Bóng chuyền nữ Việt Nam thiếu hụt nhân sự trước thềm giải vô địch châu Á và Asiad 19

Ngay sau giải bóng chuyền nữ quốc tế tại Lào Cai, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ có một số thay đổi ở nhân sự thành phần ban huấn luyện. Việc không thể đầy đủ con người sẽ đưa ban huấn luyện gặp không ít khó khăn về chuyên môn.
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ thiếu hụt nhân sự ở thành phần ban huấn luyện tại hai giải châu Á sắp tới. Ảnh: AVC
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ thiếu hụt nhân sự ở thành phần ban huấn luyện tại hai giải châu Á sắp tới. Ảnh: AVC

Đội tuyển quốc gia sẽ phải... theo câu lạc bộ

Hiện tại, tham dự giải bóng chuyền quốc tế VTV Cup 2023 ở Lào Cai, bóng chuyền nữ Việt Nam đăng kí đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam 1 với ban huấn luyện gồm HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, trợ lý HLV Trần Thị Hiền và HLV Nguyễn Trung Nam. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam 2 gồm HLV trưởng Nguyễn Trọng Linh, trợ lý HLV Lê Thị Hiền và HLV Tạ Đức Hiếu. Tất cả đều hiểu, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nói chung đang có ban huấn luyện gồm 6 người để mọi công tác về huấn luyện chuyên môn tạm đầy đủ nhất. Dù thế, sau giải đấu ở Lào Cai, chúng ta sẽ chỉ tập trung một đội tuyển quốc gia để hướng tới hai giải quan trọng tiếp theo là vô địch châu Á 2023, ASIAD 19-2022.

Theo tìm hiểu của SGGP, hai HLV Tạ Đức Hiếu và Trần Thị Hiền sẽ thôi không tiếp tục tham gia ban huấn luyện ở đợt làm việc trên để trở lại đội bóng chủ quản. Đơn vị chủ quản đã xin HLV của mình (HLV Tạ Đức Hiếu do đội nữ Ngân hàng Công thương quản lý; HLV Trần Thị Hiền do đội nữ TPHCM quản lý) trở lại đội bóng để đảm bảo chuyên môn do vòng 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia sắp diễn ra. Bất đắc dĩ và cũng bất khả kháng, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng đội tuyển quốc gia không thể nói không mà chấp nhận với ý nguyện trên của các đội bóng. Chính vì thế, cơ sự cũng làm khó cho ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bởi từng HLV như bà Hiền hay ông Hiếu có vai trò khác nhau ở đội tuyển quốc gia và làm việc hiệu quả với ban huấn luyện.

Không có các trợ lý, đặc biệt là trường hợp của ông Tạ Đức Hiếu về công tác huấn luyện thể lực, trong hai giải vô địch châu Á 2023, ASIAD 19-2022 lại sát thời điểm, chắc chắn HLV Nguyễn Tuấn Kiệt không đề xuất gọi bổ sung người thay thế.

Giới chuyên môn hiểu, các đội như Ngân hàng Công thương và TPHCM có mục tiêu quan trọng về chuyên môn là quyết tâm trụ hạng ở giải vô địch quốc gia nên phải chuẩn bị gắt gao từ lúc này. Dù thế, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bước vào giai đoạn quan trọng với giải đấu có tính cạnh tranh cao nhất của cấp độ châu Á nên không ai muốn vắng con người thành phần ban huấn luyện. Việc đề xuất xin người của các đội bóng đã đưa ra, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam khó chối từ. Được biết, trước khi tập trung đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, từ đầu năm, HLV Trần Thị Hiền đã nói trước ý định về thời gian làm việc trên đội tuyển cho tới sau giải SEA V.League 2023 và VTV Cup 2023 rồi trở lại TPHCM do HLV này giữ vai trò HLV trưởng của đội bóng.

Cơ chế làm sao để thay đổi

Bóng chuyền Việt Nam đang thăng hoa với đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Có điều, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một cơ chế chuyên nghiệp HLV, chuyên gia của riêng do mình quản lý. Các đội bóng chuyền nam, nữ theo cấp độ trẻ và quốc gia khi tập trung làm nhiệm vụ giải đấu thì Liên đoàn đều mời HLV từ các đội bóng lên làm công tác huấn luyện chuyên môn cho quốc gia. Mặc nhiên, điều này hoàn toàn phải phụ thuộc vào đội bóng. Đội bóng nào thấy thời gian phù hợp thì gật đầu chấp thuận cử HLV của mình lên tham gia đội tuyển. Đội bóng nào thấy cần HLV ở nhà làm chuyên môn thì sẽ xin phép từ chối.

Không ít lần bóng chuyền Việt Nam thuê chuyên gia làm HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia. Các hợp đồng đều ngắn hạn theo thời vụ phục vụ mục tiêu thành tích tại một giải đấu nhất định (thường là SEA Games). Giờ đây, nhìn vào hành trình của tuyển bóng chuyền nam, nữ ở năm 2023 sẽ thấy một lịch trình thi đấu quốc tế dày đặc. Từ đó, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cần tính phương án có HLV, chuyên gia do mình quản lý để không phụ thuộc câu lạc bộ. Chúng ta đang cần vai trò của giám đốc kĩ thuật nhưng bóng chuyền Việt Nam chưa có.

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam hiểu rõ điều đó. Kêu gọi tài trợ và có nguồn xã hội hóa mạnh cho các đội tuyển bóng chuyền quốc gia không dễ. Vì vậy, việc nguồn quỹ trả lương cao và dài hơi là một câu hỏi quan trọng.

Tin cùng chuyên mục