Từ môn được ưu ái, giờ bóng bàn đã xuống hàng thứ yếu trong đầu tư của ngành thể thao. Tiêu chuẩn đầu tiên là bóng bàn có tay vợt giành suất chính thức dự Olympic thì môn này chưa đạt được. Sau gần 8 năm, chúng ta chưa rõ trong các tay vợt trẻ ai sẽ làm nên thành tích như đàn anh Đoàn Kiến Quốc trước đây.
Quá khó để giành vé Olympic
Cơ hội giành vé chính thức dự Olympic 2016 với bóng bàn Việt Nam ở kỳ Olympic lần này đã bị thu hẹp hơn so với lần tranh chấp năm 2012. Cách đây 4 năm, vòng tuyển chọn trao suất Olympic 2012 có một lượt đấu dành cho các tay vợt tại Đông Nam Á. Chúng ta cũng tham dự nhưng chỉ suýt soát chạm tay vào tấm vé chính thức. Sau đó, ở vòng tuyển chọn của châu Á, bóng bàn Việt Nam cũng không thành công.
Lần này, bóng bàn chỉ có một lượt tranh chấp tại vòng loại châu Á (diễn ra tháng 4-2016 ở Hongkong-Trung Quốc). Vòng tuyển chọn này, Liên đoàn bóng bàn thế giới sẽ trao 11 suất chính thức đối với các tay vợt đạt thứ hạng cao nhất trong nội dung cá nhân. Với bóng bàn Việt Nam, chúng ta chờ mình có VĐV làm nên điều ấy. Điều mà vốn từ năm 2008 tới nay, nếu giành được vé dự Olympic, làng bóng bàn coi đó là sự thần kỳ.
Hai kỳ Olympic 2004 và 2008, bóng bàn Việt Nam đều thi đấu vòng loại Olympic và tay vợt Đoàn Kiến Quốc là người đã liên tiếp giành vé trực tiếp đại diện cho chúng ta tới ngày hội lớn nhất của thể thao thế giới. Nhiều người cho rằng, khi Kiến Quốc thôi không lên tuyển, khoảng trống mà tay vợt này để lại quá lớn nên các đàn em không thể đạt được suất Olympic. Điều này chỉ đúng ở mặt nào đó nhưng không chính xác hoàn toàn.
Chúng ta biết rằng, thời điểm Đoàn Kiến Quốc thi đấu tranh vé Olympic 2008, nhiều VĐV cùng giai đoạn như Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh ít nhiều cũng được tham gia thi đấu quốc tế và có cơ hội được chọn dự vòng loại. Vòng loại Olympic 2012, Tuấn Quỳnh và Quang Linh cũng là những người lĩnh xướng cho bóng bàn nam. Có vé được hay không còn nằm ở yếu tố may mắn và năng lực vượt hẳn của tay vợt. Bây giờ, cửa giành vé Olympic 2016 chỉ một lần duy nhất là vòng loại khu vực châu Á, các tay vợt nếu được tham dự chắc chắn không thể lơi là.
Ai làm được?
Bốn tay vợt nam (Đinh Quang Linh, Lê Tiến Đạt, Nguyễn Xuân Hiện, Trần Tuấn Quỳnh) và bốn tay vợt nữ (Mai Hoàng Mỹ Trang, Đinh Thị Hằng, Nguyễn Thị Việt Linh, Phan Hoàng Tường Giang) có thể là những người được nhắc tới xem xét, lựa chọn thành phần dự vòng loại Olympic 2016. Bởi lẽ, họ là những tay vợt đứng đầu nội dung đơn giải VĐQG 2015.
Tay vợt nữ Mai Hoàng Mỹ Trang. Ảnh: Nhật Anh
Khi ban huấn luyện được thành lập, danh sách VĐV mới được đưa ra. Tất nhiên, chưa hẳn đó đã là những người chắc chắn được dự vòng loại vì ngoài họ cũng có những VĐV khác được đánh giá cao ở sự tiến bộ chuyên môn như Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Nga… Tới đây, 12 tay vợt nam và 12 tay vợt nữ thi đấu giải cây vợt xuất sắc và kể như nó tiếp tục là một vòng đánh giá năng lực nội bộ giữa họ. Yếu tố trẻ sẽ được đặt lên hàng đầu vì chúng ta cần phải tạo điều kiện cho VĐV trẻ có khả năng ra thi đấu thì mới phát triển hơn.
Còn nhớ năm 2012, Trần Tuấn Quỳnh được tạo điều kiện đáng kể để dự vòng loại Olympic châu Á tại Hongkong-TQ. Khi ấy, sự vụ Quỳnh bỏ về đi tập huấn nước ngoài cùng CLB chủ quản thay vì tập trung ở tuyển để chuẩn bị cho vòng loại đã làm nhiều người thấy thất vọng. Nhìn thực chất vấn đề, VĐV khi cảm thấy không ăn thua được ở vòng loại Olympic nên không mặn mà tham dự.
Với thể thao và bóng bàn chuyên nghiệp, dẫu cho biết được mình khó tranh chấp được vé nhưng được tham dự là một điều quý giá để VĐV tích lũy thêm. Rất nhiều tay vợt trẻ mong điều ấy nhưng không được. Thế nên, người trong giới chờ đợi lần triệu tập ĐTQG trong năm 2016, VĐV trẻ sẽ được tin tưởng hơn dù cả trong vòng loại Olympic 2016.
Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2015 sẽ thi đấu trong chương trình giải Việt Nam Open Cúp Báo Công an Nhân dân 2015. Giải quy tụ 12 tay vợt nam và 12 tay vợt nữ xuất sắc nhất toàn quốc tranh tài vòng tròn 1 lượt chọn người thành tích cao nhất trao ngôi vô địch. Năm nay giải thi đấu tại Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu từ ngày 23-12. |
NGUYỄN ĐÌNH