Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM:
Có thời điểm, giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng thiếu thốn kinh phí đến cùng cực, chấp nhận đưa ra Vũng Tàu tổ chức. Thế nhưng, sân chơi truyền thống của TPHCM vẫn được duy trì cho đến hôm nay, khi đã tròn 30 năm. Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, Trưởng ban tổ chức giải - khẳng định bằng mọi giá phải duy trì giải đấu, đồng thời tính chuyện chuyên nghiệp hóa cho bóng bàn TPHCM…
Ông Mai Bá Hùng
* Phóng viên: Qua 30 năm, Cây vợt vàng đã trải nhiều thăng trầm, nhưng đây vẫn là sân chơi không thể thiếu của bóng bàn Việt Nam. Ông có nghĩ vậy?
* Ông Mai Bá Hùng: Cho đến hiện tại, Cây vợt vàng chính là sự kiện quốc tế duy nhất của bóng bàn Việt Nam trong năm. Điều đó đã được duy trì hằng suốt 30 năm qua, bằng gần nửa cuộc đời của một con người chứ đâu có ngắn. Có lúc, giải gặp khó khăn, đặc biệt về tài chính, thậm chí nhiều người đã góp ý khai tử nó đi. Thế nhưng, chúng tôi-với trách nhiệm của thế hệ những người làm thể thao sau các bậc cha, chú-phải duy trì nó bằng mọi giá. Cây vợt vàng không chỉ mang giá trị ý nghĩa về lịch sử, mà còn là giải đấu quan trọng, chứng kiến sự phát triển của bóng bàn Đông Nam Á cũng như Việt Nam.
* Sân chơi này nằm trong hệ thống tính điểm xếp hạng của bóng bàn thế giới, từng thu hút rất nhiều người quan tâm. Nhưng vì sao giờ đây lại ít được chú ý?
Thực ra, giới làm nghề và người hâm mộ vẫn quan tâm đấy chứ, có điều không nhiều như trước kia, bởi vì ngoài bóng bàn còn có bóng đá, cầu lông, quần vợt… cũng là những môn thu hút sự quan tâm rất lớn. Bàn riêng đến bóng bàn, nguyên nhân lớn nhất rõ ràng là đỉnh cao của môn thể thao này đang chùng xuống, không mạnh mẽ như thời mà những tên tuổi Trần Tuấn Anh, Vũ Mạnh Cường, Ngô Thu Thủy, Nguyễn Mai Thy, Đoàn Kiến Quốc… còn thi đấu. Khi không có được “món ăn ngon”, tất nhiên khán giả sẽ ít đến nhà thi đấu. Chúng tôi đang nỗ lực làm lại và đưa người hâm mộ trở lại với các hàng ghế khán đài càng nhiều càng tốt…
* Đấy có phải là lý do vài năm gần đây ban tổ chức giải phải rút ngắn từ 7 xuống còn 4 nội dung?
Đúng vậy. Do điều kiện kinh phí vận động được hạn chế hẳn so với trước đây và ngành TDTT thành phố gần như phải chi phí phần lớn cho công tác tổ chức thi đấu, phát thưởng nên tạm thời chúng tôi rút xuống còn 4 nội dung. Tuy nhiên, ở giải lần thứ 30, có một nét mới chính là các đoàn góp mặt đều đồng tình với ý tưởng đóng 200 USD cho mỗi tay vợt dự giải, đặc biệt là các bạn Nhật Bản. Ban tổ chức giải lần này nhận được sự tài trợ từ Tôn Đông Á và doanh nghiệp này khẳng định sẽ gắn kết lâu dài với Cây vợt vàng nên kể từ năm tới, chúng tôi có thể sẽ đưa trở lại 7 nội dung tranh tài.
* Nhưng cũng cần có một lộ trình và cuộc đầu tư mới mạnh mẽ hơn để duy trì giải cũng như phát triển bóng bàn đỉnh cao ở TPHCM?
Chắc chắn sẽ phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Phong trào bóng bàn ở TPHCM rất mạnh, có rất nhiều CLB được hình thành. Nhưng đáng tiếc là hoạt động vẫn rời rạc. Chúng tôi sẽ hoạch định lại và bắt đầu với mô hình xây dựng các CLB chuyên nghiệp, được doanh nghiệp đầu tư, ngành sẽ tích cực hỗ trợ về cơ chế, điều kiện sân bãi tập luyện... Ngoài nguồn kinh phí của TPHCM, bóng bàn cần tận dụng triệt để công tác xã hội hóa vốn nở rộ trước đây, để vừa mạnh về phong trào, vừa sâu sắc ở đỉnh cao. Hai mô hình CLB Petrosetco TPHCM (bóng bàn nữ) và Hà Nội T&T (nam, nữ) được cho là chuẩn và rất đáng để học hỏi.
* Xin cảm ơn ông.
LÊ HÙNG (thực hiện)