tình hình thực tế do nhiều phiên hiệu giải thể thì hiện tại con số các đội dự giải VĐQG (cả nam, nữ) không phải trọn vẹn 12. Một số ý kiến đưa ra tại Hội thảo bảo lưu quan điểm rằng chưa nên vội vàng giảm số CLB ở giải VĐQG. Bởi vì, từng địa phương có đào tạo và quản lý 1 đội bóng thì nếu CLB của mình bị xuống hạng không có kết quả rất dễ dẫn tới nhà quản lý cấp Sở sẵn sàng bỏ qua đầu tư.
Như thế, phong trào nâng cao chuyên môn của bóng chuyền nói chung bị giảm sút. “Trước mắt vẫn nên giữ con số 12 đội và theo tình hình thực tế thì mới tính tới cắt giảm”, chuyên gia kỳ cựu Vũ Quốc Tuấn phát biểu. HLV Lương Khương Thượng thì đưa quan điểm: “Tất cả phải thực hiện theo điều lệ mà VFV đưa ra. Muốn cắt giảm số CLB dự giải VĐQG phải có lộ trình. Vai trò của VFV rất quan trọng trong định hướng từ chuyển nhượng cầu thủ lẫn nâng cao chuyên môn thì từ đó các CLB mới đạt kết quả cao tại giải VĐQG và thu hút khán giả”.
Bóng chuyền Việt Nam đang phát triển khá ì ạch. Ảnh: Dương Thu Ảnh: Dũng Phương
Đánh giá từ Ban đào tạo của VFV chỉ rõ số cơ sở tham gia đào tạo bóng chuyền không nhiều đồng thời những năm gần đây nhiều phiên hiệu giải thể nên số CLB giảm là có. “Chúng ta phải đề ra lộ trình là trong năm nào sẽ cắt giảm số CLB và số bị cắt giảm là bao nhiêu. Hiện tại, 12 đội bóng dự giải VĐQG thì phân theo 3 lớp từ đội bóng mạnh hẳn (4 gương mặt thường xuyên) tới các CLB trung bình và CLB yếu chuyên môn. Chính vì những cuộc tranh tài không có chất lượng cao nên khán giả không được động lực vào xem thi đấu”, Phó chủ tịch VFV Trần Đức Phấn khẳng định.
Tựu chung lại, trước mắt sau mùa giải 2016, ở mùa giải 2017 thì số lượng đội vẫn giữ nguyên và nếu cần thay đổi thì có thể phải chờ năm tới nữa.
Chưa có gì chuẩn mực
Ngoài vấn đề cắt giảm số lượng CLB thì công tác đào tạo VĐV, HLV được đưa ra thảo luận rất mạnh mẽ. Tất cả các ý kiến đều yêu cầu VFV phải có tiếng nói trọng lượng đồng thời đưa ra một chương trình đào tạo VĐV, HLV chuẩn. Từ đấy, chương trình được phổ cập tới các CLB cùng nhau song hành đào tạo. “Hiện tại, chúng ta chưa có một chương trình đào tạo chuẩn. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào HLV. Nghĩa là, người thầy huấn luyện bằng kinh nghiệm nên nếu người thầy ấy từng là VĐV thích những miếng đánh cụ thể thì khi huấn luyện lại chỉ nhắm cho VĐV tập bài đó”, nhà báo Nguyễn Lưu bày tỏ. Chuyên gia Trần Văn Thư và Lê Văn Lẫm cùng quan điểm rằng chương trình đào tạo chuẩn là yếu tố hình thành chuyên môn cho từng cầu thủ và HLV.
Tất nhiên, để thực hiện những chương trình như vậy phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế và tài chính. “Tất cả các môn thể thao đều muốn một quy chuẩn chứ không riêng bóng chuyền. Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại có định hướng khác nhau nên từ phía Tổng cục TDTT hoàn toàn mang vai trò tham mưu”, ông Phấn nói thêm. Mặt khác, lãnh đạo VFV khẳng định thực tế HLV bóng chuyền thiếu và yếu. Yếu ở đây là đội ngũ người trẻ tham gia tiếp cận với trình độ quốc tế không có bởi vì yếu ngoại ngữ nên không thể cử ra nước ngoài học tập. “VFV quy định HLV của giải hạng A phải có bằng cấp 1. HLV giải VĐQG phải có bằng cấp 2. Hàng năm, bóng chuyền có suất cử HLV đi học lấy bằng quốc tế nhưng yếu tố ngoại ngữ là rào cản nên không cử được ai. Thế nên, trước mắt các bằng HLV sẽ đào tạo trong nước”, Phó chủ tịch VFV Nguyễn Thành Lâm phát biểu.
Dậy sóng Ông chủ CLB nữ Đức Giang, Hà Nội là doanh nhân Đào Hữu Huyền đã phát biểu và khiến hội thảo phải “dậy sóng”. Ông Huyền khẳng định mình là người ngoại đạo về chuyên môn bóng chuyền. Tuy nhiên, dưới góc độ là người đầu tư cho một đội bóng thì doanh nhân này đưa các thực trạng còn bất cập như việc chuyển nhượng VĐV hay thuê cầu thủ ngoại. “Chúng ta phải thấy các đội bóng có cầu thủ ngoại là tạo điều kiện cho VĐV nội học tập. Đồng thời, có cầu thủ ngoại, tính chuyên môn hấp dẫn nên khán giả sẽ tới theo dõi. Bóng chuyền cũng như các môn thể thao khác phải quốc tế hóa. Tất cả chỉ cho cầu thủ nội thi đấu với nhau hoàn toàn bó buộc ở sân nhà nên khó phát triển”, ông Huyền đưa quan điểm. HLV Lương Khương Thượng cho biết: “Bây giờ đào tạo không phải theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Bóng chuyền hiện đại là phải áp dụng khoa học kỹ thuật và phân theo con người phụ trách. Nhưng ở cấp ĐTQG và các CLB thì khó về cơ chế, chế độ lương bổng nên chưa làm được”. |
MINH CHIẾN
Cô chủ công xinh đẹp
Cũng mang băng đội trưởng, khoác chiếc áo số 9, cách nhau đúng một giáp cùng sinh năm mèo, nhiều người nói rằng nếu đội một VTV Bình Điền Long An có một thủ lĩnh là Ngọc Hoa thì ở đội trẻ của họ cũng có một thủ lĩnh nữa, chính là cô nàng xinh đẹp Đặng Thị Kim Thanh.
Người ta vẫn nói rằng, con gái tuổi Kỷ Mão sống kín đáo, được yêu mến bởi tính cách nền nã, nhẫn nại và tạo cho những người xung quanh một cảm giác tin cậy. Khi gặp vấn đề rắc rối, họ không dễ buông xuôi, chán nản mà kiên trì tìm giải pháp. Thật vậy, với những ai từng tiếp xúc với cô bé Kim Thanh hẳn sẽ có chung một cảm nhận rằng em rất đáng yêu, rất trong sáng ở đời thường nhưng khi bước lên sàn đấu sẽ là một Kim Thanh khác với sự quyết tâm, máu lửa hết mình trong từng pha bóng.
Kim Thanh duyên dáng trên sân bóng chuyền. Ảnh: Hà Quốc Ảnh: Dũng Phương
Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em tại Long An, Kim Thanh đến với lớp năng khiếu bóng chuyền của HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền từ rất sớm. Do sức khỏe phần nào hạn chế hơn các bạn khiến thời gian đầu em chưa thể bắt nhịp được với cuộc chơi. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó em vượt lên rất nhanh cả về chiều cao, chuyên môn và sức mạnh để trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu của tuyến trẻ.
Từ năm 13 tuổi, Kim Thanh cùng Dương Thị Hên, Kim Thoa… theo dạng cho mượn đã giúp Casuco Hậu Giang lọt vào Top 8 của Giải bóng chuyền trẻ toàn quốc. Đúng 1 năm sau, cũng tại giải đấu này, trong màu áo VTV BĐLA, Kim Thanh tạo ấn tượng mạnh khi cùng các đàn chị như Thanh Thúy, Dương Thị Nhàn… bước lên ngôi vô địch một cách thuyết phục. Cuối năm đó, khi vừa 14 tuổi, Kim Thanh được triệu tập lên đội tuyển trẻ Việt Nam.
Chiều cao lên tới 1m78, lối chơi máu lửa, nhưng ở vị trí phụ công, với sự cạnh tranh quyết liệt của các VĐV có chiều cao vượt trội, Kim Thanh vẫn chưa thực sự có được sự bứt phá mạnh mẽ để tìm được cho mình một chỗ đứng. Bước ngoặt lớn đã đến khi HLV Ngọc Hiền mạnh dạn thử sức trong vai một chủ công. Chỉ trong vòng 3 tháng, Kim Thanh đã khiến rất nhiều người bất ngờ khi tỏa sáng.
Dù sức bật chưa tốt, nhưng bù lại là cách xử lý khéo léo của Kim Thanh trong những đường chuyền bất lợi của đồng đội. Ngoài ra, nhãn quan chiến thuật, khả năng phối hợp trong các pha tấn công len trước, sau… của em cũng hết sức hiệu quả. Chẳng thế mà, dù chỉ đoạt hạng 3 tại Cúp CLB trẻ toàn quốc, nhưng Kim Thanh lại chính là VĐV được khán giả nhớ tên và xin chụp hình nhiều nhất.
Ở vòng hai tới đây, Kim Thanh tiếp tục khoác áo đội bóng Truyền hình Vĩnh Long theo dạng cho mượn. Tuy nhiên vào đầu năm tới, Kim Thanh sẽ chính thức được đôn lên đội 1 VTV Bình Điền Long An để cùng các đàn chị Ngọc Hoa, Thanh Thúy, Hồng Đào, Kim Liên… gánh vác các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2017. Thế nhưng với cô gái trẻ thì đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của em trên con đường bóng chuyền chuyên nghiệp. “Em sẽ cố gắng hơn nữa, chăm chỉ tập luyện bước một, phòng thủ, khả năng phán đoán di chuyển nhiều hơn nữa, em rất yêu bóng chuyền, em muốn được vào sân thi đấu và để lại được dấu ấn” . Kim Thanh chia sẻ.
HÀ QUỐC