Bóng chuyền nữ Việt Nam: Cơ hội vươn tầm châu Á

Trong năm 2023, đội tuyển nữ Bóng chuyền Việt Nam tham dự tổng cộng 9 giải quốc tế gồm: Cúp các CLB nữ châu Á 2023, SEA Games 32, AVC Challenge Cup 2023, FIVB Challenge Cup 2023, SEA V-League 2023, VTV Cup 2023, Giải vô địch châu Á 2023, Asiad 19 và Cúp các CLB nữ thế giới 2023.
Bóng chuyền nữ Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở sân chơi châu Á. Ảnh: P.MINH
Bóng chuyền nữ Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở sân chơi châu Á. Ảnh: P.MINH

Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, bóng chuyền nữ Việt Nam mới được thi đấu ở nhiều giải từ khu vực, châu lục cho đến thế giới như vậy. Mỗi giải đấu có tính chất chuyên môn khác nhau, sẽ giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cải thiện hiệu quả về chuyên môn, nâng cao trình độ, đến gần hơn với đẳng cấp châu Á. Rút ngắn khoảng cách về trình độ so với các đội bóng châu lục vẫn luôn là mong muốn qua nhiều thế hệ của bóng chuyền nữ Việt Nam. Cho nên, theo HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, 2 sự kiện trong tháng 9 (Giải vô địch châu Á 2023 và Asiad 19) chính là cơ hội để đội tuyển khẳng định tiềm năng thành tích của mình, tạo đà cho cả một hành trình dài ở phía trước.

Điều may mắn, theo ông Kiệt, đó là việc chủ công Trần Thị Thanh Thúy vẫn sát cánh cùng đội tuyển ở giải vô địch châu Á, sau đó mới trở lại Nhật Bản để thi đấu cho CLB Blue Cats. Sân chơi này vốn gian nan nhưng nhờ sự phục vụ của chủ công hàng đầu này, thầy trò đội tuyển nữ hoàn toàn có cơ hội chen chân vào tốp 4, thậm chí sẽ tranh 1 trong 3 tấm vé dự giải vô địch thế giới vào năm sau.

Đội tuyển hình thành lối chơi rõ nét, có sự kế thừa về lực lượng và quan trọng là hầu hết các tuyển thủ đều được tạo điều kiện thi đấu ở nhiều giải quốc tế nên bản lĩnh và trình độ tăng tiến khá nhanh. Vì vậy, khi Thanh Thúy không đến Asiad 19 cùng đội tuyển thì những cái tên như Vi Thị Như Quỳnh, Kiều Trinh, Đoàn Thị Xuân, Nguyệt Anh… vẫn đủ sức gánh vác trách nhiệm thành tích trên sân. Đội tuyển bóng chuyền nữ được triệu tập gần 30 tuyển thủ, nhờ đó HLV Nguyễn Tuấn Kiệt và các cộng sự trong ban huấn luyện dễ dàng huấn luyện, điều chỉnh và xếp đội hình.

Đấy cũng chính là mục tiêu mà Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang hướng đến, tức là tạo độ dày về lực lượng và chiều sâu về chuyên môn cho các đội hình được sử dụng luân phiên ở nhiều giải đấu quốc tế nối tiếp nhau. Điều này phần nào cũng giúp giới làm nghề phải nghiêm túc, kỹ lưỡng và tâm huyết hơn nữa trong công tác đào tạo vận động viên trẻ, thế hệ kế thừa trong tương lai gần, thay vì bị buông lỏng suốt một thời gian dài như vừa qua (bóng chuyền Việt Nam vắng mặt rất lâu ở các sân chơi trẻ U16, U19 châu Á). Việc trau dồi chuyên môn cho vận động viên trẻ tiềm năng là mục tiêu sát sườn, cần được chính các CLB cũng như cấp quản lý ở Cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đặc biệt quan tâm hơn nữa, để sớm giải quyết nghịch lý 14 tuyển thủ chủ lực phải gồng mình thi đấu liên tiếp qua 4 giải tầm châu Á và thế giới trong thời gian ngắn, không có thời gian hồi phục thể lực.

Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết, Ban chuyên môn của liên đoàn chắc chắn sẽ đổi mới về chiến lược nhằm hướng đến một kế hoạch đào tạo bền vững và kéo dài. Khó khăn lớn nhất bây giờ là nguồn lực tài chính chưa dồi dào của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khiến họ chưa thể xây dựng được đội ngũ chuyên gia, HLV giỏi cho riêng mình nên vẫn đang tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ để phát triển.

HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam Nguyễn Tuấn Kiệt cũng khẳng định, ông rất ủng hộ việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xây dựng được đội ngũ HLV chuyên trách, trong đó làm nổi bật vai trò của HLV trưởng và các trợ lý, để tất cả có thể toàn tâm toàn ý lựa chọn con người, lên kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế giúp nâng tầm và duy trì vị thế cho bóng chuyền nữ Việt Nam thay cho cách làm thời vụ như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục